Người xưa thường có câu tục ngữ:
"Tháng Giêng ăn Tết ở nhà,
Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè."
Mùa xuân là mùa của sự sinh sôi, nảy nở và cũng là khoảng thời gian trên khắp cả nước diễn ra những ngày lễ hội vui nhộn và tháng Giêng là khoảng thời gian diễn ra nhiều lễ hội nhất trong năm, cũng là lúc người dân đi lễ đầu năm rất đông. Theo thống kê, mỗi năm nước ta ước tính có khoảng 9.000 lễ hội lớn nhỏ diễn ra khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Hôm nay Quản Trị Mạng xin được giới thiệu đến cho bạn đọc những lễ hội mùa xuân nổi tiếng khắp Việt Nam và bạn hãy một lần ghé thăm những lễ hội này vào tháng Giêng nhé.
1. Lễ hội chùa Hương
Nhắc đến các lễ hội trong năm thì chúng ta không thể không nhắc tới đến lễ hội chùa Hương, đây là địa danh nổi tiếng thuộc xã Hương Sơn, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Là một lễ hội được rất nhiều người quan tâm mỗi dịp tết đến xuân về, lễ hội này được diễn ra khá dài từ mùng 6 tết đến hết tháng 3 âm lịch. Năm 2017, ngày khai hội chùa Hương chính thức là 2/2 Dương lịch, được ban tổ chức hứa hẹn có rất nhiều điểm mới thuận tiện hơn cho du khách tới hành hương, tham quan. Chùa Hương là tập hợp nhiều động, chùa trong một tổng thể cấu trúc kết hợp với thiên nhiên nhân tạo bao gồm đồi, núi, hang động, suối rừng và chùa, tháp...
Du khách khi đến với lễ hội không những được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông của suối Yến, hay chiêm ngưỡng cảnh sắc hùng vĩ của động Hương Tích mà còn để cầu may mắn cho một năm mới an lành.
Để đi vào được chùa trước hết du khách phải ngồi thuyền xuôi dòng suối Yến thơ mộng, hòa mình cùng làn nước trong xanh. Trên đường đi thuyền vào chùa bạn sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt đẹp núi non, sông nước tuyệt đẹp.
Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng là những địa điểm không thể bỏ qua được khi tới chùa Hương.
2. Lễ hội chợ Viềng - Nam Định
Cứ như thường lệ, đến hẹn lại lên, vào mùng 7, mùng 8 tháng Giêng hàng năm, người dân địa phương và du khách khắp nơi lại nô nức rủ nhau về chơi chợ Viềng, Nam Định. Đây là phiên chợ cầu may một năm chỉ họp duy nhất một lần và đặc biệt phiên chợ diễn ra vào nửa đêm.
Đi đến phiên chợ này ai ai cũng nô nức hồ hởi mang một ý nghĩa tâm linh rằng mua may bán rủi mong cho năm mới gia đình được bình an, may mắn.
3. Khai ấn Đền Trần
Lễ khai ấn Đền Trần là một tập tục có từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 thì được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.
Là một trong những lễ hội khai xuân lớn nhất trong năm, diễn ra từ ngày 11-16 tháng Giêng. Ngoài lễ phát ấn lúc giữa đêm 14 và mở đầu ngày 15 tháng Giêng tại Khu di tích đền Trần phường Lộc Vương, TP.Nam Định, lễ hội còn tổ chức xen kẽ các hoạt động lễ hội truyền thống gồm múa lân, múa rồng, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật, biểu diễn võ thuật bên ngoài cổng Ngũ môn Đền Trần.
Nghi lễ khai ấn với ý nghĩa nhân văn lớn lao là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Trần "Tích phúc vô cương", cầu mong mọi người bước sang năm mới mạnh khoẻ, lao động, sản xuất hăng say, học tập, công tác tốt.
4. Lễ hội Yên Tử – Quảng Ninh
Người xưa từng có câu ca dao rằng:
"Trăm năm tích đức, tu hành
Chưa về Yên Tử, chưa thành quả tu"
Lễ hội yên tử được diễn ra ở vùng núi Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí. Thời gian bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài hết tháng 3 (âm lịch).
