Theo hãng phân tích công nghiệp iSuppli, TV độ nét cao (HDTV) sẽ có nhiều thay đổi lớn trong năm 2010 để mang đến cho người dùng những trải nghiệm tuyệt vời hơn về hình ảnh, đồng thời giá cả cũng sẽ phù hợp hơn với túi tiền người dùng.
Dưới đây là 10 xu hướng của HDTV mà iSuppli dự đoán sẽ trở nên phổ biến trong năm tới:
1. Sử dụng đèn LED để chiếu sáng nền
Từ lâu các TV LCD đã sử dụng đèn huỳnh quang (gọi là CCFL) để chiếu sáng, nhưng sự xuất hiện của đèn nền LED đã mang lại nhiều thay đổi cho lĩnh vực này. LED có 3 ưu điểm: tốn ít điện năng, chiếu sáng rộng hơn, và không độc hại như đèn huỳnh quanh. Tuy vậy, giá thành của công nghệ này vẫn còn khá cao, và tuổi thọ của chúng vẫn chưa thể sánh với đèn huỳnh quang.
Theo dự đoán của iSuppli, giá thành LED sẽ giảm xuống khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên và nhiều nhà chế tạo chuyển sang sản xuất dòng sản phẩm này. Hồi tháng 7, Sharp đã giới thiệu một loạt TV AQUOS cỡ 32, 40, 46 và 52-inch có đèn nền LED với mức giá từ 1100 tới 2800USD. Ngay cả TV UN50B650 của Samsung cỡ 55-inch có đèn LED chiếu sáng nền cũng được bán trực tuyến với giá khoảng 2500USD.
2. Tốc độ làm tươi 240Hz
Những sản phẩm HDTV đầu tiên có tốc độ làm tươi màn hình (refresh) 60Hz và sau đó nâng dần lên 120Hz. Sony đã trình diễn tại Triển lãm CES 2009 chiếc Bravia XBR9 mới có tốc độ làm tươi lên tới 240Hz. Các nhà sản xuất như LG và Samsung cũng đang đi theo xu hướng này.
Tuy nhiên, tốc độ 240Hz còn nhiều vấn đề bàn cãi. Nhiều chuyên gia cho rằng khó nhận thấy sự khác biệt giữa tốc độ 120Hz và 240Hz trừ khi HDTV phát các hình ảnh chuyển động cực nhanh, hoặc dùng để chơi game video. Tuy đắt hơn các sản phẩm 120Hz nhưng những chiếc HDTV 240Hz sẽ là xu hướng tất yếu của dòng TV độ nét cao trong năm tới.
3. Có khả năng kết nối Internet
HDTV sẽ được tích hợp các ứng dụng nhỏ (widget) nhiều hơn (dành cho âm nhạc, chơi game và các nội dung khác). Nhờ khả năng kết nối Internet mà người dùng sẽ nhận thấy lợi ích từ các widget này. Tháng 12 này, Sony đã tung ra 12 mẫu TV có tích hợp khả năng kết nối Internet.
4. Độ phân giải 2160p
Độ phân giải cực cao 2160p đã tạo ra một bước tiến xa so với mức 1080p và 720p hiện nay. 2160p sẽ cho độ phân giải 3840x2160 điểm ảnh, có thể chia thành 4 màn hình riêng biệt (mỗi màn hình có độ phân giải 1080p) với các ưu thế khác biệt về chất lượng hình ảnh.
Nhưng cho đến nay, các TV 2160p vẫn chưa khả thi cho bất cứ ai khác ngoài các tỷ phú như Bill Gates hay Oprah. Sản phẩm HDTV 2160p của Samsung có giá 50.000USD. Tại Nhật các nhà sản xuất hiện đã ra mắt hai mẫu HDTV 2160p trong vòng vài tháng qua là Trimaster của Sony có giá khoảng 76.583USD, và Cell Regza LCD của Toshiba, dự kiến sẽ được trưng bày tại Triển lãm CES 2010 tại Las Vegas vào tháng giêng tới.
