'Mặt Trời nhân tạo' của Trung Quốc đạt kỷ lục mới

EAST - lò phản ứng "Mặt Trời nhân tạo" của Trung Quốc lập kỷ lục mới khi sản xuất và duy trì plasma cực nóng trong gần 7 phút vào ngày 13/4 vừa qua.

Vào năm 2017, lò tokamak siêu dẫn tiên tiến thử nghiệm (EAST) nằm ở thành phố Hợp Phì phía đông Trung Quốc từng sản sinh và duy trì plasma trong 101 giây. Nhưng vào ngày 13/4 mới đây, EAST đã đạt được kỷ lục mới với 403 giây, đánh dấu bước tiến quan trọng nhằm xây dựng lò phản ứng nhiệt hạt nhân chi phí thấp và hiệu quả cao.

Mẫu thử nghiệm lò phản ứng siêu dẫn tiên tiến (EAST) của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Mẫu thử nghiệm lò phản ứng siêu dẫn tiên tiến (EAST) của Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Song Yuntao, giám đốc Viện vật lý plasma thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết EAST đã đạt bước đột phá ở chế độ kiềm hãm khiến nhiệt độ và mật độ của plasma tăng đáng kể. Đây là dấu mốc quan trọng đặt nền móng vững chắc nhằm cải thiện tính khả thi về mặt kỹ thuật và kinh tế của lò phản ứng nhiệt hạch.

Phản ứng nhiệt hạch tạo ra nguồn năng lượng sạch, an toàn và gần như vô hạn tương tự như Mặt Trời sản sinh ánh sáng và nhiệt lượng.Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã tìm cách làm nóng nguyên tử hydro tới hơn 100 triệu độ C và hãm chúng đủ lâu để sáp nhập thành nguyên tử nặng hơn và giải phóng năng lượng sạch khổng lồ, gần như vô hạn.

EAST bắt đầu hoạt động vào năm 2006. Nó được gọi là "Mặt Trời nhân tạo" bởi được thiết kế để mô phỏng quá trình xảy ra tự nhiên ở Mặt Trời và các ngôi sao khác. Mục đích của các nhà khoa học là thông qua phản ứng tổng hợp hạt nhân có kiểm soát để cung cấp năng lượng sạch gần như vô hạn.

EAST là một trong số những thiết bị nghiên cứu phản ứng tổng hợp hạt nhân được kỳ vọng của thế giới.

Thí nghiệm EAST là một phần của dự án Lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạt nhân quốc tế (ITER). Đây là một dự án khoa học toàn cầu quy mô lớn chỉ xếp sau Trạm Vũ trụ Quốc tế. , Hiện nay, Trung Quốc đóng góp khoảng 9% về mặt nghiên cứu và phát triển trong dự án ITER, phần còn lại là đến từ Liên minh châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.

Thứ Sáu, 14/04/2023 16:13
41 👨 898
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khám phá khoa học