Nếu bạn là con người và có đầu óc thì bạn có thể sẽ thích sử dụng bộ não. Và nếu bạn thích sử dụng bộ não thì có thể bạn sẽ yêu những khoảnh khắc hiểu thấu thứ gì đó cảm tưởng như có làn gió thổi trực tiếp vào mặt bạn, khiến tóc của bạn bị thổi ngược về phía sau và bạn hét lên "Woa", y hệt như anh chàng Keanu Reeves trong bộ phim Ma Trận khi anh ta học được võ thuật Kungfu chỉ từ một chiếc USB được gắn ở cổ.
Tôi biết đó không phải là thứ mà những đứa trẻ đáng yêu thích làm nhưng tôi thích đọc sách viễn tưởng. Nhiều sách viễn tưởng là đằng khác. Và khoảnh khắc yêu thích của tôi mỗi lần đọc chúng đó là khi một cuốn sách "đánh thẳng" vào bộ não của tôi và cấu hình lại toàn bộ những hiểu biết của tôi về thực tại cũng như chính con người mình.
Tôi thích điều đó. Nó giống như thể một trạng thái "cực khoái" của tâm trí vậy.
Tôi nhận được rất nhiều email yêu cầu tôi đề xuất cho họ một danh sách các cuốn sách nên đọc. Tôi không biết phải trả lời thế nào bởi vì có quá nhiều cuốn tác động tới tôi mà tôi chưa đọc xong, không phải do chúng quá hay mà đa phần vì chúng làm phát sinh các vấn đề khiến tôi phải suy nghĩ khi đang đọc chúng.
Thế nên, thay vì tiết lộ những cuốn sách yêu thích của mình thì tôi sẽ dành tặng bạn một thứ gì đó tốt hơn: 7 cuốn sách xoáy thẳng vào tâm trí của bạn, giúp bạn định hình lại những hiểu biết về thế giới và đầy cảm hứng mà tôi đã từng đọc.
Lưu ý là danh sách dưới đây chẳng hề theo một thứ tự nào đặc biệt cả.
1. Stumbling on Happiness (Daniel Gilbert)
Sách đề cập đến vấn đề gì?
Stumbling on Happiness giống như thể "đứa con riêng với chiếc đầu màu đỏ" của "bà mẹ" là những cuốn sách về hạnh phúc vậy. Nó không hề hòa hợp với số đông các đầu sách trong tủ sách này bởi vì về cơ bản, sách cố gắng thuyết phục bạn rằng khi mới được sinh ra, bạn chẳng hề biết hạnh phúc là thứ quái nào cả. Thế nên, tại sao lại phải căng thẳng quá mức vì nó?
Gilbert là một nhà tâm lý học rất nổi tiếng ở Đại học Harvard có sở trường thực hiện những cuộc thử nghiệm "điên rồ" phản ánh những lỗ hổng và thành kiến của tâm trí con người. Trong cuốn sách này, ông cũng nhiều lần chỉ ra cho bạn rằng với tư cách là con người, chúng ta luôn phán xét một cách thiếu chính xác về thứ khiến chúng ta hạnh phúc trong quá khứ, thứ khiến chúng ta hạnh phúc trong tương lai và thậm chí là cả những thứ làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc ở thời điểm hiện tại.
Thực tế, nhiều năm nghiên cứu về hạnh phúc của Gilbert đều chỉ ra cùng một thực tế đáng lo ngại rằng: hạnh phúc không có mấy liên quan đến những điều xảy ra với chúng ta trong cuộc đời nhưng lại rất liên quan đến việc chúng ta quan sát mọi thứ xảy ra như thế nào.
Lý thuyết của Gilbert đó là mỗi chúng ta đều có một "hệ thống miễn dịch về tâm lý" (psychological immune system), về cơ bản là một cỗ máy ngu ngốc – nơi tâm trí tìm ra mọi cái cớ để bênh vực cho những trải nghiệm trong quá khứ, những dự đoán về tương lai và tình trạng hiện tại của chúng ta theo cách như thể chúng ta luôn duy trì một ranh giới về sự hài lòng vậy. Và đó là khi "hệ thống miễn dịch" này không hoạt động thì chúng cũng sẽ rơi vào trạng thái thất vọng kéo dài và/hoặc khủng hoảng thường gặp trong cuộc sống hiện tại (existential crises).
