Người say rượu có nói thật hơn không?

Rượu được mệnh danh là "thần dược nói thật", nhưng có thực sự rượu làm người ta thật thà hơn không? Câu trả lời là vừa có và vừa không.

Theo các nhà khoa học, rượu có thể làm ảnh hưởng đến não khiến người ta dễ nói ra suy nghĩ của mình hơn. Tuy nhiên, tác động này của rượu không phải lúc nào cũng xảy ra.

Uống rượu

Theo, tiến sĩ Aaron White ở Viện quốc gia về Lạm dụng rượu và Dịch tễ học và Sinh trắc học nghiện rượu, Mỹ, rượu khiến chúng ta dễ nói ra bất kỳ điều gì có trong đầu nhưng đó cũng có thể là sự thật hoặc có thể là do chúng ta cho rằng đó là sự thật trong lúc bạn đang say.

Điều này có nghĩa là, sau khi uống vài ly rượu, một người sẽ dễ nói ra suy nghĩ của mình hơn nhưng đó có thể là sự thật hoặc trong lúc say họ cho là thật nhưng sẽ không cho là thật khi họ tỉnh.

Ví dụ, một người bạn trong lúc say có thể khẳng định mười mươi rằng họ sẽ bật lại sếp trong cuộc họp ngày mai nhưng sẽ rút lại lời vào sáng hôm sau.

Một nghiên cứu vào năm 2017 được công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý lâm sàng, Mỹ, cho thấy, uống rượu đến mức nồng độ cồn trong máu lên 0,09% là đủ vượt qua giới hạn được phép lái xe ở Mỹ và Anh. Khi đó, những người này trở nên hướng ngoại hơn, cảm thấy thoải mái hơn với môi trường xung quanh, dễ nói nhiều hơn và thẳng thắn hơn.

Rượu có khả năng giúp người ta thoát khỏi vỏ bọc của mình, làm tăng cảm xúc, khiến họ dễ cười hơn, nói nhiều hơn và nói ra những gì trong đầu, nhưng tác động của nó lên cảm xúc cũng làm cho các suy nghĩ thất thường hơn. Nhưng cũng có khi khiến người nói hối hận sau khi tỉnh lại.

Điều này tương tự như việc một số người bạo lực hơn hoặc đánh bạc quyết liệt hơn sau khi uống rượu mà khi tỉnh táo họ hoàn toàn có thể tránh khỏi.

Những tác động này là do rượu có khả năng làm giảm tín hiệu ở vỏ não trước trán, vùng não điều chỉnh hành vi và kiểm soát các xung động. Điều này có nghĩa là rượu có khả năng làm mất ức chế khiến người say rượu dễ hành động theo sự bốc đồng.

Ngoài ra, rượu còn ức chế hạch hạnh nhân, một cấu trúc nằm sâu trong não có vai trò khơi dậy cảm giác sợ hãi và lo lắng. Hạch hạnh nhân thường phát ra các tín hiệu cảnh báo có thể ngăn một người nói hay làm những việc hớ hênh trong giao tiếp khi người đó tỉnh táo. Nhưng sau khi uống rượu, tín hiệu này bị giảm sút.

Tiến sĩ White cho biết, tác động của rượu lên trí não quá phức tạp để có thể phân biệt trắng - đen khi nói đến độ trung thực của suy nghĩ.

Thứ Bảy, 07/09/2024 10:39
31 👨 111
0 Bình luận
Sắp xếp theo