Matthew Youlden có thể nói thành thạo 9 ngôn ngữ và hiểu được số ngôn ngữ còn nhiều hơn thế. Cùng làm việc với nhau ở Berlin, tôi thường nghe anh ấy sử dụng kĩ năng này, chuyển đổi giữa chúng cứ như những con tắc kè hoa chuyển đổi màu sắc. Thực sự là trong thời gian rất lâu tôi còn không biết rằng anh ấy là người Anh. Khi tôi kể cho Matthew biết mình đã phải tranh đấu cật lực thế nào để chọn ra 1 ngôn ngữ thứ 2 thì Matthew đã cho tôi những lời khuyên dưới đây. Nếu bạn vẫn cho rằng mình không bao giờ có thể nói được 2 ngôn ngữ thì hãy ghi chú ngay những lời khuyên này vào sổ tay của mình.
Lời khuyên học ngoại ngữ từ Matthew
1. Biết chính xác mình đang làm gì
Điều này có vẻ hiển nhiên nhưng đúng là nếu không có lý do chính đáng nào đó để học ngôn ngữ mới, bạn sẽ khó có thể giữ được động lực và sự thích thú trong thời gian dài. Muốn gây ấn tượng với những người nói tiếng Anh bằng tiếng Pháp không phải là lý do hay ho, muốn biết 1 người Pháp thông qua ngôn ngữ của họ lại là vấn đề hoàn toàn khác hẳn. Cho dù lý do của bạn là gì, 1 khi đã lựa chọn thì hay cam kết rằng: "Được, tôi muốn học ngôn ngữ này và tôi sẽ làm những gì mình có thể".
2. Tìm kiếm 1 người đồng hành
Matthew học nhiều ngoại ngữ cùng với người anh em song sinh của mình Michael (họ đã cùng nhau học ngôn ngữ đầu tiên là tiếng Hy Lạp khi họ mới chỉ 8 tuổi). Matthew và Michael, (hay Super Polyglot Bros - cặp anh em nói nhiều thứ tiếng) đã có được nguồn năng lượng từ chính người anh em của mình.
"Chúng tôi đã rất có động lực khi học và bây giờ vẫn vậy. Hai anh em thúc đẩy nhau để có thể cố gắng. Nếu anh ấy nhận ra tôi đang học được nhiều hơn thì anh ấy sẽ hơi ghen tị và cố gắng để vượt qua tôi (có lẽ bởi chúng tôi là anh em song sinh) - và chiều ngược lại cũng vậy".
Ngay khi bạn không có anh chị em để cùng tham gia vào chuyến phiêu lưu trong thế giới ngôn ngữ này, hãy tìm kiếm bất kì 1 người bạn đồng hành nào có thể thúc đẩy cho cả hai để luôn luôn cố gắng và gắn bó với việc học.
"Tôi nghĩ rằng đó là cách rất hay. Bạn có ai đó để nói chuyện cùng, đó cũng là ý tưởng đằng sau việc học 1 ngôn ngữ".
3. Tự nói với chính mình
Khi không có ai để nói cùng thì nói 1 mình cũng không có gì là sai.
"Nghe có vẻ kì lạ nhưng thực ra thì nói chuyện 1 mình cũng là cách thực hành khá hay nếu bạn không thể sử dụng ngôn ngữ mới nhiều".
Điều này giúp trí óc luôn gợi lại những từ và các cụm từ, xây dựng sự tự tin cho lần tới khi bạn thực sự nói chuyện cùng ai đó.
4. Không đi chệch hướng
Nếu giao tiếp là mục tiêu ban đầu của bạn thì sẽ có ít trường hợp bạn "lạc lối" khi học trong sách giáo khoa. Nói chuyện với mọi người sẽ giúp cho quá trình học tập của bạn đi đúng hướng.