Những câu trích dẫn đáng chú ý:
"Chúng ta đối xử với tương lai của chính mình như thể chúng là những đứa con của chúng ta, dành phần lớn thời gian trong ngày để xây dựng nên những ngày mai mà chúng ta hy vọng rằng sẽ khiến chúng hạnh phúc.... Tuy nhiên, "đứa con thời gian" này thường rất vô ơn. Chúng ta làm việc quần quật và đổ mồ hôi để cho chúng thứ mà chúng ta nghĩ rằng chúng sẽ thích và chúng bỏ việc, để tóc dài, chuyển đến hoặc ra khỏi San Francisco và rồi lại băn khoăn, sao chúng ta lại có thể ngu ngốc đến mức nghĩ rằng chúng sẽ thích điều đó. Chúng không thể đạt được những phần thưởng và thành tích mà chúng nghĩ là cốt lõi cho một cuộc sống viên mãn và tự kết thúc bằng việc hài lòng về những thứ mà không thực hiện được theo kế hoạch ngắn hạn và sai lầm của chúng ta".
"Các nền kinh tế sẽ trỗi dậy khi các cá nhân trỗi dậy, nhưng bởi vì các cá nhân chỉ trỗi dậy vì hạnh phúc riêng của họ nên thực chất, họ thường tin tưởng một cách sai lầm rằng sản xuất và tiêu thụ là hai con đường giúp mỗi người có được một cuộc sống hạnh phúc".
Điểm thưởng cho Stumbling on Happiness: Đây sẽ là cuốn sách tâm lý hay nhất và dí dỏm nhất mà bạn từng đọc.
Nếu cuốn sách này có thể được tóm tắt trong một hình ảnh thì hình ảnh đó sẽ là: Một con chó tên là "khiêm nhường" không ngừng đuổi theo chính cái đuôi của nó với nụ cười và nước dãi chảy liên tục trên miệng..
Hãy đọc cuốn sách này nếu....
- Bạn thích các chuyên gia Harvard – những người mà thường lấy ví dụ minh họa làThe Beatles trong từng chương và thích đùa cợt.
- Bạn hứng thú với việc ra quyết định một cách phi lý và kinh tế học hành vi.
- Bạn luôn có cảm giác rằng bạn chẳng biết gì nhưng bạn thích nghiên cứu 400 trang sách tâm lý học chỉ để khẳng định điều đó cho bạn.
- Bạn muốn đọc một cuốn sách giải thích về hạnh phúc mà không thần thoại hóa nó hay tôn thờ nó.
2. On the Genealogy of Morals (Friedrich Nietzsche)
Sách nói về cái gì?
Ẩn sau tác phẩm văn xuôi đầy khoa trương, lối nói hoa mỹ đầy giận dữ, lời báng bổ trơ trẽn và bộ ria mép dài loằng ngoằng, Nietzsche viết On the Genealogy of Morals với lý luận hết sức mạnh mẽ và lạnh lùng. Cuốn sách này có lẽ là một trong những công trình ngắn nhất và có ảnh hưởng nhất của ông, đồng thời nó cũng thẳng thắn nhất. Trong 3 bài giảng với tổng cộng 100 trang, ông đã liệt kê ra một số điểm chính sau:
- Trong bất kỳ quần thể nào, bạn cũng sẽ đối mặt với một nhóm người mà tài năng hơn/thông minh hơn/giỏi giang hơn người bình thường. Hãy gọi họ là "The Strong" (Kẻ mạnh). Thêm nữa, bạn cũng sẽ có môt nhóm người kém tài năng/thông minh/giỏi giang so với người bình thường và tạm gọi đó là "The Weak" (Kẻ yếu).
- "The Strong" hiển nhiên sẽ có nhiều sức mạnh và quyền lực trong xã hội mà không có lý do nào khác ngoài việc họ có khả năng và tài năng hơn những người khác.
- Bởi vì "The Strong" giành được sức mạnh lớn hơn và tạo ra ảnh hưởng thông qua việc họ khôn hơn hay làm việc hiệu quả hơn người khác nên họ sẽ nuôi dưỡng những niềm tin thuộc về đạo đức mà sẽ chứng minh cho vị trí của họ là đúng: rằng họ xứng đáng đạt được vị trí đó, rằng họ có nhiều quyền tương ứng với vị trí đầy vinh dự đó, rằng họ đạt được những thứ thuộc về họ. Nietzsche gọi đó là "Master Morality" (tạm dịch: Đạo lý làm chủ).
