10 công nghệ lớn mới bị khai tử gần đây khiến nhiều người không khỏi nuối tiếc

Mỗi năm, chúng ta lại được đón chào những công nghệ mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều công nghệ cũ nếu không bắt kịp với xu hướng của thời đại sẽ bị khai tử nhường chỗ đứng cho những công nghệ mới phát triển và một khi đã bị khai tử thì chúng ta sẽ không bao giờ còn cơ hội được sử dụng chúng trong hiện tại cũng như tương lai. Hãy cùng Quản trị mạng quay ngược lại thời gian và điểm qua 10 dịch vụ, công nghệ nổi bật đã bị “khai tử” gần đây.

1. Windows Phone:

Windows Phone

Theo Phó chủ tịch của Microsoft Joe Belfiore, Microsoft sẽ chính thức không bổ sung thêm bất cứ nền tảng hay phần cứng nào mới cho Windows Mobile nữa. Nguyên nhân của sự thất bại này là do các nhà phát triển đã không còn mặn mà với nền tảng của hệ điều hành Windows Mobile. Trong những năm qua, các nhà phát triển tập trung vào đầu tư cho 2 hệ điều hành iOS và Android giúp họ đem lại nguồn lợi nhuận cao, chính điều này đã làm cho kho ứng dụng của Microsoft trở nên vắng bóng nhiều ứng dụng hữu ích, không đáp ứng nhu cầu người dùng điều này đồng nghĩa với việc Windows Phone sẽ bị ruồng bỏ. Khi người dùng đã không còn mặn mà với sản phẩm, dẫn đến thị phần sụt giảm liên tục và việc không còn được đầu tư phát triển là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Mặc dù vậy, Joe Belfiore đảm bảo với khách hàng rằng các thiết bị hiện tại sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ dưới hình thức sửa lỗi, cập nhật bảo mật… cho nền tảng Windows 10 Mobile.

2. Microsoft Kinect:

Microsoft Kinect

Với những người yêu thích game chắc sẽ luyến tiếc về sự ra đi của Kinect khi Microsoft chính thức dừng sản xuất phụ kiện này. Kinect là một phụ kiện cảm biến chuyển động được phát triển dành cho các máy chơi game Xbox 360 và Xbox One. Trong quá khứ Kinect từng là phụ kiện được xếp vào danh sách bán chạy nhất trong năm 2011 và giành được sự công nhận của kỷ lục Guinness.

Tuy bị xem là dự án thất bại, nhưng với sự giúp đỡ của các nhà phát triển Kinect vẫn tiếp tục nghiên cứu và đưa ra những dự án mới về cảm biến cốt lõi của nó giúp Microsoft phát triển các sản phẩm khác. HoloLens chính là sản phẩm được ra đời dựa trên công nghệ từ Kinect. Camera trên nhiều máy tính xách tay hiện nay cũng đang dùng công nghệ của Kinect trong việc nhận dạng khuôn mặt của người dùng. Thậm chí nó còn được ứng dụng một phần trong việc tạo ra kính thực tế hỗn hợp (AR và VR) Windows Mixed Reality.

3. TV 3D:

TV 3D

Xuất hiện trên thị trường từ năm 2010, công nghệ TV 3D đã nhanh chóng được các ông lớn trong làng công nghệ như LG, Samsung, Sony để ý tới và đầu tư phát triển dòng TV 3D. Thế nhưng, công nghệ này chỉ được áp dụng trên TV, còn với những thiết bị trong ngành công nghiệp khác lại không được sử dụng rộng rãi, bên cạnh đó nội dung 3D chưa nhiều, kính 3D thường gây mỏi mắt nếu sử dụng lâu và công nghệ 3D cũng không phải là yếu tố quan trọng khi khách hàng quyết định mua một chiếc TV mới. Vậy nên, sau 7 năm tồn tại và phát triển thì công nghệ này cũng đã phải cúi đầu rút lui.

4. Apple iPod Shuffle và iPad Nano:

Apple iPod Shuffle và iPad Nano

Ngay nay với sự phát triển mạnh mẽ của những chiếc smartphone, những sản phẩm máy nghe nhạc MP3 như iPod Shuffle và iPad Nano đã không còn được người dùng săn đón sử dụng. Điều này buộc Apple phải đánh dấu chấm hết cho những thiết bị nghe nhạc đã từng là biểu tượng của công ty.

27/7/2017 là ngày Apple đánh dấu chấm hết với những sản phẩm máy nghe nhạc. Không thể phủ nhận dòng máy nghe nhạc của Apple đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp iPod trở thành hiện tượng văn hóa toàn cầu. Có thời điểm lượng người sử dụng iPod còn vượt xa cả người dùng máy tính, đây cũng là kỷ nguyên mới mở đường cho sự phát triển của iPhone sau này.

5. Dịch vụ nhắn tin AIM:

Sau 20 năm tồn tại và phát triển, cuối cùng hãng AOL cũng phải ngậm ngùi vĩnh biệt AOL Instant Messenger, dịch vụ nhắn tin còn được biết đến với cái tên AIM. Sự ra đi của AIM được nằm trong dự định từ trước và đã được hãng thông báo từ năm 2017.

