- Nên biết mỗi thứ một ít hay biết chuyên sâu về một lĩnh vực thì hơn?
- Nếu muốn thành công, đừng bao giờ nói với bản thân 15 điều này!
- Người thông minh không phải vốn dĩ sinh ra đã thông minh mà họ phải nỗ lực để đạt được điều đó
“Nếu tôi có thể nhận được sự thông thái với điều kiện phải giữ kín nó và không chia sẻ với bất kỳ ai thì tôi nên từ chối đề nghị đó. Chẳng có gì thú vị khi bạn sở hữu một thứ giá trị mà không thể chia sẻ cùng ai.” - Seneca, một nhà triết học thời La Mã cổ đại đã nói.
Theo Maria Popova định nghĩa, sự thông thái là những hiểu biết có tầm quan trọng, vừa có giá trị thực tế vừa có giá trị đạo đức, khiến cuộc sống của ta thêm phong phú hơn và hành động thông minh hơn. Bởi con đường dẫn đến sự sáng tạo luôn có đầy rẫy những điều bấp bênh, không chắc chắn, nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ bản thân; do đó, ta thường trông cậy vào sự sáng suốt của người khác để giữ bản thân không đi chệch hướng.
Dưới đây là 7 lời khuyên quý giá về sự thông thái mà tôi - tác giả bài viết đã tích lũy được sau nhiều năm là một nhà văn, con đường mà tôi đã vô tình lựa chọn và tiến bộ nhờ sự rộng lượng cũng như quở trách từ những bậc tiền bối.
1. Hãy như con thuyền ra khơi và đừng quay đầu lại
Vào tháng 12 năm 2012, tôi đã viết một cuốn sách bán trên mạng. Tôi đã mất 8 tháng để viết và quảng cáo nó. Tôi kiên nhẫn chờ đợi kết quả - những lời tán dương, sự công nhận và cơ hội khác. Ngạc nhiên thay, thực tế chẳng có gì xảy ra và tôi cảm thấy vô cùng tủi nhục. Không một lượt tải về, không một lời bình luận và không có lợi nhuận.
Nhà văn Steven Pressfield
Với nỗ lực đầy tuyệt vọng mong muốn hiểu được tại sao tôi lại cảm thấy tệ, tôi đã gửi email cho một trong những nhà văn yêu thích của mình, Steven Pressfield. Ông đã trả lời rằng:
Ai cũng cảm thấy những gì bạn đang cảm thấy. Khi bắt đầu một cái gì mới, hãy cứ làm và đừng ngoảnh lại. Đừng xem doanh số, đừng tìm những bình luận trên Amazon. Hãy làm quen với việc đó.
Trong cuốn “The War of Art” (tạm dịch: “Cuộc Chiến Tranh Của Nghệ Thuật”), tôi kể câu chuyện khi mình viết xong cuốn tiểu thuyết đầu tiên (sau khoảng 10 năm liên tục thử và thất bại), tôi đã đi gặp người hướng dẫn của mình, Paul Rink và nói cho ông ấy tin tốt đó. Ông ấy không ngẩng mặt lên nhìn tôi mà chỉ nhìn vào cốc cà phê trên tay của mình và nói: “Tốt đấy. Ngày mai hãy viết một cuốn mới đi.”
Lý thuyết là nên viết luôn cuốn sách tiếp theo. Tôi thích một cuốn sách mới có sẵn 30 hay 40 trang đã viết (và có đà viết tiếp) khi tôi viết xong cuốn hiện tại.
Chúc mừng Paul. Anh đã làm tốt. Anh đã cho con thuyền ra khơi. Chào mừng anh. Tất cả những thành viên khác trên con thuyền này chào mừng anh. Hãy uống say đi. Mở một bữa tiệc.
Và sau đó viết cuốn tiếp theo ngay ngày mai.
Nếu bạn cho rằng bất kỳ dự án nào cũng là phương thuốc chữa cho sự thao thức, không chắc chắn và nỗi sợ thất bại thì đó gần như là sự tự đề cao bản thân và không giúp ích gì được cho sự sáng tạo nói chung.
Khi bắt đầu “viết cuốn tiếp theo” nó khiến bản thân ta trở nên cảnh giác trong một thời gian dài và tước đi sự khao khát thỏa mãn ngay tức thì. Nó tạo nên nền móng cho sự sáng tạo lâu dài và có quy củ bằng cách hưởng thụ quá trình chứ không phải kết quả.
