Đèn giao thông ở Mỹ không có bộ đếm giây như ở Việt Nam. Tại sao vậy? Hãy cùng nhau tìm hiểu lí do nhé!
Đèn giao thông phổ biến toàn cầu đã không trải qua một thiết kế lại đáng kể nào trong gần 100 năm, kể từ khi William Pott, một cảnh sát Detroit, tạo ra đèn giao thông ba phần đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 1921. Hiện nay, các chuyên gia cho biết, sự gia tăng của xe tự lái có nghĩa là cần có một bộ hướng dẫn an toàn mới để đảm bảo chúng tương tác chính xác với tín hiệu giao thông.
Đèn giao thông trên toàn thế giới thường sử dụng đèn đỏ, vàng và xanh lá cây để báo hiệu cho người lái xe biết họ nên dừng lại, đi tiếp hay chuẩn bị dừng lại hoặc đi tiếp tại các ngã tư và lối đi dành cho người đi bộ. Mỗi màu đèn đều có một khoảng thời gian hiện nhất định. Và bộ đếm giờ sẽ hiện trên đèn để người tham gia giao thông tiện theo dõi.
Tuy nhiên, không phải đèn giao thông nào cũng có bộ đếm giờ, cụ thể đó là đèn giao thông ở Mỹ. Tại sao lại như vậy?
Tại Mỹ, hầu như tất cả các trụ đèn giao thông đều không có bộ đếm giây. Nếu đèn còn đang xanh thì người tham gia giao thông có thể thoải mái chạy tiếp, đèn sẽ biết có người đang tới và không chuyển trạng thái đột ngột nhờ một công nghệ đơn giản được lắp đặt ở bên dưới mặt đường.
Công nghệ này được gọi là “Inductive Loop Detector” - “Vòng cảm ứng”, giúp cho các đèn tín hiệu biết được khi nào có xe đang chạy tới hoặc đang dừng đèn đỏ, từ đó hệ thống tự động điều chỉnh trạng thái của đèn một cách phù hợp nhất.
Vòng cảm ứng này hoạt động dựa vào hiện tượng cảm ứng điện từ. Bên dưới mặt đường, các cuộn dây được lắp đặt vào các rãnh sâu khoảng 10-15cm. Bê tông hoặc xi măng được đổ lên trên các rãnh để cố định. Vòng dây được nối với hệ thống điều khiển trung tâm, chung với bộ xử lý đèn tín hiệu. Hệ thống này có độ chính xác và hoạt động tốt trong liên tục 15-20 năm, có chi phí lắp đặt và vận hành rẻ hơn so với các hệ thống cảm biến khác.
Khi không có xe, các vòng này luôn phát ra một từ trường ổn định. Nếu có xe (kim loại) xuất hiện bên trên, từ trường này sẽ thay đổi và tạo ra một dòng điện cảm ứng bên trong cuộn dây. Một tín hiệu sẽ được gửi tới bộ điều khiển đèn và nó sẽ hiểu rằng có xe đang chờ hoặc đang chạy ngang qua.
Ví dụ, nếu một xe đang chạy tới ngã tư thì thấy đèn xanh, vòng sẽ nhận biết hướng đi của xe vẫn đang có lưu thông nên sẽ tiếp tục duy trì trạng thái xanh cho tới khi luồng giao thông giảm đi hoặc biến mất. Trong trường hợp ở phần đường giao nhau, vòng bên hướng đường khác không nhận diện được có xe đang chờ, bộ điều khiển sẽ tiếp tục duy trì đèn xanh ở phía ô tô đang chạy. Còn trong trường hợp, vòng bên đường đó nhận diện được có xe đang chờ, thì sau khi ô tô chạy qua khỏi ngã giao và nó sẽ mở đèn xanh cho xe đang chờ di chuyển.
Với công nghệ này, người lái xe không phải quan tâm đến việc có cần phải chuẩn bị dừng khi đến ngã tư hay không trừ khi thấy đèn vàng. Nếu đang di chuyển cách vạch kẻ đường tầm khoảng 100 mét mà đèn vẫn còn xanh thì người lái vẫn cứ yên tâm giữ ga, đèn sẽ không đổi đột ngột, tránh trường hợp người lái xe phải phanh gấp và bị tông đít xe.