Tuy nhiên, iSupply hy vọng rằng vào thời điểm giữa 2009 và 2011, các nhà sản xuất TV sẽ triển khai các HDTV 2160p đầu tiên dành cho phân khúc tiêu dùng. Các thiết bị 2160p cho gia đình sẽ vẫn đắt tiền so với các thiết bị gia đình khác. iSupply cho rằng giá thành của TV 2160p sẽ giảm nhưng không rõ là ở thời điểm nào, trong khi phần nội dung vẫn là một vấn đề nan giải đối với dòng TV này.
5. Màn hình OLED tăng kích cỡ và số lượng
LG vừa cho công bố chiếc TV OLED 15- inch và chỉ dành cho thị trường Hàn Quốc. iSuppli tiên đoán rằng, cuối cùng các TV OLED sẽ thay thế cho TV LCD. Chúng sẽ tốn ít năng lượng điện hơn, mỏng hơn rất nhiều và người dùng có thể cuộn chúng theo ý thích.
Theo iSuppli, doanh thu toàn cầu từ sản xuất các tấm OLED để trang bị cho TV sẽ tăng từ con số 10 triệu USD vào năm 2009 lên 1,8 tỷ USD vào năm 2015. Nhưng việc xuất xưởng vẫn nhỏ so với các TV LCD. Các nhà phân tích tin tưởng rằng, các thách thức chế tạo và sản phẩm giới hạn sẽ khiến cho các TV OLED kích cỡ nhỏ và giá thành cao duy trì một thị trường thích hợp cho đến ít nhất năm 2015. Giá bán trung bình đối với TV OLED 11-inch hiện nay là 2500USD trong khi đó TV LCD 40 tới 42-inch có giá 704USD. Nhưng cả hai loại TV Plasma và OLED sẽ có kích thước ngày một lớn hơn.
6. Vẫn cần kính để xem hình ảnh 3D
Tuy nhiều hãng sản xuất lớn đã dự kiến cho ra đời những chiếc TV 3D nhưng chúng vẫn còn ở dạng sơ khai và người dùng muốn xem hình ảnh 3D vẫn cần phải có kính phụ trợ. Đối với các màn hình không cần kính, sử dụng một bộ lọc quang để thay thế các hiệu ứng màn chập (chắn sáng) của kính thì sẽ mất một nửa độ phân giải của màn hình.
7. TV 3D
Mitsubishi và sau đó là Samsung đã đi tiên phong với các thiết bị RP-DLP có sẵn 3D. Các thiết bị này sẽ tạo ra hiệu ứng 3D bằng cách chuyển nhanh giữa các hình ảnh trái và phải nhưng người dùng sẽ phải đeo kính phụ trợ. Các TV DLP (công nghệ xử lý ánh sáng số) có giá thành cao và yêu cầu sử dụng các nội dung chuyên để xem 3D. Theo Patel, gần đây Samsung đã rút lui hoàn toàn khỏi thị trường DLP.
Hiện nay, TV LCD và Plasma là được nhắc đến nhiều nhất. Tháng 12 vừa qua, Panasonic đã giới thiệu chiếc HDTV Plasma 3D có kích cỡ 50-inch. Cũng trong tháng này, LG đã tiết lộ kế hoạch ra mắt mở rộng dòng TV LCD sang 3D vào nửa cuối năm 2010. Trong khi đó, hiệp hội đĩa Blu-ray (BDA) đã công bố đặc điểm kỹ thuật Blu-ray đơn để tạo ra nội dung HDTV 3D 1080p. Chúng có thể hoạt động trên các thiết bị LCD, Plasma và OLED.
