Điều gì khiến chúng ta có cảm giác cô đơn?

Khi nhận thấy bản thân có cảm giác cô đơn, điều đó thực sự có thể gây tổn hại đến sức khỏe cơ thể. Nghiên cứu cho thấy sự cách li xã hội trên thực tế hay chỉ trong nhận thức đều làm gia tăng rủi ro tử vong sớm hơn. Một số nghiên cứu đã tìm ra mối liên quan giữa sự cô đơn trong nhận thức và bệnh tim, trong khi các nghiên cứu khác cho thấy sự cô đơn và tách biệt xã hội có thể là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người so với bệnh béo phì ở Mỹ.

Điều gì khiến chúng ta có cảm giác cô đơn?

Trái lại, khi cảm thấy mình là một phần trong xã hội, cả sức khỏe tinh thần và thể chất đều được cải thiện rõ rệt. Sự cô đơn có thể là cảm xúc nhất thời khi chúng ta sống xa nhà hoặc đi du lịch. Nó là điều cần thiết khi ta thoát khỏi một mối quan hệ không lành mạnh hoặc dành thời gian tìm hiểu bản thân. Tuy nhiên, sự cô đơn không phải thứ chúng ta nên xem nhẹ. Một cuộc khảo sát về sự cô đơn được thực hiện bởi AARP cho thấy có hơn 42 triệu người trên 45 tuổi ở Mỹ từng trải qua sự cô đơn kinh niên.

Theo Từ điển bách khoa về các mối quan hệ của con người, “định nghĩa về sự cô đơn được chấp nhận rộng rãi nhất là nỗi đau buồn; vì sự không nhất quán giữa mối quan hệ xã hội lý tưởng và thực tế”. Từ khóa quan trọng ở đây là “thực tế”.

Sự cô đơn không giống với việc ở một mình. Con người ta có thể cảm thấy bị cô lập hoặc ruồng bỏ ngay cả trong những tình huống có vẻ như gần gũi nhất. Điều đáng lo ngại là một nghiên cứu ở Anh đã khảo sát hàng triệu người và cho thấy cứ 10 người sẽ có một người cảm thấy họ không có một người bạn thân nào.

Sự cô đơn không giống với việc ở một mình

Hai nhà nghiên cứu về sự cô đơn Louise HawkleyJohn Cacioppo có viết: “Là sinh vật sống theo bầy đàn, con người tồn tại và phát triển dựa trên môi trường an toàn và đảm bảo về các mối quan hệ”.

Vậy điều gì làm ta cảm thấy bị cô lập? Khoa học có thể đưa ra rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Các nghiên cứu cho thấy người cô đơn có nhiều nỗi sợ trước đánh giá tiêu cực hơn và thường có những hành vi xã hội cẩn trọng để duy trì sự cô lập xã hội của mình. Trớ trêu thay, ngay cả mạng xã hội cũng có liên quan đến những cảm giác cô lập xã hội ngày càng gia tăng của giới trẻ.

Trong khi có nhiều yếu tố xã hội có thể làm ta cảm thấy bị ruồng bỏ hoặc tách biệt thì sự phổ biến của nỗi cô đơn trong cộng đồng ở mọi lứa tuổi, từ mọi bối cảnh xã hội làm ta phải quan sát kỹ hơn về các yếu tố tâm lý cá nhân đang tồn tại.

Mối quan hệ

Trong cuốn sách “Creating a Life of Meaning and Compassion" (tạm dịch: Gây dựng cuộc sống đầy ý nghĩa và lòng trắc ẩn), Robert Firestone đã viết: “Sự cô lập và sung túc của xã hội đương thời cũng mang trong mình mối nguy cơ về việc củng cố những phòng vệ về tâm lý góp phần tạo nên lối sống nội tâm, tự vệ và có phần tê liệt cảm xúc”.

