Phát hiện lỗ đen quái dị, to gấp 20 tỷ lần mặt trời và đang ‘lớn nhanh như thổi’

Các nhà nghiên cứu thiên văn chuyên “truy vết” lỗ đen trong không gian hàng tỷ năm ánh sáng đã tình cờ phát hiện ra một lỗ đen có lẽ là dị thường nhất từ trước đến nay, với khả năng phát triển nhanh nhất và phát sáng  mạnh nhất trong số tất cả các trường hợp từng được ghi nhận. Hố đen siêu lớn này được quan sát khi nó xuất hiện cách đây khoảng 12 tỷ năm, có kích thước ước tính bằng 20 tỷ mặt trời - và đang cực kỳ “đói”.

Theo ước tính của các nhà khoa học, lỗ đen đang phát triển với tốc độ nhanh bất thường. “Con quái vật phàm ăn" này lớn thêm 1% sau mỗi 1 triệu năm, nuốt chửng khí, bụi, các ngôi sao và bất cứ thiên thể nào khác có kích thước và khối lượng tương đương với mặt trời của chúng ta sau cứ hai ngày.

"Lỗ đen này đang phát triển nhanh đến mức nó tỏa ra lượng ánh sáng gấp hàng nghìn lần so với một thiên hà điển hình. Điều này là bởi lượng vật chất quá lớn lớn mà nó hút vào hàng ngày gây ra cực nhiều sát và nhiệt", Tiến sĩ Christian Wolf, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Ánh sáng phát ra từ các lỗ đen siêu lớn dạng này, còn được gọi là chuẩn tinh, sáng dữ dội đến mức nếu nằm ở trung tâm thiên hà của chúng ta (Dải Ngân Hà), nó sẽ sáng hơn gấp 10 lần so với mặt trăng ngày rằm và gần như làm lu mờ hoàn toàn ánh sáng phát ra từ các ngôi sao khác trên bầu trời. Tất nhiên sự sống trên Trái đất cũng sẽ diệt vong bởi lượng tia X khổng lồ phát ra từ nó.

Lỗ đen siêu lớn

Tiền đề cho những khám phá tương lai

Được biết đến với tên khoa học QSO SMSS J215728.21-360215.1 (viết tắt là J2157-3602), lỗ đen khổng lồ này được phát hiện bằng cách sử dụng dữ liệu được thu thập bởi vệ tinh Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Máy thám hiểm hồng ngoại trường rộng của NASA (WISE), và Kính thiên văn ANU SkyMapper. Khác với những chuẩn tinh khổng lồ khác đã được phát hiện trước đây, các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa thể hiểu rõ làm thế nào mà chuẩn tinh này lại có thể phát triển lớn kinh ngạc trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.

Theo tiến sĩ Wolf, các lỗ đen trung bình có kích thước bằng 50 mặt trời. Tuy nhiên trong trường hợp của J2157-3602, nếu dựa trên tốc độ phát triển hiện tại của lỗ đen kỳ dị này, ông cho rằng nó đã có khối lượng lớn gấp gần 5.000 mặt trời kể từ khi được sinh ra.

Trên thực tế, trường hợp các lỗ đen siêu lớn đang đói cực kỳ hiếm khi được khám phá. Do đó, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng trong tương lai, dữ liệu thu thập được từ J2157-3602 sẽ giúp nhân loại tiếp tục phát hiện ra những “con quái vật khổng lồ với cái dạ dày không đáy” khác đang ẩn nấp trong vũ trụ.

Thứ Sáu, 13/11/2020 19:30
31 👨 1.025
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