Một điều cùng vô cùng quan trọng đó là cái đà. Bởi sau khi làm xong dự án này bạn sẽ là gì tiếp theo? Thật dễ dàng với việc chỉ ngồi một chỗ và đọc bình luận, nhưng đó không phải là cách để có một sự nghiệp thành công. Những dự án đã hoàn thành phản ánh sự phát triển các kỹ năng cũng như suy nghĩ của bản thân. Mỗi dự án là một bước tiến từ cái trước đó. Dự án đầu tiên coi như mức 1 - không tốt lắm. Nhưng khi bạn hoàn thành nó, học hỏi từ nó và dồn hết tâm sức vào nó, dự án tiếp theo của bạn chỉ có thể tốt hơn.
2. “Trải nghiệm sự biến chuyển”
Tác giả Kurt Vonnegut
Năm 2006, học sinh trường Trung học Xavier được giao bài tập viết thư cho tác giả yêu thích của họ - 5 học sinh trong số đó đã chọn tác giả Kurt Vonnegut. Câu trả lời duy nhất mà cả lớp nhận được từ tác giả Vonnegut đã tóm trọn sự thông thái không giới hạn bởi chuyên môn hay hoàn cảnh:
Những gì mà tôi muốn nói với các bạn là tôi không có nhiều điều để nói: Hãy luyện tập bất kỳ môn nghệ thuật nào, âm nhạc, hát, nhảy, múa, diễn xuất, vẽ vời, khắc họa, làm thơ, viết luận, viết tiểu thuyết, dù có tốt hay tệ đến mức nào. Đó không phải để kiếm tiền hay danh vọng, mà để trải nghiệm sự biến chuyển bên trong bản thân, tìm ra những gì còn ẩn giấu bên trong và nuôi dưỡng tâm hồn mình.
Nghiêm túc đó! Ý tôi là hãy bắt đầu ngay bây giờ, luyện một môn nghệ thuật và luyện nó suốt phần còn lại của cuộc đời. Hãy nhảy múa sau giờ học, hát trong nhà tắm và nhiều thứ khác. Hãy tập trung làm những điều mình thích và đối mặt với những thử thách. Giả vờ là bá tước Dracula trong tiểu thuyết cùng tên của Bram Stoker.
Mặc dù lời khuyên về sự thông thái của tác giả Vonnegut là dành cho học sinh trẻ tuổi để thúc đẩy họ bắt đầu học một điều gì đó nhưng rất dễ để ta giới hạn sự sáng tạo của mình vào một lĩnh vực cụ thể nào đó, như viết lách hay thiết kế đồ họa chẳng hạn.
Trong giai đoạn đầu của sự sáng tạo, ta không bị ảnh hưởng bởi vấn đề tài chính hay trách nhiệm nghề nghiệp - chỉ đơn giản là đang thử mà thôi, thể hiện bản thân, nuôi lớn tâm hồn và trở về với bản chất của sự sáng tạo. Những nhận thức mà ta có được qua các hành động này nên được chuyển tiếp vào chuyên môn chính.
3. Giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát
“Hãy dừng mọi thứ bạn đang làm lại một lúc và tự hỏi bản thân: Bạn có sợ mình sẽ chết nếu không được tiếp tục làm việc này hay không?” - Marcus Aurelius.
Câu nói trên khiến bạn lập tức ngừng phung phí nguồn tài nguyên quý giá nhất của bản thân mình: thời gian.
Sự sáng tạo trong cách sống cũng như trong sự nghiệp đều đáng sợ nhưng luôn đem lại cho chúng ta những phần thưởng xứng đáng. Vừa đam mê những gì mình làm, vừa thỏa mãn về mặt tài chính và cảm xúc là ước mơ và thử thách đối với rất nhiều người.
Ước mơ đó có thể thành sự thật, nhưng nó yêu cầu bạn phải làm việc chăm chỉ, tận tụy, một chút may mắn và rất nhiều thời gian. Do đó, ta cần phải ghi nhớ cái gì mới thật sự quan trọng và gắn bó với những gì sẽ mang lại thành quả có ý nghĩa về sau.
