9 cách hiệu quả để giảm stress tức thì

Đừng để căng thẳng khiến bạn mất năng lượng sống.

Căng thẳng là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta mất năng lượng và giảm hiệu suất làm việc nhanh nhất. Một nghiên cứu cho thấy rằng 90% những người thành công đều sở hữu kỹ năng quản lý cảm xúc, giữ bình tĩnh khi chịu áp lực và kiểm soát stress rất tốt.

Ở mức độ có thể kiểm soát, căng thẳng giúp não bộ có thể phát triển các tế bào mới, kích thích não làm việc hiệu quả và sáng tạo hơn, đồng thời cải thiện trí nhớ. Tuy nhiên, nếu vượt quá giới hạn, stress lại gây ra những tác động vô cùng xấu và có thể tàn phá sức khỏe của bạn từ thể chất cho tới tinh thần, chẳng hạn như nguy cơ mắc bệnh tim, trầm cảm, béo phì hay giảm khả năng nhận thức về các vấn đề dẫn tới những quyết định sai lầm cả trong công việc lẫn cuộc sống.

Dưới đây là 9 lời khuyên hữu ích từ những người có kỹ năng kiểm soát stress rất tốt và bạn có thể tham khảo bí quyết của họ để áp dụng cho mình mỗi khi cảm thấy căng thẳng.

1. Đánh giá cao những gì bạn có

Biết ơn

Nhận thức và thể hiện thái độ biết ơn những điều bạn có sẽ giúp cải thiện tâm trạng hiệu quả, bởi vì nó làm giảm lên đến 23% hormone gây stress. Theo nghiên cứu được thực hiện tại Đại học California thì những người vẫn giữ được thái độ biết ơn khi làm việc sẽ có tâm trạng và năng lượng ổn định hơn.

2. Không đặt câu hỏi "Nếu như..."

"Sẽ như thế nào nếu như....?" là câu hỏi góp phần "thêm dầu vào lửa", khiến bạn càng trở nên căng thẳng và lo lắng hơn trước. Thay vì bị ám ảnh bởi câu hỏi này thì bạn nên dành nhiều thời gian và năng lượng để kiểm soát nỗi sợ hãi của mình thì tốt hơn.

"Nếu như...." là điều không thực sự tồn tại. Thế nên, đừng để nó khiến tâm trạng của bạn càng trở nên tồi tệ.

3. Giữ suy nghĩ tích cực

Khi bạn suy nghĩ tích cực trong một phút, bạn có một phút không bị căng thẳng. Nhờ đó, bạn có thể dẫn dắt suy nghĩ của mình về phía những điều tích cực.

Nghĩ tích cực

Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn khi bạn có tâm trạng tốt. Ngược lại, nếu tâm trí của bạn tràn ngập những tư tưởng tiêu cực, bi quan thì tình huống càng trở nên tồi tệ.

Để giảm căng thẳng tức thì, bạn có thể bắt đầu nghĩ về một điều gì đó (dù nhỏ) mà bạn đã làm được trong ngày, vào ngày hôm qua hay bất cứ một ngày nào khác. Giữ cho mình những điều tích cực bằng cách ghi vào một cuốn sổ nhỏ là cách nhanh nhất giúp bạn thoát ra khỏi sự căng thẳng hết sức kỳ diệu.

4. Ngắt kết nối

Tắt điện thoại, ngừng lướt News Feed trên Facebook hay không đọc báo trong lúc stress sẽ giúp bạn tạm dừng việc "thu nạp những nguyên liệu" góp phần gây nên cảm giác căng thẳng.

Hãy rèn luyện thói quen này vào cuối tuần để bộ não được thực sự nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian ngắn, hồi phục sức khỏe, tâm trạng và sau đó, bạn chắc chắn sẽ thấy mình có nhiều năng lượng hơn để giải quyết mọi việc.

5. Hạn chế lượng caffeine nạp vào cơ thể

Cafe có thể kích thích sinh ra Adrenaline – cơ chế sinh tồn buộc bạn phải đứng lên để chiến đấu hoặc bỏ chạy khi phải đối mặt với mối đe doạ. Uống cafe giúp bạn tư duy và phản ứng nhanh nhạy hơn nhưng nó cũng đặt não và cơ thể bạn vào trạng thái kích thích, cảm xúc mạnh hơn.

Do vậy, khi đang cảm thấy căng thẳng, bạn nên chọn một loại thức uống nhẹ nhàng, không chứa caffeine vì nó có thể khiến tình trạng của bạn thêm tồi tệ.

6. Đi ngủ

Ngủ đủ giấc không những giúp tái tạo lại năng lượng cho não, cải thiện trí thông minh mà còn giúp bạn kiểm soát tốt căng thẳng và cảm xúc. Khi ngủ, não bộ được hồi phục nên khi thức dậy, bạn sẽ tỉnh táo hơn và sáng suốt hơn trước hoàn cảnh.

Ngủ ngon

Ngược lại, thiếu ngủ sẽ làm bạn mất kiểm soát, mất tập trung, giảm trí nhớ và gia tăng sự căng thẳng. Những dự án lớn và nhiều thử thách sẽ làm cho bạn cảm thấy như mình không còn chút thời gian nào để ngủ. Thế nhưng dành thời gian để ngủ đủ giấc mới là chìa khoá giúp bạn giải quyết tốt khối lượng công việc đó.

7. Không nói các từ ngữ tiêu cực

Một cách để không tăng thêm cảm giác căng thẳng đó chính là loại bỏ ngay những từ ngữ biểu lộ sự thất vọng, chẳng hạn như "vô nghĩa", "không bao giờ"... Đồng thời, thay vì nghĩ ngợi lung tinh, bạn nên viết những suy nghĩ của mình ra giấy.

Nghiên cứu cho thấy, suy nghĩ tiêu cực thường làm mọi việc tệ hại hơn bản chất sự việc. Tuy nhiên, khi viết ra giấy, bạn có thể cụ thể hóa những điều đang nghĩ trong đầu, hạn chế tư tưởng tiêu cực bùng phát và lấy lại tinh thần nhanh hơn.

8. Tập trung vào hơi thở

Giữ tư thế ngồi thẳng, thoải mái, tạm tắt điện thoại và bạn chỉ việc hít thở đều đặn, theo dõi nhịp thở ra – hít vào của mình. Hãy chậm rãi đếm từng nhịp thở cho đến khoảng 20 lần và cảm nhận sự thay đổi của cơ thể. Và bất cứ khi nào bạn quên mất đã đếm đến bao nhiêu nhịp thì điều đó có nghĩa, bạn vừa mất tập trung.

Thiền

Đây là cách đơn giản nhất để làm gián đoạn các căng thẳng. Khi tập trung vào hơi thở, não của bạn sẽ bị chi phối và không bị dẫn dắt bởi những suy nghĩ tiêu cực.

9. Nhờ sự trợ giúp của người khác

Chắc chắn không ai làm việc và thành công một mình. Vì thế, bạn đừng ngại nhờ đến sự giúp đỡ khi cần thiết.

Khi có thêm sự giúp đỡ, bạn sẽ có cách giải quyết vấn đề tốt hơn. Bởi lẽ, thi thoảng, sự cổ vũ tinh thần, chia sẻ khó khăn từ gia đình và đồng nghiệp lại là nguồn năng lượng vô cùng lớn giúp chúng ta có thêm động lực để vượt qua mọi nghịch cảnh.

Thứ Ba, 09/08/2016 08:00
31 👨 905
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng sống