Vì sao nhiều TV cứ hết bảo hành là hỏng?

TV là một trong những vật dụng phổ biến nhưng nhiều người dùng gặp tình trạng TV cứ hết bảo hành là hỏng. Tại sao vậy?

Theo bài kiểm tra độ bền dài 10.000 tiếng trên 100 TV LCD từ tháng 10/2022 đến hiện tại của Rtings, một trong những chuyên trang đánh giá thiết bị điện tử nổi tiếng, cho thấy TV dùng công nghệ chiếu sáng cạnh (edge-lit) hỏng sớm hơn các mẫu dùng công nghệ đèn nền khác.

TV chiếu sáng cạnh sau thời gian dài sử dụng ở độ sáng tối đa dễ gặp các vấn đề như tấm phản quang cong, tấm dẫn sáng bị nứt và cháy đèn LED. TV với công nghệ chiếu sáng trực tiếp (direct-lit) hoặc toàn dải (full-array) bền hơn do phân phối nhiệt tốt hơn.

TiVi

Vấn đề sau một năm sử dụng

Không tính lỗi nguồn điện, bảng mạch, cháy socket hay lưu ảnh trên TV OLED, hơn 25% trong số 82 TV LCD trong bài kiểm tra của Rtings gặp vấn đề về khả năng hiển thị ánh sáng đồng đều (uniformity) sau thời gian dài sử dụng.

Trong 10 TV chiếu cạnh, 7 mẫu (tương đương 64%) gặp vấn đề ánh sáng đồng đều, một chiếc hỏng hoàn toàn và những mẫu còn lại có dấu hiệu hỏng. Với TV dùng đèn nền toàn dải hoặc chiếu sáng trực tiếp, chỉ 14/71 TV có tình trạng tương tự (20%).

3 trong số 7 TV gặp vấn đề hiển thị ánh sáng đồng đều có dấu hiệu xuống cấp chỉ sau 2.200 tiếng, tương đương khoảng một năm sử dụng với hộ gia đình thông thường tại Mỹ.

Thiết kế của TV chiếu cạnh

Về cơ bản, cấu tạo của TV chiếu cạnh khá đơn giản, dùng đèn LED xếp tại cạnh dưới, mặt sau TV là các dải đèn được dán keo và ốp khung tản nhiệt.

Trên TV chiếu cạnh có mật độ LED cao trong không gian nhỏ nên có nhiệt độ cao hơn so với TV chiếu trực tiếp hoặc toàn dải. Vì vậy, khung tản nhiệt là bộ phận cần thiết trên TV chiếu cạnh.

Tấm polymer chuyên dụng, gọi là tấm dẫn sáng được sử dụng để phân tán ánh sáng từ phía dưới ra khắp màn hình. Các lớp khác như film khuếch tán ánh sáng, film tăng cường chấm lượng tử, film tăng độ sáng... được xếp chồng lên LGP đến khi ánh sáng chiếu đến tấm nền LCD.

Khác với TV chiếu cạnh, các loại TV chiếu toàn dải hoặc trực tiếp chỉ cần film khuếch tán để độ sáng hiển thị đồng đều bởi đèn nền được trải khắp bề mặt. Vì vậy, không cần LGP.

TV màn hình LED tỏa rất nhiều nhiệt, sẽ tập trung đáng kể bên dưới nhưng trên TV chiếu toàn dải hoặc trực tiếp bởi nhiệt được phân bổ đều nên đây không phải là vấn đề.

Điểm "chết người" của TV chiếu cạnh

Sau khi tháo rời một số TV dùng đèn chiếu cạnh các chuyên gia nhận thấy tấm phản quang bị cong, gây ảnh hưởng đến sự phân bổ, khiến ánh sáng hiển thị không đồng đều. Vị trí cong vênh lan khắp tấm phản xạ từ cạnh dưới (nơi đặt đèn LED) đến các vùng gần giữa (vị trí bộ nguồn và bo mạch chủ).

Ngoài ra, tấm dẫn sáng của TV cũng bị nứt, khiến các vạch sáng dễ dàng nhìn thấy tại cạnh dưới tấm nền và đèn LED trong TV cũng làm tan chảy một phần tấm dẫn sáng, tại vị trí mép dưới.

Nếu tính lượng bóng LED dày đặc, mật độ dòng nhiệt trên bề mặt sẽ rất lớn ảnh hưởng đến mọi TV dùng đèn chiếu cạnh, kể cả các mẫu đắt tiền bởi về cơ bản, cách thiết kế các dòng TV này khá giống nhau.

Lý do TV chiếu cạnh vẫn phổ biến

Công nghệ sản xuất TV dùng đèn chiếu cạnh cho phép nhà sản xuất tạo ra các dòng TV LCD siêu mỏng. Vì vậy, dù hạn chế về chất lượng và chi phí sản xuất nhưng TV chiếu cạnh vẫn phổ biến.

Nếu muốn TV chiếu cạnh có độ bền đạt 5-7 năm, người dùng nên tránh mở TV quá lâu ở độ sáng tối đa để giảm ứng suất nhiệt tạo bởi đèn nền, giúp tấm phản quang và dẫn sáng nguyên vẹn trong thời gian dài hơn.

Nếu đang tìm mua TV LCD và quan tâm độ bền, người dùng có thể tham khảo các mẫu dùng đèn nền toàn dải hoặc chiếu trực tiếp vì có thể tránh vấn đề liên quan tấm dẫn sáng.

Nếu mua TV chiếu cạnh do thích độ mỏng hay thiết kế đẹp, nên chọn các model có độ sáng cao hơn mức cần thiết, khi dùng thì chỉnh độ sáng thấp để tăng tuổi thọ.

Thứ Bảy, 10/08/2024 11:51
31 👨 302
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tivi