Cổ họng có đờm gây khó khăn trong hô hấp cũng như sinh hoạt, bên cạnh đó còn có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vậy, có đờm ở cổ họng là bệnh gì? Làm cách nào để trị đờm ở cổ họng?
Cổ họng có đờm là biểu hiện của bệnh gì?
Đờm chính là chất nhầy được tiết ra từ các tế bào ở đường hô hấp dưới. Nó có thể chứa cả chất lạ được hít vào phổi, tế bào miễn dịch hay các tế bào bạch cầu. Cơ thể tăng tiết đờm, ứ đọng ở cổ họng gây vướng víu, khó thở có thể là biểu hiện của những bệnh lý dưới đây.
Cảm lạnh và cảm cúm
Cảm lạnh, cảm cúm được cho là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đờm ở cổ họng. Đây là những bệnh cấp tính do virus gây ra nên dù không điều trị thì bệnh vẫn tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, ngay cả khi những triệu chứng của bệnh đã hết nhưng cổ họng vẫn có thể còn đờm nhầy, ho có đờm.
Viêm phổi
Bệnh viêm phổi có nhiều loại khác nhau nên tình trạng đờm trong họng gây khó thở ở từng bệnh nhân cũng khác nhau. Khi bị viêm phổi, đờm sẽ bị ứ đọng trong phổi, khiến người bệnh cảm thấy khó thở, thường xuyên ho khan, ho ra đờm.
Hen suyễn
Đường thở của những người mắc bệnh hen suyễn thường nhạy cảm hơn người bình thường rất nhiều, vì vậy nó rất dễ phản ứng với chất gây dị ứng, môi trường ô nhiễm hay nhiễm trùng đường hô hấp.
Khi có sự kích thích từ các tác nhân bên ngoài, cơ thể người bệnh sẽ tăng tiết chất nhầy, đờm nhầy quá mức trong cổ họng, kéo theo đó là tình trạng khó thở, thở khò khè, tức ngực và ho có đờm. Tình trạng này sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn khi chất nhầy dư thừa bị tích tục trong đường hô hấp và làm tắc nghẽn hẹp đường thở.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Người hút thuốc lá nhiều năm thường có nguy cơ cao bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), gây tổn hại nghiêm trọng cho mô phổi và đường hô hấp. Khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính là hai loại bệnh lý có liên quan với COPD. Cả hai bệnh lý này đều có thể tạo ra chất đờm nhầy quá mức khiến cổ họng có đờm, gây tình trạng khó thở và ho dai dẳng, đôi khi có thể dẫn đến ngưng thở khi ngủ.
Viêm phế quản cấp tính
Bệnh viêm phế quản cấp tính thường phát triển sau các tình trạng nhiễm virus cấp, ví dụ như cúm, vì vậy thường kèm theo tình trạng cổ họng có đờm. Đây chính là lý do vì sao khi bị viêm phế quản cấp, chúng ta thường có cảm giác khó thở, tắc nghẽn trong cổ họng.
Stress, căng thẳng
Stress, căng thẳng cũng là một trong số những tác nhân gây tăng tiết đờm ở cổ họng, nhất là khi bạn đang bị viêm mũi họng do bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc dị ứng. Khi bị dị ứng, cơ thể sẽ rất nhanh rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, mất tập trung. Căng thẳng quá mức có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ miễn dịch, hệ miễn dịch bị rối loạn chức năng sẽ không thể bảo vệ bạn không bị nhiễm trùng, gây tăng tiết đờm nhầy quá mức.
Cách điều trị và phòng tránh cổ họng có đờm
Khi cổ họng có đờm, người bệnh thường sẽ rất khó chịu bởi những cơn ho dai dẳng và cảm giác khó thở đeo bám. Để giải quyết tình trạng này, bạn có thể áp dụng một vài cách đơn giản mà chúng tôi gợi ý dưới đây:
- Hút dịch đờm bằng máy hút mũi chuyên dụng kết hợp súc miệng bằng nước muối 3 lần/ngày để loại bỏ đờm trong cổ họng. Áp dụng ít nhất 15 ngày để đạt được kết quả tốt nhất.
- Uống nhiều nước giúp cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể. Cách này còn giúp làm loãng đờm nhầy và dễ dàng tống chúng ra ngoài.
- Thực hiện xông mũi họng bằng nước nóng hoặc máy xông khí dung chuyên dụng để giảm tắc nghẽn ở lỗ mũi và xoang. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bạn có thể tăng giảm tần suất trong ngày. Để an toàn nhất, bạn nên tham khảo hướng dẫn từ bác sĩ. Ngoài ra, bạn có thể kết hợp với một số loại tinh dầu để đẩy nhanh hiệu quả tiêu đờm ở cổ.
- Chú ý đến chế độ ăn uống, đảm bảo sức khỏe tốt hơn. Tránh những đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thực phẩm từ sữa. Những loại đồ ăn này sẽ thúc đẩy sự hình thành đờm nhầy trong cổ họng nhiều hơn. Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả có chứa vitamin C để cải thiện khả năng đề kháng.
- Khạc và hỉ mũi nhẹ nhàng vào buổi sáng sau khi thức dậy. Cách này giúp tống đờm ở họng, mũi ra ngoài.
- Nếu bị đờm cổ họng, khó thở do căng thẳng, stress thì bạn nên chú ý thay đổi một số thói quen nghỉ ngơi, đi ngủ sớm và thường xuyên luyện tập thể dục, các bộ môn giúp tinh thần ổn định hơn như yoga, thiền...
- Khi cảm thấy cổ họng có đờm khó thở nghiêm trọng hơn dù đã thực hiện một số cách trên thì nên đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám xác định được chính xác nguyên nhân, từ đó, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc uống phù hợp cho bạn.
Với những thông tin trên, hy vọng bạn đọc đã biết được tình trạng cổ họng có đờm là biểu hiện của những bệnh lý gì, từ đó có những biện pháp phù hợp để chữa trị kịp thời, đảm bảo cho bản thân luôn có một sức khỏe tốt để học tập và làm việc.