Con người thường tự dựng lên những rào cản tâm lý để thích nghi với môi trường ban đầu, điều làm họ tổn thương hoặc gây cản trở trong cuộc sống hiện tại. Những rào cản này có thể dẫn đến cảm giác bị ruồng bỏ, cô lập và trầm cảm. Để thực sự đối diện và chiến đấu với nỗi cô đơn của bản thân, ta phải nhìn thấu những rào cản này, cũng như nhận thức về bản thân mà ta xây dựng.

Con người thường tự dựng lên những rào cản tâm lý để thích nghi với môi trường ban đầu

Những rào cản tâm lý đến từ trải nghiệm tiêu cực đầu đời khiến ta phải thích nghi và phát triển những hành vi nhất định để có thể cảm thấy an toàn và yên tâm trong môi trường sống hiện tại. Một người cha/người mẹ nóng nảy, thất thường có thể dẫn đến việc con cái giữ im lặng và sống nội tâm để tránh thu hút sự chú ý.

Tương tự, một người cha/mẹ lạnh nhạt hoặc hắt hủi con cái có thể làm chúng thu mình lại và cố gắng tự chăm sóc cho nhu cầu của bản thân. Khi lớn lên, ta duy trì sự thích nghi này ngay cả khi không còn ích lợi cho cuộc sống hiện tại và những mối quan hệ của bản thân nữa.

Có thể ta sẽ không sẵn lòng đặt niềm tin lần nữa. Ta nuôi dưỡng nỗi sợ hãi bị khước từ, sự đề phòng tiêu cực và những quan điểm hoài nghi. Ta thể hiện những tính cách tiêu cực trước người khác và giữ thái độ thận trọng khi tiếp xúc với họ.

Có thể ta sẽ không sẵn lòng đặt niềm tin lần nữa.

Ngoài thái độ hoài nghi người khác và phòng vệ đối với bản thân, ta còn có khuynh hướng tự chỉ trích bản thân, nhìn nhận nó theo cách tiêu cực giống như khi ta nhìn nhận hoặc đối xử ở những năm đầu đời. Chẳng hạn, nếu cảm thấy bản thân vô hình, là một gánh nặng, bị ghét bỏ hoặc không quan trọng trong gia đình, ta có thể mang theo cảm giác hổ thẹn và lắng nghe những suy nghĩ chỉ trích bản thân hoặc giọng nói "chỉ trích trong đầu” khiến ta buồn khi có những mối quan hệ mới.

Giọng nói” này không chỉ cô lập bằng cách chỉ trích bản thân và làm giảm sự tự tin mà nó còn làm ta trở nên tự vệ kiểu như: “Đừng tin cô ta, có thể cô ta đang lợi dụng mày đó”; “Tối nay hãy ở nhà. Mày không cần phải cảm thấy căng thẳng khi đi chơi và nói chuyện với mọi người. Mọi thứ quá náo nhiệt. Mày cần có không gian cho riêng mình”. Những giọng nói này nghe có vẻ xoa dịu bản thân khi dụ dỗ ta không nắm lấy cơ hội, nhưng chúng sẽ hủy hoại ngay khi ta lắng nghe chúng. Ngay cả khi ở cùng những người quen thuộc, giọng nói chỉ trích trong đầu cũng có thể làm ta cảm thấy đơn độc, kiểu như: “Không ai ở đây thực sự hiểu bạn. Bạn có thể lừa dối được tất cả mọi người?”.

Tự chỉ trích bản thân

Thái độ và sự mong chờ tiêu cực này có thể làm ta có những hành vi tránh né và khuynh hướng tạo vỏ bọc độc lập, đẩy người khác ra xa. Sự phòng vệ của bản thân có thể trở nên cứng rắn và hành xử như thể ta không cần bất cứ thứ gì từ bất cứ ai. Hoặc trở nên ngại ngùng và cố nấp vào phía sau. Hoặc xa lánh mọi người và tự cho rằng ta là một gánh nặng. Và cuối cùng, chính ta trở nên sống nội tâm.

