NASA sẽ phóng kính viễn vọng không gian mới vào vũ trụ để tìm “trái đất thứ hai”

Với hiện trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, thảm họa môi trường xảy ra liên tiếp, tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt và dân số ngày càng tăng nhanh trên trái đất như hiện nay, việc tìm hành tinh mới có sự sống để chuẩn bị cho một cuộc “chuyển nhà” trong tương lai rõ ràng không còn là ý tưởng chỉ tồn tại trong những bộ phim khoa học viễn tưởng.

NASA chính là tổ chức đầu tiên bày tỏ tham vọng hiện thực hóa ý tưởng trên. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ mới đây đã đề xuất kế hoạch phóng một kính viễn vọng không gian tối tân vào vũ trụ để thực hiện điều đó. Chiếc kính viễn vọng này có tên Habitable Exoplanet Observatory (HabEx), mang trên mình trọng trách tìm kiếm một Trái đất thứ hai, nơi mà loài người có thể di dời tới trong tương lai.

“Mục tiêu của chúng tôi là xem liệu công nghệ hiện đại có thể giúp chúng ta tìm thấy một hành tinh tương tự Trái đất hay không - một hành tinh sở hữu đủ điều kiện hình thành sự sống. Mặc dù chúng tôi đã tìm thấy không ít hành tinh có thể tiếp cận bên ngoài hệ mặt trời, nhưng cho đến nay, chưa có hành tinh nào được xác định có những yếu tố cần thiết đối với khả năng sinh sống của con người”, giáo sư Scott Gaudi, nhà nghiên cứu đến từ Đại học bang Ohio cho biết.

HabEx là một mẫu kính viễn vọng không gian mới được NASA phát triển, tương tự như Kính thiên văn vũ trụ Hubble, nhưng được trang bị thấu kính lớn hơn nhiều với chiều rộng 4m (so với 2,4m của Hubble). HabEx cũng sẽ được trang bị một tấm chắn bức xạ theo triết lý origami - một đĩa rộng 52 mét sẽ được gấp lại thành hình xoắn ốc chặt chẽ, có thể phóng ra thành hình bông hoa. Thiết bị này có nhiệm vụ chặn ánh sáng, bức xạ mặt trời từ các ngôi sao gần đó, cho phép kính viễn vọng phát hiện ánh sáng cường độ yếu phát ra từ những ngôi sao xa hơn, mang đến cái nhìn sâu hơn vào không gian.

Kính viễn vọng không gian HabEx

Dự án HabEx được chia thành 3 giai đoạn với 3 mục tiêu rõ ràng.

  • Giai đoạn 1: Tìm kiếm các hành tinh ở gần.
  • Giai đoạn 2: Vạch ra sơ đồ các hệ thống, cụm hành tinh lân cận và tìm kiếm từng hành tinh đơn lẻ trong đó.
  • Giai đoạn 3: Khám phá những phần xa xôi của vũ trụ.

Theo dõi mục Khoa học vũ trụ của Quantrimang.com để đọc những bài viết mới thường xuyên bạn nhé.

Thứ Hai, 27/01/2020 14:11
51 👨 787
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