- Bởi vì "The Weak" mất đi sức mạnh và ảnh hưởng bởi việc kém thông minh và làm việc kém hiệu quả hơn người khác nên họ nuôi dưỡng những niềm tin thuộc về đạo đức mà sẽ chứng minh cho vị trí của họ là đúng: rằng họ xứng đáng được giúp đỡ và nhận từ thiện, rằng một người nên cho bớt tài sản của họ để dành cho người kém may mắn hơn, rằng bạn nên sống vì người khác chứ không phải chính bạn. Nietzsche gọi đó là "Slave Morality" (tạm dịch: Đạo lý nô lệ).
- Đạo lý chủ/nô (Master/Slave Morality) là một loại xung đột xuất hiện trong mọi xã hội trong suốt chiều dài lịch sử mà đã được ghi chép lại. Nhiều mâu thuẫn chính trị/xã hội là những hiệu ứng phụ (side effect) của cuộc đấu gianh giữa một bên là những người thuộc "Đạo lý làm chủ" và một bên là "Đạo lý nô lệ".
- Nietzsche tin rằng các quan niệm về tội lỗi, sự trừng phạt và "lương tâm độc ác", xét về mặt văn hóa, tất cả đều được xây dựng và sử dụng bởi "The Weak" để dần dần làm giảm sự chi phối và sức mạnh của "The Strong". Ông cũng tin rằng "Slave Morality" cũng có khả năng hủy hoại và đàn áp xã hội ngang bằng với Master Morality. Cơ đốc giáo là một ví dụ.
- Nietzsche cũng tin rằng "đạo lý nô lệ" đã đàn áp những phẩm chất tuyệt vời nhất của một người đàn ông, bao gồm khả năng sáng tạo, đổi mới, hoài bão và thậm chí là cả hạnh phúc.
Những câu trích dẫn đáng chú ý:
"Trên tất cả, không hề có ngoại lệ nào cho quy tắc này: rằng quan niệm về ưu thế chính trị tự nó luôn hủy hoại quan niệm về ưu thế tâm lý.
"Nếu không có sự độc ác sẽ không có các ngày hội".
Điểm thưởng cho On the Genealogy of Morals là: nó tuyên bố rằng kẻ yếu sẽ phải "tạo ra một vị Chúa" nên họ có thể tin rằng sự đau khổ mà họ phải trải qua thực sự mang một ý nghĩa nào đó. Nietzsche quả là một "anh chàng" rất cứng rắn.
3. Antifragile: Things That Gain from Gisorder (Nassim Taleb)
Sách nói về cái gì?
Trước khi giải thích về một vài ý kiến rất thú vị trong cuốn sách này, tôi cần phải nói ra một vài thứ để cảm thấy dễ chịu hơn: Taleb nghe giống như một thám tử tự đắc vậy. Nếu anh ta chơi khăm cả thế giới bằng phong cách viết của mình thì anh ta đã làm rất tốt, bởi vì một vài đoạn gần như không thể hiểu được mà không trợn mắt về phía anh ta hoặc nhét cuốn sách vào một máy hủy tài liệu.
Taleb có rất nhiều ý tưởng đáng kinh ngạc. Tôi đang nói về những ý tưởng có tiềm năng thay đổi và tác động tới thế giới. Chúng có thể được giải thích cặn kẽ trong khoảng 50 trang. 450 trang khác gần như ông cố gắng chứng minh mình là một người có văn hóa và điềm tĩnh trong khi giải thích việc mình thông minh như thế nào so với các nhóm người sau: các giáo sư đại học, chính trị gia, những người đạt giải Nobel, các chuyên gia phân tích ở Wall Street, nhà kinh tế học, nhà báo, nhà thống kê, nhà lịch sử, soccer moms (những bà mẹ dành phần lớn thời gian của mình cho các hoạt động của con cái, điển hình là lái xe chở con tham gia từ sự kiện thể thao này đến sự kiện khác có sự góp mặt của chúng), giáo viên, bất cứ ai sử dụng đường cong chuông, bất cứ ai làm việc trong lĩnh vực khoa học xã hội và bất cứ ai không đồng ý với quan điểm của ông.
