Thật khó để tưởng tượng nhưng ngoài không gian sâu thẳm của vũ trụ kia, có vô số thiên hà cùng tồn tại và tương tác qua lại với nhau. Ở loại hình tương tác “bạo lực” nhất này, hai hay nhiều thiên hà có thể va chạm trực tiếp với nhau, dẫn đến một sự hủy diệt đáng sợ nhưng cũng không kém phần hùng vĩ và còn là cả sự sáng tạo. Khi các thiên hà “cọ xát” và hợp nhất với nhau, chúng có thể cùng kiến tạo nên những khu vực hình thành sao với cường độ cực cao. Ngoài ra, sự tương tác hấp dẫn giữa các thiên hà và ma sát giữa khí - bụi cũng có ảnh hưởng lớn đến các thiên hà liên quan.
Quá trình sáp nhập thiên hà có thể xảy ra trong hàng triệu năm, nghĩa là các nhà thiên văn học hoàn toàn có cơ hội quan sát và nghiên cứu về hiện tượng này trong khi chúng đang xảy ra.
Một khoảnh khắc như vậy đã được kính thiên văn Gemini North của NOIRLab đặt tại Hawaii chụp lại, mang đến một bức ảnh tuyệt đẹp và quý giá. Ảnh chụp cho thấy 2 thiên hà NGC 4568 và NGC 4567 đang trong quá trình va chạm và hợp nhất đầy kịch tính. Cả hai hiện chỉ cách nhau 20.000 năm ánh sáng, và chúng đã sẵn sàng bước vào một giai đoạn hợp nhất mang tính hủy diệt nhưng cũng đầy quyến rũ.
Hai thiên hà nằm cách xa khoảng 60 triệu năm ánh sáng về phía chòm sao Xử Nữ, và cả đều là những thiên hà xoắn ốc tương tự như Dải Ngân hà của chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng tiến lại gần nhau hơn, những luồng lực hấp dẫn khổng lồ liên quan đến sự hợp nhất sẽ bắt đầu làm biến dạng cả hai, đồng thời kích hoạt các vụ nổ hình thành sao ở một số khu vực nhất định.
“Khi NGC 4568 và NGC 4567 hòa vào nhau, lực hấp dẫn của chúng sẽ bắt đầu “đấu tay đôi" và kích hoạt các vụ nổ hình thành sao mạnh mẽ, làm biến dạng dữ dội cấu trúc khổng lồ của cả hai. Trong hàng triệu năm, các thiên hà sẽ liên tục xoay vòng qua nhau theo hướng ngày càng thắt chặt, tạo ra các dải dài bao gồm ngôi sao và khí cho đến khi những cấu trúc riêng lẻ của chúng được trộn lẫn hoàn toàn đến mức trở thành một thiên hà duy nhất, về cơ bản có hình cầu. Đến thời điểm đó, phần lớn khí và bụi (nhiên liệu để hình thành sao) trong hệ thống này đã được sử dụng hết hoặc bị thổi bay”.
Kịch bản tương tự cũng sẽ xảy ra với Dải Ngân hà của chúng ta khi nó va chạm với thiên hà hàng xóm Andromeda trong khoảng thời gian khoảng 4 tỷ năm tới.