Lưu trữ ánh nắng mặt trời ở dạng lỏng, hạn sử dụng ước tính 18 năm

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Công nghệ Chalmers thiết kế một hệ thống năng lượng mang tên Hệ thống nhiệt mặt trời phân tử (MOST) có thể lưu trữ năng lượng mặt trời ở dạng lỏng trong thời gian lên tới 18 năm.

Nhóm nghiên cứu đã chứng minh được rằng hệ thống có thể sản xuất điện bằng cách nối với máy phát nhiệt điện siêu mỏng. Đây là đột phá mới trong ngành lưu trữ năng lượng, đặt nền tảng cho những thiết bị điện tử sạc sử dụng năng lượng mặt trời theo nhu cầu.

Mô phỏng dùng hệ thống MOST để sạc điện thoại di động. Ảnh: Đại học Công nghệ Chalmers.
Mô phỏng dùng hệ thống MOST để sạc điện thoại di động. Ảnh: Đại học Công nghệ Chalmers.

MOST được phát triển trong hơn một thập kỷ và tập trung vào một phân tử thiết kế đặc biệt gồm carbon, hydro và nitơ. Nguyên tử bên trong phân tử sẽ tự sắp xếp lại để thay đổi hình dáng của nó khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời và biến nó thành đồng phân giàu năng lượng, có thể lưu trữ ở dạng lỏng.

Năng lượng thu thập bởi hệ thống MOST có thể lưu trữ ở trạng thái lỏng trong thời gian lên tới 18 năm. Sau đó, phân tử sẽ chuyển về hình dáng ban đầu khi tiếp xúc với một chất xúc tác và giải phóng năng lượng dưới dạng nhiệt.

Nhóm nghiên cứu ở Chalmers đang cộng tác với các nhà khoa học tại Đại học Giao thông Thượng Hải để biến nhiệt lượng đó thành điện thông qua một con chip siêu mỏng có thể tích hợp trên thiết bị điện tử như điện thoại, đồng hồ thông minh, tai nghe chụp đầu. Kết quả cho thấy, thiết kế thực sự hoạt động.

Hiện tại, các nhà khoa học mới chỉ thử nghiệm sản xuất lượng điện nhỏ 0,1 nW trên mô hình. Nhưng nó đã chứng minh được rằng hệ thống MOST có tiềm năng rất lớn, giúp giải quyết tính chất gián đoạn của năng lượng mặt trời bằng cách lưu trữ nhiều tháng hoặc nhiều năm và sử dụng khi cần, bất kể thời tiết, thời gian trong ngày, mùa hoặc vị trí địa lý.

Ngoài ra, MOST là hệ thống khép kín hoạt động mà không thải khí carbon dioxide.

Thứ Ba, 10/05/2022 14:42
4,52 👨 2.867
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khám phá khoa học