Vào 0h59 ngày 17/12 theo giờ Hà Nội, khoang của tàu vũ trụ chứa mẫu đất đá 1,2 tỷ năm tuổi của Mặt Trăng đáp xuống Nội Mông, kết thúc nhiệm vụ Hằng Nga 5 của Trung Quốc.
Nhiệm vụ Hằng Nga 5 mang về khoảng 2kg bụi và sỏi trên Mặt trăng, nhiều hơn nhiều so với 170g vật chất mà nhiệm vụ Luna 24 của Liên bang Xô Viết mang về vào năm 1976.
Tàu Hằng Nga 5 gồm 4 module nặng 8.200kg. Vào ngày 23/11, tàu được phóng vào vũ trụ. Sau 5 ngày, tàu tới được quỹ đạo Mặt Trăng.
Vào ngày 1/12, trạm đổ bộ và phương tiện cất cánh (hai trong số 4 module) đã đáp xuống khu vực gần núi lửa Mons Rümker thuộc vùng lòng chảo khổng lồ Oceanus Procellarum.
Trạm đổ bộ được trang bị camera, radar xuyên đất, quang phổ kế chụp ảnh và hoạt động bằng năng lượng Mặt trời. Nhiệm vụ của nó là thu thập mẫu vật từ bề mặt và ở độ sâu 2m dưới mặt đất.
Đến ngày 3/12, phương tiện cất cánh mang theo mẫu vật quay lại tàu đang ở trên quỹ đạo thấp của Mặt Trăng. Trạm đổ bộ bị hư hại do hoạt động phóng nên ngừng hoạt động vào ngày 11/12. Đến ngày 7/12, đội chuyên viên của nhiệm vụ Hằng Nga 5 điều khiển phương tiện cất cánh rời khỏi quỹ đạo và hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng. 5 ngày sau, tàu bắt đầu hành trình trở về Trái Đất.
Mẫu vật do tàu Apollo thu thập đều trên 3 tỷ năm tuổi, còn đất đá ở khu vực Mons Rümker trên Mặt trăng được cho là hình thành cách đây 1,2 tỷ năm. Vì vậy, mẫu vật của tàu Hằng Nga 5 sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về quá trình tiến hóa và lịch sử Mặt Trăng.
Trung Quốc là quốc gia thứ 3 trên thế giới thành công mang mẫu vật Mặt Trăng về Trái Đất. Hai nước trước đó là Liên bang Xô Viết và Mỹ, từ năm 1969 đến 1972 thực hiện 6 nhiệm vụ Apollo thu thập tổng cộng 382 kg mẫu đất đá Mặt Trăng.