R136a1 là ngôi sao lớn nhất từng được con người biết đến. Mới đây, các nhà thiên văn học tại Đài quan sát Gemini thuộc NOIRLab - trung tâm thiên văn do Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ điều hành đã thu được hình ảnh sắc nét nhất từ trước đến nay của R136a1 giúp họ đưa ra ước tính chính xác về khối lượng của ngôi sao này.
Quá trình chụp ảnh ngôi sao lớn nhất vũ trụ
R136a1 nằm ở trung tâm Tinh vân Tarantula, cách Trái Đất 160.000 năm ánh sáng. Vì vậy, quá trình chụp R136a1 đòi hỏi những công nghệ tiên tiến và kĩ thuật tỉ mỉ bởi những ngôi sao khác cản trở việc quan sát.
Ngoài ra, tuổi thọ của những ngôi sao khổng lồ thường rất ngắn, chỉ vài triệu năm. Nhiều ngôi sao trong số đó sinh ra và chết đi trước khi ánh sáng của chúng đến được với con người.
Nhờ sự trợ giúp của kính viễn vọng Gemini South 8,1m cùng một công cụ đặc biệt có tên “Zorro”, các nhà thiên văn đã có thể thu lại hình ảnh của R136a1 với độ rõ nét chưa từng có.
Nhóm nghiên cứu đã chụp hàng nghìn bức ảnh phơi sáng của R136a1, sau đó xử lý kỹ thuật số chúng để cho ra hình ảnh cuối cùng đủ sắc nét, cho phép họ tách hình của R136a1 khỏi ánh sáng của các ngôi sao lân cận. Từ đó, họ có thể ước tính độ sáng và khối lượng của ngôi sao lớn nhất vũ trụ.
NOIRLab cho biết, các nhà thiên văn có thể đưa ra khối lượng ước tính của một ngôi sao bằng cách so sánh độ sáng và nhiệt độ quan sát được với các dự đoán lý thuyết.
Ngôi sao nặng nhất vũ trụ
Trước đó, các nhà nghiên cứu cho rằng khối lượng của R136a1 lớn gấp 250-320 lần Mặt Trời. Tuy nhiên, sau khi quan sát bức ảnh sắc nét về ngôi sao này, họ đã đưa ra ước tính mới về khối lượng của ngôi sao này là 150-230 lần Mặt Trời. Dù khối lượng có giảm nhưng R136a1 vẫn là ngôi sao nắm giữ kỷ lục nặng nhất.
Kết quả nghiên cứu mới về R136a1 sẽ giúp các nhà thiên văn học tìm hiểu thêm về sự hình thành nguyên tố nặng trong vũ trụ.
Khi kết thúc vòng đời, những ngôi sao khổng lồ sẽ mất đi lớp vật chất bên ngoài, lõi sao bị sụp đổ và trở thành hố đen. Tuy nhiên, ngôi sao có thể phát nổ trong vụ nổ siêu tân tinh nếu có khối lượng gấp khoảng 230 lần Mặt Trời. Khi đó, những nguyên tố nặng sẽ ra đời. Nếu có ít ngôi sao khổng lồ có khối lượng trên, các nhà thiên văn học sẽ phải suy nghĩ lại về đóng góp của các vụ nổ siêu tân tinh trong việc tạo ra nguyên tố nặng trong vũ trụ.