Quay vắt là giai đoạn không thể thiếu khi sử dụng máy giặt. Tuy nhiên tốc độ quay vắt trên máy giặt là gì, có tác dụng như thế nào và có ảnh hưởng gì đến việc giặt sạch quần áo hay không thì không phải ai cũng biết. Cùng tìm hiểu về tốc độ quay vắt của máy giặt trong bài viết dưới đây để sử dụng máy giặt tốt và tiết kiệm hơn nhé.
Tốc độ quay vắt là gì?
Tốc độ quay vắt của máy giặt chính là tổng số vòng quay của lồng giặt máy giặt trong một phút. Thông thường, tốc độ quay vắt của máy giặt cửa trước có thể lên đến 1400 vòng/phút và máy giặt cửa trên là khoảng 700 vòng/phút.
Tốc độ quay vắt sẽ giúp quần áo sạch hơn, giúp phơi nhanh khô hơn và quyết định độ bền của quần áo.
Mỗi chế độ giặt sẽ có tốc độ quay vắt khác nhau nên người dùng cần chú ý lựa chọn đúng chế độ giặt khi sử dụng để quần áo bền đẹp lâu.
Chọn tốc độ và chế độ vắt thế nào thì phù hợp?
Khi sử dụng, người dùng cần lựa chọn tốc độ vắt và vòng quay phù hợp để tiết kiệm chi phí và nâng cao tuổi thọ của máy giặt.
Để có thể tiết kiệm tối đa chi phí người dùng chỉ nên lựa chọn số vòng quay ở mức vừa phải, chỉ lựa chọn mức lớn nhất khi thực sự cần thiết.
Người dùng nên cân nhắc các yếu tố về điều kiện thời tiết, nơi phơi quần áo khi lựa chọn tốc độ quay vắt.
- Chọn tốc độ khoảng 500v/phút nếu điều kiện thời tiết thoáng, độ ẩm không khí thấp dưới 60% và phơi quần áo nơi có mái che.
- Chọn tốc độ khoảng 450v/phút với điều kiện ngoài trời có nắng, khô ráo.
- Chọn chế độ 800v/phút nếu thời tiết ẩm ướt, độ ẩm cao, và phơi quần áo nơi có mái che, thoáng gió.
- Chọn chế độ 650v/phút nếu điều kiện thời tiết độ ẩm cao nhưng phơi quần áo ở ngoài trời có nắng.
- Chọn tốc độ vắt tối đa nếu thời tiết có độ ẩm quá cao, trên 80% và phơi quần áo tại nơi có mái che, thoáng gió.
- Có thể chọn tốc độ quay cao từ khoảng trên 850v/phút trở lên với quần áo cotton, quần áo thường. Còn với các loại quần áo được làm từ vải lụa, vải lanh thì nên chọn tốc độ quay thấp để tránh làm nhàu nát, giãn, hỏng quần áo.