Top 10 lỗi phổ biến trong thư xin việc cần sửa ngay lập tức

Là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng nhiều năm, tôi từng nhận được vô số thư xin việc và sơ yếu lý lịch khác nhau. Một số rất chỉnh chu, xuất sắc, một số tạm ổn nhưng trong khi đó có không ít những "thứ thật khủng khiếp", chúng làm tôi muốn "đốt cháy" ngay lập tức hơn là ném vào thùng rác bôi xấu sự thể hiện của họ.

Khi nộp hồ sơ xin việc vào một công ty nào đó, thư xin việc là thứ đầu tiên "đập vào mắt" phòng quản trị Nhân sự và ban tuyển dụng, vì vậy hãy cẩn trọng hết mức. Dưới đây là 10 lỗi nghiêm trọng mà các ứng viên tiềm năng nên tránh và một vài hướng dẫn sửa chữa.

1. Viết sai tên công ty

Viết sai tên công ty

Chắc hẳn bạn sẽ chẳng thể tin nổi rằng có rất nhiều người viết sai chính tả tên công ty mà họ đang ứng tuyển phải không? Đừng nghĩ đó là lỗi vụn vặt dễ bỏ qua nhé! Nếu bạn không thể dành chút thời gian để đánh vần cho đúng tên công ty hoặc kiểm tra cẩn thận thư xin việc thì khi làm việc thực sự sẽ ra sao?

2. Không ghi rõ tên người tuyển dụng

Những người chịu trách nhiệm tuyển dụng nhân viên, hiển nhiên phải có một cái tên và một vị trí trong công ty. Nếu họ đăng tin tuyển dụng cho công ty, nhiều khả năng có ghi kèm tên và thông tin liên lạc. Nếu không có, đây sẽ là một cơ hội hoàn hảo dành cho bạn để có ý kiến và họ cho rằng bạn đang thực sự quan tâm đến vị trí tuyển dụng trong công ty họ.

Thật sự rất hiếm khi những thông tin tuyển dụng khi không có tên người đi kèm địa chỉ email, bạn hãy tìm nhanh số điện thoại của công ty rồi dùng điện thoại để gọi thử. Nếu được hãy yêu cầu nói chuyện với chuyên viên Nhân sự, còn nếu là công ty nhỏ thì cứ hỏi trực tiếp cô bạn tiếp tân để lấy thông tin về người đang tuyển dụng và tên chính xác của người đó. Đây là việc cá nhân nhưng sẽ chứng tỏ bạn sẵn sàng dành thời gian để xử lý chu toàn công việc.

3. Quá ngắn hoặc quá dài

Quá ngắn hoặc quá dài

Lá thư xin việc sẽ giúp nhà tuyển dụng hiểu thêm về bạn thông qua thông tin cá nhân, kỹ năng chuyên môn cũng như tính cách. Nhưng nhớ đừng dông dài về chuyện cá nhân ví dụ như kể về giải thưởng môn khoa học hồi lớp 4 hay than thở về sự nghèo túng, cùng quẫn tới mức sẵn sàng làm việc với bất kỳ ai. Hãy xem lá thư như một bản tóm tắt về bản thân, cùng những giá trị bạn có thể mang về cho công ty, vậy nên hãy viết thật ngắn gọn là đã đủ gây ấn tượng tốt đẹp. Bởi chẳng ai có thời gian ngồi đọc một câu chuyện dông dài không liên quan đến công việc cả.

Tương tự, nếu viết thư quá ngắn gọn tức là bạn đã gửi lời chào tạm biệt vị trí đó. Bởi nếu chỉ viết đơn giản "Tên tôi là... Đây là thư xin việc của tôi" thì không ổn, không ổn một chút nào. Vậy nên, hãy viết khoảng 200 từ là đủ.

4. Viết sai chính tả

Viết sai chính tả

Như đã đề cập ở trên việc viết sai lỗi chính tả tên công ty, chỉ cần viết sai tên nhà tuyển dụng hay vị trí ứng tuyển thôi là đơn xin việc của bạn sẽ bay ngay vào sọt rác. Thêm nữa, hãy chú tâm vào thông tin liên lạc cá nhân của bạn, thử nghĩ xem, nếu viết sai một ký tự trong địa chỉ email hoặc một số trong số điện thoại liên lạc là không ai có thể liên hệ được với bạn luôn, đúng không?

