Vào ngày 3 tháng 7 năm 1969, chỉ 17 ngày trước khi hai phi hành gia NASA Neil Armstrong và Buzz Aldrin chính thức trở thành những người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng, Liên Xô đã thực hiện lần bắn thử thứ hai cho tên lửa N1, mẫu tên lửa đẩy được xếp vào hàng tối tân nhất thế giới thời bấy giờ, mang trên mình tham vọng chinh phục Mặt Trăng của những người Xô Viết.
Hoàn toàn không có bất cứ thông báo chính thức nào về vụ thử nghiệm được đưa ra cho đến mãi sau này. Tuy nhiên trong những lần thử nghiệm khác vượt ra ngoài lãnh thổ Liên Xô ở Tyuratam, Kazakhstan sau đó, không ít lần vệ tinh do thám của Hoa Kỳ đã ghi lại được hình ảnh hư hại hoàn toàn tại một trong những bệ phóng được cho là nơi đặt tên lửa mặt trăng N1.
Những người Liên Xô hoàn toàn không hề hay biết rằng thời điểm đó, những hy vọng đến được với mặt trăng của họ cũng đã kết thúc trên chiếc bệ phóng hỏng vào năm 1969.
Cơ hội thực sự chưa bao giờ đến với Liên Xô
Nhiều điều trong câu chuyện về tên lửa N1 và chương trình chinh phục mặt trăng của Liên Xô cho đến nay vẫn còn là bí ẩn, đặc biệt khi so với chương trình Apollo của NASA. Bằng chứng là hiện tại, các nhà sử học vẫn không ngừng tranh luận về cách thức cũng lý do tại sao chương trình vũ trụ tiên phong của Liên Xô đột nhiên bị tụt lại phía sau trong cuộc đua lên mặt trăng với Hoa Kỳ, cũng như họ đã bị tụt lại bao xa vào thời điểm Armstrong và Aldrin tạo ra cột mốc lịch sử trong nền văn minh của loài người.
Sự thật là không có bất cứ “yếu tố siêu nhiên” nào từ bên ngoài có thể làm thất bại hoàn toàn chương trình Mặt Trăng của Liên Xô, mà vấn đề bắt nguồn từ chính họ. Việc điện Kremlin ngủ quên trên chiến thắng trước Hoa Kỳ trong cuộc đua vào quỹ đạo Trái đất của Sputnik và sự ganh đua, mâu thuẫn nội bộ giữa các nhà lãnh đạo chương trình vũ trụ Liên Xô như Sergei Korolev, Valentin Glushko và Vladimir Chelomei, chắc chắn đã có những tác động tiêu cực.
Ở phía đối diện, ngay từ tháng 4 năm 1961, các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ đã coi sứ mệnh thám hiểm mặt trăng là điều mà họ có khả năng đạt được trước Liên Xô, đơn giản vì những ưu thế kinh tế và công nghệ mà nước này đang nắm giữ. Thêm vào đó, nguồn đầu tư cho chương trình không gian dân sự (được đảm nhận bởi quân đội) cũng không thực sự dồi dào, điều này khiến các kỹ sư Liên Xô có rất ít cơ hội đánh bại NASA trong việc tiếp cận những công nghệ, kỹ thuật mới.
Sứ mệnh dang dở
Mãi cho đến năm 2015, loạt tài liệu cho thấy những khó khăn mà Liên Xô phải đối mặt trong chương trình thám hiểm mặt trăng cách đó nữa thế kỷ mới thực sự được tiết lộ đến công chúng.
Cụ thể, tài liệu từ tháng 4/1963 cho thấy các kỹ sư Liên Xô mới chỉ hoàn thành công đoạn phân tích 26 kịch bản khả thi cho chuyến thám hiểm mặt trăng đầu tiên, sau đó rút gọn lại 4 kế hoạch khác nhau. Trong khi về cơ bản, sẽ cần đến hàng loạt nghiên cứu chuyên sâu, chi tiết hơn trước khi có thể chọn ra phương án cuối cùng.
