Bạn là một người có năng lực, có kỹ năng chuyên môn không thua kém bất cứ ai nhưng bạn vẫn đang loay hoay trên con đường tìm kiếm việc làm và mãi vẫn chưa tìm được một công việc thích hợp. Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao lại như vậy?
Trên thực tế, ngoài kiến thức và kỹ năng còn có rất nhiều các yếu tố khác ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp của bạn. Nó không chỉ xuất phát từ may mắn, từ phía nhà tuyển dụng mà đôi khi còn ở chính bản thân bạn.
1. Chưa xác định được công việc mình yêu thích
Bạn cần xác định được công việc mình yêu thích là gì để có những đích đến rõ ràng trong quá trình tìm việc. Từ đó "khoanh vùng" các thông tin tuyển dụng phù hợp. Nếu không bạn sẽ mãi ở trong trạng thái "lơ lửng" trên con đường nghề nghiệp của mình.
Bạn có thể sẽ tìm được việc, nhưng nếu đấy không phải là công việc mình yêu thích, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi, chán nản và không làm việc được lâu dài. Làm việc ở nhiều công ty nhưng ở các lĩnh vực khác nhau và trong một thời gian ngắn sẽ khiến bạn tốn thêm thời gian mà chẳng "làm giàu" thêm kinh nghiệm cho một công việc nhất định nào.
Đầu tiên hãy xem xét mình có khả năng trong lĩnh vực nào, đâu là công việc mình yêu thích và mình đang thiếu những kỹ năng, kiến thức gì để kịp thời bổ sung. Sau đó nhắm đến những vị trí tuyển dụng phù hợp. Như vậy bạn sẽ không tốn thời gian cho những buổi phỏng vấn khác, và tập trung hơn trong công việc mình yêu thích. Khi ấy, cơ hội được tuyển dụng sẽ cao hơn.
2. Yêu cầu quá cao
Bạn không nên yêu cầu quá cao trong công việc. Ngay từ đầu, sẽ rất khó để có thể tìm được một công việc phù hợp với chuyên môn, lương cao, ít áp lực, thuận tiện đi lại, môi trường cởi mở, đồng nghiệp thân thiện, có cơ hội thăng tiến, phát triển... Công việc nào cũng sẽ có những khó khăn và bất lợi nhất định. Nhất là khi bạn vừa mới ra trường thì bạn nên bắt đầu làm việc ngay khi có cơ hội phù hợp để tích lũy kinh nghiệm, học hỏi các kỹ năng cần thiết và tìm các công việc ổn định hơn sau này.
Đừng nghĩ rằng mình phải tìm được một công việc xứng đáng với bằng cấp mình có được mà hãy cố gắng tìm một công việc có thể giúp bạn thể hiện khả năng và phát triển năng lực của mình.
3. Thiếu tự tin
Bạn có khả năng nhưng bạn lại không tự tin vào chính bản thân mình. Điều đó khiến cho bạn rụt rè khi đọc yêu cầu của công việc và không dám ứng tuyển ở những vị trí mình yêu thích. Đó là một trong những nguyên nhân khiến bạn mãi vẫn chưa xin được việc.
Nếu chính bạn còn không tin tưởng mình thì không ai dám tin tưởng bạn cả. Vì thế hãy lạc quan, thất bại không hề đáng sợ, cái đáng sợ là bạn không bao giờ dám chấp nhận thử thách. Hãy thể hiện sự tự tin của mình để nhà tuyển dụng có thêm sự tin tưởng vào khả năng của bạn.
4. Rải hồ sơ quá nhiều chỗ
Thất nghiệp làm bạn lo lắng, muốn nhanh chóng kiếm được công việc nên hầu hết mọi người đều rải hồ sơ xin việc rất nhiều nơi. Mỗi khi thấy bất cứ thông tin tuyển dụng nào liên quan đến lĩnh vực của mình bạn đều nộp CV. Nhất là trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, chúng ta không cần phải đến tận nơi mà chỉ cần ngồi nhà, soạn email và nhấp một cú kích chuột là hồ sơ xin việc đã được gửi đi.
Việc rải hồ sơ quá nhiều chỗ đôi khi khiến bạn được gọi đi phỏng vấn mà không biết đó là công ty nào, không có thời gian tìm hiểu kỹ về công ty. Cũng như việc bạn không thực sự quan tâm đến công việc này, chỉ nộp hồ sơ cho có nên bạn không tập trung vào buổi phỏng vấn. Thậm chí bạn có thể bỏ qua cuộc phỏng vấn nào đó chỉ vì mong chờ hồi đáp từ một công ty khác mà chưa biết có được hồi âm hay không.
5. Chưa có kỹ năng phỏng vấn
Bạn có kỹ năng, bạn có kinh nghiệm nhưng trong buổi phỏng vấn nếu bạn không thể hiện được điều ấy thì nhà tuyển dụng sẽ không nhận ra được năng lực của bạn.
Hay chỉ đơn giản là bạn mắc các lỗi cơ bản như: trang phục không phù hợp, đến muộn, không tự tin, không có kỹ năng giao tiếp... thì bạn cũng sẽ bị loại khỏi danh sách trúng tuyển.
6. Thiếu kỹ năng mềm
Kiến thức và năng lực làm việc chưa phải là tất cả những gì mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Nhiều ứng viên bị từ chối chỉ vì thiếu kỹ năng mềm. Đó là những kỹ năng như: giao tiếp, tổ chức, ra quyết định, làm việc theo nhóm... Vì vậy, bạn nên trau dồi thêm những kỹ năng này, không những giúp ích cho bạn trong công việc mà còn cần thiết trong cả cuộc sống.
7. Không chịu được áp lực
Khi bắt đầu một công việc mới bạn sẽ phải chịu áp lực từ rất nhiều phía như: làm quen với môi trường, đồng nghiệp, làm quen với công việc và áp lực từ công việc đó. Đây sẽ là thời gian khó khăn mà hầu hết mọi người đều phải trải qua trước khi mọi thứ đi vào quỹ đạo.
Nhiều người không chịu được áp lực này và nghỉ việc ngay sau 1 tuần hoặc thậm chí vài ngày thử việc. Điều đó khiến bạn chưa thực sự hiểu được tính chất công việc và cũng có thể bạn đang bỏ lỡ một cơ hội nghề nghiệp tốt cho mình.