Kính thiên văn Hubble ảnh cực hiếm về khoảnh khắc diễn ra vụ nổ Supernova

Khi một ngôi sao lớn hết nhiên liệu và sắp kết thúc vòng đời, nó sẽ phát nổ trong một luồng năng lượng khổng lồ được gọi là siêu tân tinh (Supernova). Nói theo cách dễ hiểu, Siêu tân tinh (hay còn gọi là supernova) là một vụ nổ khổng lồ cuối cùng đánh dấu sự hủy diệt của một ngôi sao, xảy ra trong giai đoạn cuối của quá trình tiến hóa ở các sao khối lượng lớn, tạo ra ngôi sao "mới" với nguồn ánh sáng mãnh liệt, trước khi dần phai mờ trong vòng vài tuần đến vài tháng.

Một sự kiện Supernova có thể tạo ra nguồn sáng mạnh đến mức vượt xa toàn bộ thiên hà, khiến mọi ngôi sao khác trong thiên hà của nó trở nên “lu mờ”. Nhưng nguồn sáng đó không tồn tại lâu - chỉ trong nháy mắt nếu xét về thời gian của vũ trụ. Điều này cùng với tính chất khó dự đoán của sự kiện siêu tân tinh khiến cho việc chụp được khoảnh khắc diễn ra sự kiện là vô cùng hiếm. Tuy nhiên, Kính viễn vọng không gian Hubble mới đây đã cho thấy tầm quan trọng của mình trong lĩnh vực thiên văn học khi mang về cho nhân loại ba khoảnh khắc khác nhau của một sự kiện siêu tân tinh trong một bức ảnh chụp duy nhất.

Rất hiếm khi một siêu tân tinh có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm, vì giai đoạn này chỉ diễn ra trong khoảnh khắc. Nó chỉ tồn tại trong vài giờ đến vài ngày, và có thể dễ dàng bị bỏ sót ngay cả khi ở khoảng cách không quá xa. Trong cùng một mức phơi sáng. Tuy nhiên, Hubble đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ khó khăn đó. Có thể thấy một chuỗi các hình ảnh — giống như những góc nhìn khác nhau của một siêu tân tinh.

Hình ảnh cực hiếm hoi về khoảnh khắc diễn ra vụ nổ Supernova

Sở dĩ có thể nhìn thấy ba điểm khác nhau cùng lúc là do một hiện tượng gọi là thấu kính hấp dẫn, trong đó có một vật thể khối lượng lớn nằm giữa chúng ta và vật thể được quan sát. Nếu vật thể trung gian đủ lớn, trọng lực của nó sẽ làm cong không gian, làm thay đổi tầm nhìn của vật thể đằng sau nó. Vật thể nền đó có thể xuất hiện sáng hơn khi vật thể trung gian hoạt động như một kính lúp, và nó cũng có thể xuất hiện ở một điểm khác trong không gian khi ánh sáng của nó bị bẻ cong. Ở trường hợp này, ánh sáng từ siêu tân tinh bị bẻ cong theo ba con đường có độ dài khác nhau, vì vậy ánh sáng đến Hubble cho thấy ba phương diện khác nhau.

Nhìn chung, đây là một sự kiện siêu tân tinh rất xa, đồng nghĩa với việc nó đã diễn ra từ rất lâu trong quá khứ. Các nhà khoa học ước tính rằng sự kiện này xuất hiện cách đây 11 tỷ năm, gần với thời điểm bắt đầu hình thành vũ trụ (13,8 tỷ năm trước). Đây là một trong những siêu tân tinh sớm nhất được quan sát chi tiết đến vậy. Nhờ vào ba mốc thời gian khác nhau được chụp trong ảnh, các nhà nghiên cứu có thể đo kích thước của ngôi sao tạo ra vụ nổ. Ngôi sao này ước tính lớn hơn mặt trời khoảng 500 lần, nhiều khả năng là loại siêu khổng lồ đỏ hiếm gặp.

Thứ Năm, 17/11/2022 18:47
51 👨 223
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