Tuy nhiên, dù các hãng sản xuất lớn đã công bố những chiếc TV 3D vào năm 2010 nhưng iSuppli tiên đoán rằng, phải mất từ 2 đến 4 năm nữa, TV 3D mới hoàn toàn trở thành xu hướng chủ đạo vì còn có rất nhiều các vấn đề xung quanh việc định dạnh để thu hình ảnh, hiển thị, kính phụ trợ,... Nhưng sau cùng, các màn hình 3D không cần kính phụ trợ có thể sẽ được trang bị trên điện thoại di động.
8. TV Plasma có kích cỡ lớn hơn
Rất lâu nữa các nhà sản xuất TV Plasma mới có thể sản xuất các sản phẩm kích cỡ lớn, chẳng hạn 100-inch hoặc lớn hơn. Nhưng theo iSuppli, nhu cầu tiêu dùng sẽ đẩy mạnh việc sản xuất hàng loạt các TV Plasma có kích cỡ 50-inch và lớn hơn. Trong phạm vi 40-inch, TV Plasma không có ưu điểm về giá so với TV LCD. Nhưng ưu điểm đó vẫn sẽ phát huy tác dụng ở các kích cỡ trên 50-inch. Các nhà sản xuất tấm màn hình sẽ mở rộng chúng tới kích cỡ đó. Hiện HDTV plasma HPR6372 cỡ 63-inch của Samsung có giá khoảng 3500USD. Nhưng đầu năm nay, Samsung đã công bố một tấm màn hình có kích cỡ tới 70-inch. Do đó, trong năm tới, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều dòng TV Plasma có kích cỡ ngày càng lớn hơn.
9. Sản phẩm kết hợp HDTV/Blu-ray
Trong năm 2009, các sản phẩm HDTV được giới thiệu ra thị trường bao gồm Sharp LC46BD80U, một sản phẩm kết hợp HDTV/Blu-ray có giá khoảng 1600-1700USD. Sony VIAO L11FX/B là một thiết bị tất cả trong một gồm một PC Windows 7, bộ tinh chỉnh HDTV, ổ đĩa Blu-ray và màn hình đa cảm ứng 24-inch.
Tuy nhiên theo iSuppli, trong năm 2010 các sản phẩm kết hợp HDTV/Blu-ray sẽ không đến như một bất ngờ lớn vì đó là một sự tiến hóa tự nhiên của thị trường. Phần lớn các đơn vị kết hợp là nhằm vào những người dùng đã có những chiếc TV cho phòng khách nhưng bây giờ muốn có thêm TV cho các phòng khác như phòng ngủ. Thay vì mua một chiếc TV và ổ đĩa Blu-ray riêng biệt, người dùng có thể chọn một thiết bị tất cả trong một. Như thế giá thành sẽ rẻ hơn và họ sẽ chuyển sang một công nghệ mới.
10. TV “xanh hơn”
Bang California, Mỹ vừa thông qua một đạo luật hạn chế việc tiêu thụ điện năng của TV và giảm lượng khí thải ra môi trường. Do đó, theo các chuyên gia, các nhà sản xuất sẽ bắt đầu phải cố gắng để "xanh hóa" các sản phẩm TV của họ vào năm 2010. Như vậy, luật mới có thể là tiếng chuông báo tử đối với TV Plasma. Đây là loại TV cho chất lượng hình ảnh hiện thị tốt nhưng tiêu tốn nhiều điện năng, chúng gây nhiều tiếng ồn vì được làm mát bằng quạt. Hơn nữa, chúng sử dụng các loại khí độc hại cho môi trường.
Do đó, theo các chuyên gia, 2010 sẽ là năm hướng tới các TV LCD sử dụng đèn LED chiếu sáng nền. Vì vậy, các nhà sản xuất CCFL cũng sẽ phải cải thiện công nghệ này để có công xuất tiêu thụ thấp, loại bỏ các dòng sản phẩm có chứa vật liệu độc hại như thủy ngân và sẽ hướng tới việc đáp ứng tiêu chuẩn Energy Star 4.0 cũng như tuân thủ chuẩn RoHS ở các quốc gia Châu Âu.