“Siêu Kính viễn vọng Không gian” đắt giá nhất thế giới - James Webb - vừa tiếp tục chứng minh tầm quan trọng tuyệt đối trong lĩnh vực nghiên cứu thiên văn khi gửi về Trái đất bức ảnh quý giá, thể hiện vẻ đẹp và sự hùng vĩ của cụm thiên hà lớn nhất từng được biết đến cho tới nay.
Có biệt danh El Gordo, hay cụm thiên hà béo, cụm thiên hà này được cho là có khối lượng gấp hơn 2 triệu tỷ lần khối lượng mặt trời. El Gordo nằm cách chúng ta 7 tỷ năm ánh sáng và chứa hàng trăm thiên hà liên kết với nhau bằng lực hấp dẫn. Hình ảnh dưới đây được chụp bởi hệ thống NIRCam của James Webb, cho thấy cái nhìn tương đối chi tiết về cụm sao khổng lồ này cũng như vô số thiên hà bên trong nó.
Vì El Gordo có khối lượng quá lớn nên hình ảnh của nó cho thấy một hiện tượng gọi là thấu kính hấp dẫn, trong đó các vật thể khối lượng lớn ở phía trước bẻ cong không-thời gian và phóng đại ánh sáng đến từ các thiên hà ở xa phía sau. Điều này cho phép các nhà nghiên cứu có thể quan sát được một số vật thể cực kỳ xa, chẳng hạn như một thiên hà có tên là Thin One (gần trung tâm của hình ảnh ở phía dưới bên trái) và Fishhook (hình móc câu màu đỏ trên cùng bên phải).
Trong số các vật thể quan sát được trong hình ảnh, có một cụm thiên hà rất trẻ đang ở giai đoạn hình thành ban đầu, nằm cách Trái đất rất xa mà bình thường khó có thể nhìn quan sát thấy - hơn 12 tỷ năm ánh sáng.
Các nhà nghiên cứu đã ghi lại dữ liệu này như một phần của dự án có tên PEARLS (Prime Extragalactic Areas for Reionization and Lensing Science), chủ yếu sử dụng các quan sát của James Webb để tìm kiếm những vật thể nằm ở khoảng cách cực xa.
Từ cuối thập niên 1990, NASA đã phối hợp cùng Cơ quan Vũ trụ châu Âu để phát triển James Webb, với kinh phí khoảng 10 tỷ USD. James Webb là kính viễn vọng mạnh mẽ và hiện đại nhất mà con người từng tạo ra, và được kỳ vọng sẽ cung cấp những hình ảnh với độ chi tiết chưa từng có về vũ trụ, hỗ trợ các nhà khoa học khám phá, tìm hiểu về vũ trụ cũng như sự sống ngoài Trái Đất.