5. Tự kiêu

Chẳng ai thích một anh chàng mắc bệnh "biết tuốt" và cũng chẳng ai muốn làm đồng nghiệp với một kẻ tự phụ, luôn cho rằng mình giỏi giang hơn so với người khác. Việc tự tin về khả năng của bản thân là tốt nhưng tự phong mình là giỏi nhất thì không hay ho gì đâu. Đừng dại mà viết "Tôi là người giỏi nhất trong những người ứng tuyển tại đây" hay "Công ty sẽ không tìm thấy một siêu sao nào khác ngoài tôi đâu".

6. Sáo rỗng

Sáo rỗng

Điều quan trọng là việc tự chỉnh thư xin việc của bạn sao cho phù hợp với mỗi công ty mà bạn muốn ứng tuyển vào. Bạn có thể dùng một bản mẫu rồi sửa chỗ này chỗ khác cẩn thận để tạo ra những lá thư khác nhau, nhưng phải chắc chắn là nó phù hợp với vị trí bạn đang muốn ứng tuyển.

Ví dụ bạn có chứng chỉ tiếng anh và đang dự tuyển nhiều công việc khác nhau. Nếu muốn trở thành giáo viên ngoại ngữ thì nên ghi thêm các ngôn ngữ khác bạn nói được và những nơi bạn từng tới. Còn nếu ứng tuyển công việc viết lách thì hãy liệt kê các tờ báo, trang tin đăng bài bạn đã từng làm được. Đừng lặp lại thông tin trong lý lịch, hãy tranh thủ đưa vào những điểm sáng để giúp bạn nổi bật hơn những ứng viên khác.

7. Dùng sai phông chữ

Điều này nghe có vẻ tầm thường nhưng kỳ thực lại vô cùng quan trọng. Nếu gửi email thư xin việc thì hãy dùng phông chữ "Sans Serif", màu chữ đen cho dễ đọc. Mặc dù bạn muốn cá nhân hóa thư xin việc nhưng đây không phải lúc xài phông chữ xoắn màu xanh lam hay tím đâu.

Nếu yêu cầu gửi thư xin việc in sẵn thì bạn sẽ được tự do hơn chút, đặc biệt là khi ứng tuyển những vị trí sáng tạo như thiết kế đồ họa, viết bài quảng cáo (copywriter),... vì bạn có cơ hội thể hiện cá tính của bản thân bằng những phông chữ mà bạn thích để nhà tuyển dụng có thể biết được bạn có thể làm những gì. Nhưng bạn sẽ không tới nổi vòng phỏng vấn với phông chữ "Papyrus" hay "Comis Sans" đâu nhé.

8. Không làm theo chỉ dẫn

Không làm theo chỉ dẫn

Rất nhiều vị trí có đi kèm hướng dẫn đặc biệt cho ứng viên và nếu không làm theo thì CV của bạn sẽ "về với cát bụi" ngay lập tức. Nếu hướng dẫn bảo bạn không nên gọi điện thì chớ gọi. Nếu hướng dẫn yêu cầu đính kèm thư xin việc, lý lịch và đường dẫn có liên quan với công việc thì nhớ làm theo nhé.

9. Gửi thư bằng địa chỉ email không chuyên nghiệp

Có thể hồi trung học bạn sẽ nghĩ một địa chỉ email táo bạo gây ấn tượng nhưng khi xin việc thì không phải vậy đâu. Chỉ mất vài phút để lập tài khoản Gmail có chứa tên họ thôi là thư xin việc của bạn sẽ gây ấn tượng thay vì dùng địa chỉ kiểu: khianhyeu_trieutraitimtanvo@yahoo.com, chiyeuminhanh@gmail.com,...

10. Quên đính kèm CV

Chuyện này rất thường xảy ra với bất cứ ai khi phải gửi 50 thư một ngày. Đây chính là căn cứ để loại ngay những ứng viên kém cẩn trọng. Vì vậy, hãy lịch thiệp và luôn tôn trọng nhà tuyển dụng, kết thúc lá thư bằng cách cảm ơn vì họ đã dành thời gian cho bạn.

Chúc bạn sớm tìm được công việc như ý nhé!

Thứ Bảy, 17/12/2016 11:05
51 👨 1.923
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ TOP