Khó khăn lớn nhất của chương trình là làm sao chế tạo ra được một tên lửa đẩy có thể đưa các nhà du hành đáp xuống mặt trăng nhanh chóng và an toàn. Tên lửa này được đặt tên là N1 và thiết kế bởi kỹ sư thiên tài Sergey Korolev. Nó có năm tầng, sử dụng nhiên liệu kerosene và oxy lỏng. Tầng thứ nhất có 30 động cơ NK-33, tầng thứ hai có tám động cơ NK-43, tầng thứ ba dùng bốn động cơ NK-39, tầng thứ tư sử dụng một động cơ NK-31 và tầng năm sử dụng động cơ RD-58. N1 được xem là “đối trọng” với tên lửa Saturn-V của Mỹ khi đó.
Năm 1966, Korolev đột ngột từ trần khi dự án phát triển tên lửa N1 đang còn dang dở. Kỹ sư Vasily Mishin trở thành người tiếp quản. Từ năm 1969-1972 Liên Xô đã phóng thử nghiệm tên lửa này 4 lần nhưng đều thất bại. Trong đó có 2 lần đầu tên lửa không cất cánh được, 2 lần sau chỉ bay lên được 50,1 giây và 107 giây rồi phát nổ. Trong đó, vụ nổ lớn gần như đã xóa sổ hoàn toàn một nửa tổ hợp phóng hai bệ - dự án mất vài năm để hoàn thành. Một số mảnh vỡ có vẻ thuộc về tên lửa được tìm thấy cách xa bệ phóng khoảng 6 dặm và cửa sổ của nó thì văng vào tòa nhà cách đó 4 dặm. Đây rõ ràng là một thất bạo toàn diện của các kỹ sư Xô Viết.
Trở lại giai đoạn đầu của chương trình chinh phục mặt trăng, ngay từ khi điện Kremlin vẫn đang loay hoay trong việc duyệt chi những khoản đầu tư nghiêm túc, thì trên “thực địa”, các kỹ sư Liên Xô đã đi sau Mỹ 1 năm và sau đó tiếp tục bị bỏ xa.
Bên cạnh đó, các bất đồng liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu đẩy và thiết kế của tên lửa mặt trăng tương lai, cũng như những mâu thuẫn chiến lược khác mang màu sắc chính trị trong giới lãnh đạo đã khiến chương trình Mặt trăng của Liên Xô trở nên phức tạp và tiếp tục bị trì hoãn. Chỉ đến năm 1964, các kỹ sư Liên Xô mới có được những bước đi chính trị cần thiết để tham gia cuộc đua lên mặt trăng, nhưng khi đó mọi chuyện đã quá muộn.
Trong 4 năm tiếp theo, như đã biết, vô số vấn đề kỹ thuật và các cuộc thử nghiệm sai sót đã khiến khoảng cách giữa Apollo và chương trình của Liên Xô ngày càng gia tăng.
Đoạn kết được báo trước
Thất bại trong lần phóng thử thứ 2 của tên lửa N1 đã chính thức đặt dấu chấm hết cho tham vọng của Liên Xô trong cuộc đua lên mặt trăng và đặt ra câu hỏi “đau đáu” rằng liệu một phi hành gia Liên Xô có bao giờ đặt chân lên mặt trăng hay không.
Có thể quy kết thất bại của chương trình này cho sự quản lý yếu kém. Trên thực tế, tại Liên Xô, không có cơ quan nào nắm trong tay toàn quyền tự chủ giống như NASA của Mỹ. Do đó, đã có quá nhiều sự can thiệp mang màu sắc chính trị đối với các nhà khoa học chứ không chỉ những khó khăn mang tính chuyên môn. Chẳng hạn mỗi một kỹ sư trưởng thiết kế thường phải tìm được một quan chức cao cấp nào đó hậu thuẫn thì mới mong kế hoạch của mình được “duyệt”. Ngoài ra còn có những vấn đề thuộc về cơ chế khiến các kỹ sư khó có thể tiếp cận với những thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất.
Chương trình không gian của Liên Xô sau đó vẫn tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sứ mệnh khám phá vũ trụ của nhân loại, trong đó phải kể tới mẫu tên lửa Soyuz nổi tiếng. Tuy nhiên, giấc mơ về một nhà du hành vũ trụ của Liên Xô bước đi trên mặt trăng đã lụi tàn trên bệ phóng ở Kazakhstan vào mùa hè năm 1969.