Thực tế, ở Việt Nam dịch vụ nhắn tin AIM không quá phổ biến, thế nhưng ở ngước ngoài dịch vụ này lại rất phát triển. Nếu như ở Việt Nam có dịch vụ nhắn tin Yahoo Messenger được ưa chuộng thì ở nước ngoài họ lại thích sử dụng AIM. Mặc dù đã ra đi nhưng những công nghệ của AIM vẫn được tích hợp và còn sót lại ở đâu đó trong những dịch vụ nhắn tin hiện đại như Facebook Messenger hay Whatsapp.

6. Google Tango:

Google Tango

Vào năm 2014, với những người yêu công nghệ chắc hẳn sẽ biết đến Project Tango, một dự án vô cùng nổi tiếng của Google và dự án này có liên quan đến smartphone và tablet được nhắm vào xu thế tăng cường thực tế ảo. Nó sử dụng các cảm biến và camera đặc biệt trên thiết bị để quét và tạo ảnh 3D của vật thể.

Tuy nhiên kể từ khi ra mắt Project Tango gặp phải rất nhiều vấn đề như tốc độ xử lý chậm và sự chính xác, đặc biệt yêu cầu về phần cứng cũng là một trở ngại đối với các nhà sản xuất thiết bị di động. Thực tế công nghệ này đã có mặt trên Asus ZenFone AR và Lenovo Phab 2 Pro nhưng công nghệ này vẫn đang dần chìm trong quên lãng và chính thức dừng phát triển vào tháng 3/2018.

7. Google xóa Chrome Apps khỏi Chrome Web Store:

Google xóa Chrome Apps khỏi Chrome Web Store

Cuối tháng 12/2017 Google đã đánh dấu chấm hết mục Chrome Apps của trình duyệt Chrome dành cho các hệ điều hành Windows và Mac (chứ không phải ChromeOS) và người dùng sẽ không còn cơ hội được sử dụng mục Apps mỗi khi truy cập Chrome Web Store. Thực tế nhiều Apps trên trình duyệt Chrome không khác gì một bookmark của trình duyệt thông thường, chưa kể các trình duyệt liên tục cập nhật những tính năng mới, do đó rất ít người dùng còn quan tâm đến các ứng dụng mở rộng này.

Sau khi khai tử mục Chrome Apps Google đã gửi email thông báo đến các nhà phát triển ứng dụng dành cho Chrome. Tính đến hôm nay Chrome Apps đã thực sự biến mất hoàn toàn.

8. Google Talk:

Google Talk

Đây là một ứng dụng được Google phát triển từ nền tảng nhắn tin này được ra mắt lần đầu tiên vào đầu năm 2015 và ứng dụng này thường được biết đến với tên gọi Gchat. Sau một thời gian hoạt động thì đến năm 2017 dịch vụ này đã chính thức ngừng hoạt động và Hangouts là dịch vụ được thay thế với nhiều chức năng thú vị hơn. Việc dừng dịch vụ này là hoàn toàn dễ hiểu, vì thực tế Goole đang phát triển đồng thời nhiều dịch vụ có chức năng tương tự như nhau như: Google Talk, Google Hangouts, Android Messenger, Allo, Duo, Voice and Talk.

9. Microsoft Groove Music:

Microsoft Groove Music

Groove Music tiếp tục là một cái tên của nhà phát triển Microsoft bị khai tử trong năm 2017. Groove Music là một dịch vụ nghe nhạc trực tuyến, tuy đã được cải tiến hơn rất nhiều so với khi mới ra mắt, thế nhưng Groove Music vẫn không thể trụ được lâu, buộc Microsoft phải đưa ra quyết định khai tử dịch vụ vào ngày 31/12/2017, tuy nhiên người dùng dịch vụ này vẫn có thể sử dụng ứng dụng này như một trình phát nhạc được lưu trong bộ nhớ, những bản nhạc đã mua và tải xuống hoặc tải lên OneDrive, nhưng sẽ không còn các tính năng nghe nhạc trực tuyến và mua bài hát thông qua Groove Music nữa.

10. Amazon Underground:

Amazon Underground

Sau hai năm tặng miễn phí ứng dụng Android và vật phẩm trong game cho người dùng, Amazon cuối cùng đã đóng cửa chương trình Underground vào mùa hè vừa qua.

Trong một thông báo, Amazon cho biết nếu người dùng không sử dụng một thiết bị do hãng sản xuất, việc truy cập vào chương trình Underground sẽ bị vô hiệu hóa.

Nếu dùng một thiết bị của Amazon như máy tính bảng Fire, bạn có thể truy cập vào chương trình này cho tới tận năm 2019. Amazon lúc đầu muốn Underground trở thành một sự lựa chọn thay thế cửa hàng Play Store của Google.

Tuy nhiên, nếu không được cung cấp nội dung miễn phí, không nhiều người dùng tha thiết với một cửa hàng ứng dụng từ bên thứ ba như Underground.

Xem thêm:

Thứ Sáu, 22/06/2018 10:12
51 👨 986
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Công nghệ mới