Tàu thuyền đang dùng nhiên liệu sạch hơn để giảm ô nhiễm không khí, nhưng lại thúc đẩy tình trạng ấm lên toàn cầu do khiến mây giảm khả năng phản xạ ánh sáng Mặt Trời ra không gian, theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Communications Earth and Environment hôm 30/5.
Theo đó, từ năm 2020 ngành vận tải chuyển sang sử dụng nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp. Tuy nhiên, điều này có thể khiến tốc độ ấm lên tăng gấp đôi (hoặc hơn) trong thập kỷ này, thậm chí góp phần gây ra mức nhiệt kỷ lục trong năm qua.
Nguyên nhân là trong chất ô nhiễm lưu huỳnh có các hạt tí hon giúp phản xạ ánh sáng Mặt Trời ra không gian. Điều này khiến các đám mây giống gương hơn, tạo ra hiệu ứng làm mát tạm thời trên Trái Đất.
Trước đây, các nhà học cũng từng dự đoán rằng hiệu ứng phản xạ này sẽ bị giảm đi và đẩy nhanh quá trình ấm lên khi ngành vận tải chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn, dù chưa rõ mức độ.
Theo nghiên cứu mới quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về giảm lưu huỳnh trong nhiên liệu có hiệu lực vào tháng 1/2020 đã giúp giảm 80% lượng khí thải lưu huỳnh dioxide từ ngành vận tải biển toàn cầu. Tuy nhiên, sự sụt giảm nhanh chóng này cũng gây ra hiệu ứng "sốc" với Trái Đất, khiến mây giảm khả năng phản xạ một phần năng lượng Mặt Trời ra không gian, dẫn đến hành tinh ấm lên.
Tianle Yuan, tác giả chính của nghiên cứu, nhà khoa học tại Trung tâm Bay Vũ trụ Goddard thuộc NASA cho biết, về cơ bản, tốc độ ấm lên sẽ tăng gấp đôi trong những năm 2020.
Hiệu ứng này không đồng đều trên toàn cầu, ở Bắc Đại Tây Dương dường như mạnh hơn, dẫn đến nhiệt độ bề mặt nước biển ấm hơn. Yuan cho biết, nó góp phần gây ra hiện tượng ấm lên bất thường mà thế giới trải qua vào năm 2023 và 2024 nhưng các nhà khoa học không thể xác định chính xác mức độ.
2023 là năm nóng nhất từng ghi nhận. Và theo dự báo, xu hướng này tiếp tục diễn ra trong năm 2024, với nhiệt độ trên cạn và trên biển đạt mức cao mới hàng tháng.
Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng ấm lên chính là hoạt động của con người. Tuy nhiên, có những yếu tố khác có thể góp phần gây ra tình trạng nóng bất thường này như El Nino, một kiểu thời tiết tự nhiên định kỳ trên Thái Bình Dương.
Nghiên cứu mới cũng cung cấp bằng chứng cho thấy công nghệ phun hạt vật chất vào mây để tăng khả năng phản xạ nhiệt có thể giúp làm chậm phần nào sự ấm lên toàn cầu nhưng tác động lâu dài của nó đến Trái Đất vẫn đang gây tranh cãi.
Link báo cáo: https://www.sciencemediacentre.org/expert-reaction-to-sulphur-reductions-in-shipping-fuel-and-increased-maritime-warming/