4. Xây dựng thói quen lâu dài
Biên đạo múa Twyla Tharp
Trong cuốn “Daily Rituals” (tạm dịch: “Những nghi thức hàng ngày”), tác giả Mason Curry chia sẻ thói quen mỗi sáng của biên đạo múa Twyla Tharp. Tác giả có viết như sau:
“Tôi bắt đầu ngày mới với những việc như sau: dậy sớm lúc 5:30 sáng, mặc quần áo tập thể dục, đồ giữ ấm chân, áo len và đội mũ. Tôi đi bộ khỏi nhà ở Manhattan, gọi một chiếc taxi và bảo tài xế đưa tôi tới phòng gym Pumping Iron giao giữa phố 91st và Đại lộ Số 1, nơi tôi tập thể dục trong 2 tiếng. Cái khổ sở ở đây không phải là những phút giãn cơ và tập tạ mà tôi phải chịu đựng mỗi sáng tại phòng gym; mà là thời gian di chuyển đến đó. Khoảnh khắc tôi nói xong với tài xế địa điểm đến của mình là coi như hết cái khổ của buổi sáng.”
Hãy thử nghĩ về lịch trình hàng ngày của bạn, những gì bạn làm và những gì bạn thực sự cần làm. Có thể là dậy sớm, làm việc hàng giờ đồng hồ liên tục, đi dạo, bạn cần tìm một nhịp sống - nhịp sống của chính bạn. Khi tạo ra một thói quen lâu dài, bạn sẽ giữ được động lực cho những việc thật sự quan trọng.
Bằng một lịch trình có kỷ luật và tính cá nhân, bạn có thể làm việc ở trạng thái tốt nhất, bỏ ra hàng giờ để tập trung suy nghĩ và tập sống với nhịp điệu nhanh hơn, chứ không phải chật vật chỉ để kiếm lấy danh hiệu giả tạo là bạn đã làm việc 8 tiếng liên tục.
Thói quen hàng ngày thay đổi theo thời gian khi hoàn cảnh thay đổi. Mục đích chính là bạn có một thói quen nhất định để xây dựng những thói quen cần thiết cho sự phát triển tư duy và sáng tạo, quan trọng nhất là làm được việc. Bạn của bạn sẽ không nhắn tin hay gọi điện cho bạn vào những giờ “sáng tạo”, vì họ biết bạn chẳng bao giờ nghe máy, trả lời tin nhắn lúc đang làm việc.
5. Nghiên cứu thành quả của những nghệ sĩ khác và các lĩnh vực khác
Nhà soạn nhạc Mozart
Trong cuốn sách “Mastery - Sự tinh thông”, tác giả Robert Greene nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu tác phẩm của những nghệ sĩ khác bằng cách lấy ví dụ là nhà soạn nhạc Mozart. Đây là một nền tảng cần thiết cho sự tiến hóa thành bậc thầy và phát triển tính sáng tạo:
“Trong suốt sự nghiệp của mình, nhà soạn nhạc Mozart chưa bao giờ đưa ra bất kỳ nhận định nào về âm nhạc. Thay vào đó, ông nghiền ngẫm những nhạc phẩm nghe được xung quanh và kết hợp chúng với tác phẩm của riêng mình. Mãi về sau, lần đầu ông được nghe nhạc của Johann Sebastian Bach - một thể loại nhạc rất khác và có vẻ phức tạp. Hầu hết các nhạc sĩ sẽ trở nên bảo thủ và phản đối những gì thách thức quy luật của họ. Nhưng không, Mozart đã gạt đi mọi thành kiến và chào đón những khả năng mới, nghiên cứu cách Bach sử dụng các đối âm trong gần một năm và áp dụng chúng trong nhạc của chính mình. Điều này mang đến sự mới mẻ đầy bất ngờ cho âm nhạc của ông.”
Sự học hỏi không phải chỉ một lĩnh vực; mà là một loạt lĩnh vực. Nó tạo điều kiện cho việc giao lưu ý tưởng và quan điểm, đưa bạn đến với những phương pháp và cách tư duy mới. Đương nhiên không phải thứ gì cũng đi vào sử dụng được, nhưng bạn sẽ phát triển được khiếu thẩm mỹ và phong cách của mình, từ đó áp dụng vào sự sáng tạo cá nhân.
