Mất điện vẫn lướt Face ầm ầm nhờ tự chế bộ sạc dự phòng cho Modem

Với bộ sạc dự phòng cho mondem tự chế từ cục pin sạc dự phòng cho điện thoại này, bạn không phải lo Internet nhà mình bị gián đoạn khi bị cắt điện luân phiên trong mùa hè nắng nóng này nữa. Có Internet chúng ta sẽ có rất nhiều thứ để làm giúp quên đi cái nóng bức khó chịu của mùa hè.

Bộ sạc dự phòng cho Modem

Việc mất điện không hề ảnh hưởng tới tín hiệu Internet, do vậy, chỉ cần Modem hoạt động là bạn có thể vào mạng bình thường được.

Với những thiết bị tiêu thụ điện năng không nhiều như Modem và Router Wifi, chỉ cần có một nguồn điện nhỏ là có thể duy trì nó trong vài tiếng đồng hồ.

Dù mất điện, chỉ cần modem hoạt động là bạn có thể vào mạng bình thường được

Tất cả các thiết bị điện tử trong gia đình chúng ta đều cắm trực tiếp vào điện lưới 220V nhưng chúng chỉ cần một dòng điện 1 chiều có điện áp rất nhỏ thường là 9V hoặc 12V. Adapter là thiết bị đã biến dòng điện xoay chiều 220V thành dòng điện 1 chiều có điện áp 9V hoặc 12V tùy thiết bị.

Như vậy, chúng ta chỉ cần một cục pin điện thoại dự phòng có đầu ra là dòng điện 1 chiều 5V 1,5A hoặc 5V 2A tùy loại và biến dòng điện 5V này thành 9V hoặc 12V để cung cấp cho các thiết bị này.

Sạc dự phòng điện thoại

Trước khi bắt tay vào thực hiện, chúng ta nên tính toán một chút về công suất của Pin và thiết bị tiêu thụ để sản phẩm hoạt động lâu dài và ổn định.

Công thức vật lý cấp 3: P=U.I

Nếu cục pin có điện đầu ra là 5V 2A thì công suất của sạc dự phòng là 10W.

Nếu adapter (Modem/Router Wifi) U = 9V và I = 0,6A thì công suất tiêu thụ tối đa bằng 9 x 0,6 = 5,4W (chỉ bằng 60% khả năng cung cấp của pin sạc dự phòng). Như vậy, Pin sạc dự phòng hoàn toàn có thể cấp điện cho Router và Modem.

Tính công suất tiêu thụ điện

Trong bài này, chúng ta sẽ thực hiện với 1 Router Linksys dùng nguồn 9V.

Chuẩn bị:

Một mạch tăng áp (hay còn gọi là mạch Boost) có giá khoảng 120.000 đồng. Các bạn có thể mua sẵn tại các cửa hàng bán linh kiện điện tử.

Mạch tăng áp
Mạch tăng áp.

Một công tắc điện 6 chân hay còn gọi là công tắc 3 chiều, dùng để chuyển giữa 2 chế độ "mất điện" và "có điện" giá 6.000 đồng. Nếu không có loại 6 chân, bạn có thể sử dụng 2 chiếc công tắc loại 3 chân cũng được.

Công tắc

1 Sợi cáp USB. Bạn có thể tận dụng các sợi cáp sạc thừa.

Các dụng cụ điện phổ thông như kìm, kéo, băng dính, dây điện, mỏ hàn điện, thiếc v.v...

Tiến hành:

Cắt đôi phần dây nguồn của modem

Đầu tiên bạn cần cắt đôi phần dây nguồn của Modem ra.

Tuốt đầu sợi dây

Tuốt đầu sợi dây như hình.

Đồng hồ đo điện

Sử dụng đồng hồ đo điện để xác định dây nào là cực âm, dây nào là cực dương theo sơ đồ in trên Adapter.

Đồng hồ nhảy về 0 tức là thông mạch

Đồng hồ nhảy về 0 tức là thông mạch và dây đó là cực nằm phía trong theo sơ đồ.

Trên công tắc 6 chân, xác định vị trí sẽ phải hàn, sao cho 3 chân bên trái chỉ nối dây âm, 3 chân bên phải với nối dây dương như sơ đồ bên dưới.