Trong cuốn "Creating a life of meaning and compassion" có nói đến nội tâm như “sự thu mình lại”. Khi sống trong giai đoạn nội tâm, con người ta sẽ có “lối sống tiêu biểu như sự suy giảm tình cảm cho bản thân và những người khác, sự phụ thuộc vào những khuôn mẫu thói quen và hóa chất giảm đau, thái độ phòng vệ và tự lập trước cuộc sống”.

Thái độ và sự mong chờ tiêu cực

Chúng ta tìm kiếm sự thỏa mãn từ bên trong và dành thời gian với những giọng nói chỉ trích trong đầu. Như Robert Firestone từng viết: “Chúng ta cảm thông với những giọng nói tiêu cực đó thay vì sự vật (hoặc con người) thật. Từ vị trí thuận lợi riêng lẻ này, ta quan sát chính bản thân mình thay vì trải nghiệm cuộc sống. Tầm nhìn chỉ tập trung vào nội tâm bản thân thay vì hướng về những người khác. Những sự việc trong môi trường cá nhân được nhìn qua lăng kính bị bóp méo bởi sự chú ý vào bản thân, bị thay đổi (một điều tiêu cực) bởi quá trình xử lý giọng nói và được đáp lại một cách không thích đáng bởi lối cư xử hủy hoại bản thân”.

Nhà soạn kịch Eugene O’Neil từng viết: “Nỗi cô đơn của một người chỉ là nỗi sợ hãi của người đó đối với cuộc sống”. Xu hướng tìm đến sự cô đơn và tránh né tiếp xúc với người khác là cách chúng ta trừng phạt bản thân và tránh né cuộc sống. Hầu hết chúng ta bước vào và bước ra khỏi trạng thái phòng vệ, lắng nghe giọng nói trong đầu, giác ngộ, dễ bị tổn thương và cởi mở với mọi người. Vì vậy, cuộc chiến chống lại sự cô đơn tựa như một cuộc chiến nội tâm. Cuộc chiến đó chủ yếu là về vấn đề trở thành bạn với chính mình, chống lại giọng nói chỉ trích trong đầu và thách thức cơ chế phòng vệ cốt lõi của bản thân.

Cuộc chiến chống lại sự cô đơn tựa như một cuộc chiến nội tâm

Chúng ta phải nuôi dưỡng lòng trắc ẩn khi bước ra khỏi vùng an toàn, chấp nhận rủi ro mắc lỗi và bị tổn thương. Khi khám phá và kết bạn với chính mình, ta hiểu rõ mình thật sự là ai sau khi thoát khỏi sự phòng vệ. Và khi hiểu rõ bản thân, ta sẵn sàng thiết lập tình bạn sâu đậm với người khác. Ta sẽ trở nên tốt hơn trong việc thiết lập sự gắn bó lâu dài, chúng không giống với những thứ trong quá khứ, những thứ gia cố cho con người xưa cũ, tiêu cực.

Khi làm những điều này, chúng ta có thể sẽ cảm thấy khó khăn. Sự nội tâm làm cho ta cảm thấy khổ sở, nhưng cũng làm ta thấy an toàn trong vỏ bọc của mình. Sự phòng vệ cũng vậy, chúng giữ cho ta tồn tại trong một trạng thái cũ kỹ, quen thuộc. Chúng ta có thể tìm được những người bạn ân cần giúp ta vượt qua nội tâm của chính mình, nhưng công việc thật sự bắt đầu từ chính ta, kiên định tìm kiếm sức mạnh để xóa bỏ kẻ thù bên trong, tin tưởng rằng bản thân đáng được yêu thương và mở rộng vòng tay chào đón mọi người vào cuộc sống của mình.

Xem thêm: Đừng hạ thấp giá trị bản thân bằng cách so sánh mình với những người khác!

Chúc các bạn vui vẻ!

Thứ Tư, 11/10/2017 16:15
4,73 👨 2.486
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng sống