6. Yêu cầu những gì mình muốn
Trong cuốn “How to Think Like a Great Graphic Designer” (tạm dịch: “Làm thế nào để suy nghĩ như một nhà thiết kế đồ họa tuyệt vời”), tác giả Debbie Millman kể lại câu chuyện của nhà thiết kế James Victore và cách ông dành được công việc thực tập bằng cách đi xin. Câu chuyện như sau:
“Tôi từng có một giáo sư hướng dẫn trong năm 2 đại học, nhà thiết kế đồ họa Paul Bacon. Ông ấy cho tôi điểm D. Nhưng khi tôi bỏ học, tôi đến văn phòng của ông và nói tôi muốn đi thực tập. Lúc đó, tôi còn chẳng biết như vậy có nghĩa là gì, tôi chỉ muốn thực tập cùng ông ấy. Ông ấy nhìn tôi rồi đặt bút xuống và nói chưa có ai từng xin ông ấy như vậy. Và ông ấy đồng ý cho tôi làm. Tôi đã học được một bài học quý giá ngay lúc đó: nếu bạn muốn gì, bạn phải nói ra.
Tôi có được công việc thực tập đó là vì chưa ai từng xin như tôi cả. Sau đó, tôi bắt đầu lui tới studio của nhà thiết kế đồ họa Paul Bacon và xem ông ấy làm việc. Tôi thường tới đó mỗi sáng và quét dọn; lúc đó tôi không có công việc thực sự. Và rồi tôi bắt đầu thử thật. Khi có bàn làm việc còn trống, tôi thử vẽ một vài bản thiết kế. 3 tháng sau khi tôi bỏ SVA, tôi đã có 3 cái bìa sách giả để bỏ vào hồ sơ của mình. Tôi bắt đầu đi quảng cáo hồ sơ xin việc và được thuê ngay sau đấy. Tôi đã có một công việc từ hồi đó."
7. “Không có nghệ sĩ nào cảm thấy hài lòng”
Vũ công Martha Graham
Năm 1943, diễn viên kiêm biên đạo múa Agnes de Mille đang ngồi uống soda với biên đạo kiêm diễn viên múa huyền thoại Martha Graham. Sau nhiều năm loay hoay tìm kiếm việc, Agnes de Mille đã có được một thành công bất ngờ và đầy vang dội với màn biên đạo cho show diễn Broadway mang tên “Oklahoma!”, thứ mà cô nghĩ là chỉ “tạm ổn”. Màn trình diễn đó đã được biểu diễn hơn 2.200 lần và cuối cùng dừng lại sau 5 năm. Mille nói rằng khát khao của cô dành cho sự tuyệt vời luôn hiện hữu, nhưng cô từng thất bại bởi thiếu niềm tin.
Graham đã cho Agnes một lời khuyên mà cô luôn ghi nhớ:
“Việc của cô không phải là đánh giá xem nó tốt đến mức nào hay nó đáng giá đến mức nào khi so sánh với những tác phẩm khác. Việc của cô là giữ nó cho riêng mình một cách rõ ràng và trực tiếp, gạt đi mọi thành kiến. Cô thậm chí không cần phải tin vào bản thân hay vào tác phẩm của mình. Cô phải mở rộng suy nghĩ ra và ý thức được những gì thúc đẩy cô. Không có nghệ sĩ nào cảm thấy hài lòng. Không bao giờ có sự thỏa mãn hay đại loại thế. Chỉ có sự không bằng lòng kỳ quặc mà tinh tế, một động lực khiến ta bước tiếp về phía trước và trở nên đầy sức sống.”
Những lời chia sẻ trên đây cũng giống như những gì Steven Pressfield đã nói: “Ai cũng cảm thấy những gì anh đang cảm thấy… Và hãy viết cuốn tiếp theo ngay ngày mai.”
Còn bạn thì sao? Điều gì đã khiến bạn làm chủ cuộc đời và hoàn thành tốt công việc của mình? Hãy chia sẻ với chúng tôi ở phần bình luận bên dưới nhé!
Tác giả: Paul Jun
Tham khảo thêm một số bài viết:
- 10 thói quen sử dụng email khiến người khác khó chịu
- Nếu cứ giữ 10 thói quen này, bạn sẽ chẳng bao giờ giàu được!
- Muốn được giữ lại làm việc mãi mãi, nhân viên cần có những phẩm chất gì?
Chúc các bạn vui vẻ!