Đồng hồ nhảy về 0 tức là thông mạch

Sau khi đã xác định rõ vị trí các mối hàn, chúng ta bắt đầu hàn từng dây vào công tắc đúng như sơ đồ. Hàn chính xác đảm bảo tiếp xúc tốt giữ chân công tác và dây.

Hàn dây ra Router trước
Đầu tiên, chúng ta hàn dây ra Router trước.

Dùng dây 2 màu để dễ phân biệt cực âm dương
Dùng dây 2 màu để dễ phân biệt cực âm dương.

Đối với sợi cáp nối từ sạc dự phòng sang mạch tăng áp, các bạn nên chọn 1 đoạn dây 2 màu để hàn vào mạch tăng áp cho đúng chiều. Lưu ý rằng 2 dây từ công tắc sẽ nối vào phía OUT của mạch tăng áp.

Cắt bỏ đầu nhỏ không dùng đến của sợi cáp USB đã chuẩn bị, lột lớp vỏ cao su chúng ta sẽ có 4 dây là đỏ, trắng, xanh và đen.

Lấy sợi cáp USB đã chuẩn bị cắt bỏ đầu nhỏ không dùng đến

Trong 4 dây đó, chúng ta chỉ dùng 2 dây đen và đỏ, vì vậy bạn gạt 2 dây trắng, xanh ra và cắt bỏ.

Hàn phần dây đồng vào phần + - tương ứng ở phía IN

Với 2 sợi dây đỏ (+) và đen (-) các bạn bỏ lớp nhựa, hàn phần dây đồng vào phần + - tương ứng ở phía IN (đầu vào) của mạch tăng áp.

Dùng 1 lớp băng dính lùa vào giữa các chân theo chiều dọc để đảm bảo các chân không chạm nhau gây chập

Công tắc sau khi đã hàn đủ dây, dùng 1 lớp băng dính lùa vào giữa các chân theo chiều dọc để đảm bảo các chân không chạm nhau gây chập. Sau đó mới cuốn băng dính cho kín chân.

Cuốn băng dính cho kín chân

Lúc mất điện các bạn gạt sang phải, Router sẽ dùng điện từ sạc dự phòng. Còn bình thường, gạt sang trái để Router lấy điện từ adapter như bình thường.

Sau khi hoàn thành thiết bị của bạn sẽ trông thế này
Sau khi hoàn thành thiết bị của bạn sẽ trông thế này.

Với chiếc sạc dự phòng vừa chế xong, bạn hãy cắm nó vào đầu USB không cắm vào Router vội. Bạn hãy chú ý vào con biến trở màu xanh trên mạch boost có một con ốc nhỏ có tác dụng tăng giảm điện áp theo ý muốn.

Biến trở (màu xanh) và vít điều chỉnh
Biến trở (màu xanh) và vít điều chỉnh.

Sau đó bạn cần dùng đồng hồ vạn năng để kiểm tra xem điện áp đầu ra đúng với điện áp ghi trên adapter chưa bằng cách vặn sang thang đo VDC và đo đầu OUT của mạch. Nếu điện áp chưa đúng, bạn hãy vặn con vít trên biến trở để thay đổi điện áp đầu ra.

Với trường hợp bạn dùng Modem và Router riêng, bạn cần chế thêm 1 bộ giống vậy nữa để duy trì cả 2 thiết bị.

Lưu ý:

Để pin dự phòng của điện thoại, bạn có thể sử dụng nguồn điện từ Ac quy xe máy có điện áp là 12V và dòng tối đa khoảng 5A để duy trì Modem.

Khi đó, các bạn chỉ nối thẳng cực âm vào cực âm và cực dương vào cực dương của Acquy mà không cần thêm mạch điện, là thiết bị sẽ hoạt động bình thường. Ngoài ra, do dòng điện tối đa của Acquy rất lớn nên các bạn không cần lo tính toán công suất vì hiện nay gần như không có thiết bị mạng gia đình nào tiêu thụ tới 60W điện cả.

Trong trường hợp, bạn sử dụng Acquy nhưng Modem chỉ chạy ở điện áp 9V, thì bạn cần mua thêm 1 mạch hạ áp (mạch BUCK) với giá khoảng 35.000 đồng để hạ điện áp từ 12V xuống 9V. Cách thực hiện hoàn toàn tương tự với mạch tăng áp.

Thứ Hai, 26/06/2017 17:03
51 👨 2.772
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học vui