"Bạn đang học ngôn ngữ mới để có thể sử dụng nó chứ không phải để nói với chính mình. Một cách sáng tạo là đưa ngôn ngữ mà bạn đang học vào đời sống hàng ngày - ví dụ như viết bài hát, nói chuyện nói với khác hay dùng để đi du lịch. Cũng chẳng cần phải đi du lịch, bạn có thể đi tới nhà hàng Hy Lạp trong phố và gọi món bằng tiếng Hy Lạp".
5. Tạo niềm vui khi học
Hãy sử dụng ngôn ngữ mới theo những cách sáng tạo. Cặp anh em Super Polygot Bros thường thực hành tiếng Hy Lạp bằng cách viết và ghi âm các bài hát. Hãy nghĩ tới những cách hay ho để thực hành ngoại ngữ mói như làm chương trình radio với bạn, vẽ truyện trình, sáng tác thơ hay đơn giản là nói chuyện với bất kì ai mà bạn có thể. Nếu không có thể tạo ra cách khiến việc học ngôn ngữ là 1 niềm vui, nhiều khả năng là bạn đang không làm theo lời khuyên số 4.
6. Hành động như 1 đứa trẻ
Điều này không có nghĩa là bạn nên nổi đóa lên giống những đứa trẻ hay để thức ăn dính trên tóc khi đi ăn tối ở nhà hàng, mà là học theo cách những đứa trẻ học. Ý kiến cho rằng trẻ em có thể học tốt hơn người lớn 1 cách bẩm sinh đang được cho chỉ là 1 chuyện hoang đường. Nghiên cứu mới không thể tìm ra mối liên hệ trực tiếp giữa tuổi tác và khả năng học tập. Chìa khóa để học nhanh như trẻ em có thể đơn giản chỉ là có những thái độ giống tụi trẻ: ví dụ như thiếu khả năng tự nhận thức, mong muốn được chơi với ngôn ngữ hay sẵn sàng sai lầm.
Chúng ta học hỏi thông qua các sai lầm. Cũng như trẻ em, chúng ta được hy vọng sẽ tạo ra các sai lầm, thế nhưng với người lớn thì sai lầm trở thành 1 điều cấm kị. Hãy nghĩ xem, người lớn thường hay nói "Tôi không thể" thay vì nói "Tôi vẫn chưa học được" (Tôi không thể bơi, tôi không thể lặn, tôi không thể nói tiếng Tây Ban Nha). Việc thất bại hay đơn thuần là nhìn có vẻ vật lộn với việc gì là 1 điều cần phải tránh trong xã hội người lớn nhưng lại không tạo gánh nặng với trẻ em. Khi học ngôn ngữ mới, chấp nhận rằng bạn không biết tất cả mọi thứ (và cảm thấy ổn với điều đó) là chìa khóa để phát triển và cảm thấy tự do. Hãy thoát ra khỏi cái kén trưởng thành của mình.
7. Rời bỏ vùng an toàn của mình
Sẵn sàng mắc lỗi nghĩa là bạn luôn sẵn sàng đặt mình vào những tình huống có khả năng gây ra sự khó xử. Điều này có thể hơi đáng sợ nhưng lại là cách duy nhất để phát triển. Không cần biết đã học được bao nhiêu, bạn sẽ không bao giờ nói được ngôn ngữ đó nếu không tự đẩy mình ra ngoài, nói chuyện với người lạ bằng ngôn ngữ đó, hỏi chỉ dẫn đường, gọi món hay nói đùa... Càng thực hành thường xuyên thì vùng an toàn của bạn càng mở rộng, bạn sẽ càng thấy thoải mái trong những tình huống mới.
"Ban đầu, bạn sẽ phải trải qua các khó khăn: có thể là cách phát âm, ngữ pháp, cú pháp hay là bạn không hiểu họ nói gì. Nhưng tôi cho rằng điều quan trọng là luôn luôn phát triển, mở rộng cảm giác này. Mỗi người bản ngữ đều có 1 cảm giác với ngôn ngữ của họ và cơ bản thì đó là điều khiến họ trở thành người bản ngữ - cho dù bạn có thể biến nó trở thành ngôn ngữ của mình hay không.