Yên Tử là một ngôi chùa có bề dày lịch sử, chùa có độ cao 1.068m so với mực nước biển, ở đây không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp, tháp cổ mà chùa mà còn là nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đến với ngôi chùa này bạn không thể bỏ qua một số địa điểm thăm quan thú vị như: Chùa Đồng, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, suối Giải Oan, chùa Giải Oan... để có thể cầu may mắn và hạnh phúc cho mình và gia đình.
5. Hội Lim - Bắc Ninh
Nếu những ai yêu thích những làn điệu dân ca quan họ, gặp các liền anh, liền chị thì lễ hội Lim là một sự lựa chọn tuyệt vời cho bạn, hội Lim được diễn ra từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch, (tức ngày 8 đến ngày 10/2), những ngày này rất đông các du khách thập phương đổ về thị trấn Lim huyện Tiên Du, Bắc Ninh để đi trẩy hội và nghe những làn điệu dân ca quan họ ngọt ngào như: Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng...
Bên cạnh những bài dân ca quan họ thì những du khách còn có thể xem và thử những trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, nấu cơm...
6. Lễ hội Bà Chúa Kho
Bên cạnh lễ hội Lim, Bắc Ninh còn biết đến với lễ hội nổi tiếng thu hút được nhiều sự quan tâm đặc biệt của giới kinh doanh, buôn bán đó là lễ hội Bà Chúa Kho. Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chùng ngọn núi kho tại khu Cổ Mễ, Phường Vũ Ninh, Bắc Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích của khu Cổ Mễ (gồm: Đình - Chùa - Đền) mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước hành hương mang tính tín ngưỡng.
Lễ hội Đền Bà Chúa Kho được tổ chức hằng năm vào ngày 14 tháng Giêng. Đến với Bà Chúa Kho không những cầu an, cầu lộc mà hầu như mọi người đều đến để "vay vốn" Bà Chúa Kho bằng niềm tin, để có một năm vốn liếng dồi dào, niềm tin mạnh mẽ. Với mong muốn duy nhất đó chính là có được vốn làm ăn dồi dào, may mắn...
7. Lễ hội đền Hùng
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba"
Câu thơ dân gian này đã nói lên được lễ hội đền Hùng quan trọng và có ý nghĩa như thế nào đối với dân tộc, Quốc gia. Đây là ngày để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với công lao dựng nước của các vua Hùng. Lễ hội diễn ra với hai nghi lễ chính là lễ rước kiệu Vua và lễ dâng hương.
Trong dịp lễ này cũng tổ chức nhiều trò chơi dân gian vô cùng đặc sắc và đa dạng như hát xoan, thi đấu vật, bơi, kéo co...
Đây là một lễ hội mang tính Quốc Gia để tưởng nhớ đến các vua Hùng đã có công xây dựng đất nước ta. Lễ hội đền Hùng được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm.
Quần thể di tích đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét (núi có những tên gọi như Núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn), thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Khu di tích lịch sử đền Hùng gồm nhiều di tích chính như: Đền Hạ, Nhà bia Chùa Thiên Quang, Đền Trung, Đền Thượng, Lăng Hùng Vương, Đền Giêng...
8. Chùa Bái Đính
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa nằm trên núi Bái Đính ở Gia Viễn - Ninh Bình. Chùa với nhiều kỷ lục được xác lập bởi Trung tâm kỷ lục Việt Nam như: Khu chùa rộng nhất Việt Nam; Tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á; chùa có nhiều tượng La Hán lớn nhất Việt Nam; Khu chùa có Giêng lớn nhất Việt Nam...
Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội.
Phần hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố đô.
Với kiến trúc hoành tráng, đồ sộ, mang đậm bản sắc truyền thống, nơi đây đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của Ninh Bình. Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều ngày mùng 1 Tết, khai mạc ngày mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3.
Bên cạnh những địa điểm kể trên thì bạn cũng có thể đi thêm một số nơi như: Lễ hội chùa Keo (Thái Bình) – Ngày 4/1 Âm lịch, Hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) – Từ 6/1 Âm lịch), Hội Xoan (Phú Thọ) – Từ ngày mùng 7 đến ngày mùng 10 tháng Giêng, Lễ hội Cổ Loa, Hà Nội được tổ chức vào mùng 6 Tết âm lịch...
Hy vọng với danh sách những lễ hội đầu xuân nổi tiếng ở Việt Nam, độc đáo và hấp dẫn kể trên bạn sẽ chọn cho mình và gia đình được một địa điểm tới để cầu may mắn và bình an cho gia đình.