8. Lắng nghe
Bạn cần phải lắng nghe trước khi nói. Mỗi ngôn ngữ đều nghe có vẻ kì lạ khi bạn nghe chúng lần đầu tiên nhưng khi càng 'dấn thân' và mở rộng mình với nó, bạn sẽ thấy nó trở nên quen thuộc hơn và cũng dễ nói đúng hơn.
"Chúng tôi có thể nói bất cứ thứ gì, chỉ là chúng tôi không làm điều đó thường xuyên. Ví dụ như âm "r" cuộn không có trong tiếng Anh nhưng khi tôi học tiếng Tây ban Nha thì âm "r" lại rất nặng trong những từ như "perro" hay "reunión". Với tôi thì cách tốt nhất để thành thạo là nghe từ đó thường xuyên, hình ảnh hóa, tưởng tượng xem phát âm nó thì sẽ như thế nào bởi để tạo ra mỗi âm thanh thì chúng ta đều sử dụng 1 bộ phận cụ thể nào đó trong miệng hay trong họng để có được âm thanh đó".
9. Xem mọi người nói chuyện
Những ngôn ngữ khác nhau đòi hỏi những yêu cầu khác nhau về cách sử dụng lưỡi, môi và họng. Cách phát âm cũng dựa trên các yếu tố vật lý.
"Nghe có vẻ kì lạ nhưng 1 cách rất hay là nhìn vào ai đó khi họ đang nói và cố gắng bắt chước âm thanh đó giống nhất có thể. Tin tôi đi, chuyện này có thể khó lúc ban đầu nhưng bạn sẽ làm được. Chỉ cần thực hành thì thực ra chuyện này cũng rất dễ".
Nếu bạn không thể gặp trực tiếp để xem và bắt chước những người bản ngữ thì hãy xem các bộ phim hay chương trình tivi tiếng nước ngoài.
10. Thực sự đắm mình vào việc học
Giờ thì bạn đã cam kết với việc học nhưng làm cách nào để có thể duy trì? Liệu có 1 cách đúng đắn nào để học hay không? Matthew gợi ý cách tiếp cận tối đa 360 độ: Không cần biết bạn sử dụng công cụ học tập nào, thực hành ngôn ngữ mới hàng ngày là việc tối quan trọng.
"Tôi thường muốn "hấp thụ" nhiều nhất có thể ngay từ đầu. Vậy nên nếu tôi học 1 ngôn ngữ mới, tôi sẽ thực sự, thực sự cố gắng và sử dụng nó hàng ngày. Tuần này sang tuần khác, tôi cố gắng nghĩ bằng ngôn ngữ đó, viết nó ra và thậm chí là cố gắng nói với chính mình bằng ngôn ngữ đó. Với tôi thì vấn đề ở đây là đưa những gì bạn đã học vào thực tế - có thể là viết email, nói chuyện với chính mình, nghe nhạc hay nghe đài. Để cho văn hóa của ngôn ngữ mới bao phủ quanh bạn là rất quan trọng.
Hãy nhớ rằng kết quả tốt nhất khi học nói 1 ngôn ngữ là để mọi người có thể nói chuyện với bạn. Có 1 cuộc hội thoại đơn giản cũng là 1 phần thưởng lớn. Đạt được những dấu mốc như vậy sẽ giúp bạn giữ được động lực và tiếp tục thực hành. Và đừng lo lắng sẽ khiến người khác bực mình khi khả năng nói của banjc òn kém, hãy nói rằng "Tôi đang học và tôi muốn thực hành....". Hầu hết mọi người sẽ kiên nhẫn, khuyến khích và rất vui được giúp bạn.
Tác giả: John-Erik Jordan