Vậy thì những quan điểm làm "rung động đất trời" trong tác phẩm này là gì? Dưới đây là một vài điểm xuất phát:
- Theo định nghĩa, thường những sự kiện có ảnh hưởng nhất trong lịch sử thì ít được đoán trước nhất. Chúng được gọi là "thiên nga đen" (Black Swan).
- Vì là con người, chúng ta vốn đã có thiên hướng chống lại việc nhận ra rất nhiều sự kiện trong cuộc sống lẫn tác động của chúng.
- Bởi vì sự leo thang bất thường của công nghệ, các sự kiện "thiên nga đen" ngày càng trở nên phổ biến và tạo ra ảnh hưởng lớn chưa từng có.
- Do đó, chúng ta nên xây dựng các hệ thống (và phát triển chính chúng ta) để có khả năng cải thiện nghịch cảnh, cụ thể, xây dựng cuộc sống và xã hội của chúng ta theo cách như thể nhận được lợi ích từ các sự kiện không được dự đoán trước đó.
Những câu trích dẫn đáng chú ý:
"Khả năng cải thiện nghịch cảnh vượt xa khả năng phục hồi hoặc sức chịu đựng. Khả năng phục hồi giúp bạn kháng cự lại các cú sốc và trở về trạng thái ban đầu; khả năng cải thiện nghịch cảnh giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
"Sự trớ trêu của quá trình kiểm soát suy nghĩ đó là: càng nhiều năng lượng mà bạn tiêu tốn để cố gắng kiểm soát ý nghĩ của bạn và điều bạn nghĩ về thì cuối cùng, càng nhiều ý nghĩ kiểm soát bạn".
"Thử thách là thứ làm sống dậy các thiên tài".
Nếu có thể tóm gọn cuốn sách này trong một hình ảnh thì hình ảnh đó là: Những cuộc trò chuyện ngớ ngẩn bên tách cappuccino về cuộc sống ở Pháp và cảnh Umberto Eco hút thuốc lá cùng một vài gã trọc đầu giàu có, béo ú khiến bạn phát ngán. Trong khi đó, nhiều lần, bạn lại tự tát vào mặt mình bằng một thìa đường chỉ để cố gắng khiến chúng dừng nói.
Hãy đọc cuốn sách này nếu:
- Bạn thích cảm thấy bạn thông minh hơn những người mà bạn nghĩ là không thông minh như bạn.
- Bạn muốn khái niệm về "thành công" và "sự tiến bộ" vốn có trong đầu bạn hoàn toàn bị đảo lộn.
- Bạn muốn đọc một cuốn sách dù chứa đựng khoảng 60% những điều ngớ ngẩn nhưng vẫn sẽ khiến bạn phải nghĩ về chúng nhiều năm sau đó.
4. The True Believer (Eric Hoffer)
Sách nói về cái gì?
The True Believer bàn về việc tại sao mọi người cuối cùng lại đồng ý với sự cuồng tín (fanaticism), chủ nghĩa cơ yếu (fundamentalism) hay hệ tư tưởng cực đoan (extremist).
Cuốn sách này có lẽ là một trong những tác phẩm triết học đáng tin cậy và đúng trọng tâm nhất mà tôi từng đọc. Và việc Hoffer sử dụng các câu ngắn đã tạo ra nguồn sức mạnh có thể khiến bạn "nghẹt thở".
Những câu trích dẫn đáng chú ý:
"Trò chơi lịch sử được chơi bởi những kẻ xuất chúng và kém nhất thế giới thường vượt quá tầm hiểu biết của phần đông những người đứng giữa".
"Một người đàn ông càng ít có lý do chính đáng khi tự cho rằng bản thân phải trở nên lỗi lạc thì anh ta càng sẵn sàng đứng lên để đòi lại quyền lợi vì Tổ quốc, tôn giáo, chủng tộc hay vì sự mộ đạo của anh ta".
"Tự do, ít nhất, nó cũng khiến cho sự thất vọng trở nên trầm trọng hoặc nhẹ bớt với mức độ nhiều như nhau. Tự do lựa chọn sẽ đặt toàn bộ trách nhiệm của thất bại lên gánh nặng của từng cá nhân. Và vì tự do thúc đẩy vô số các nỗ lực nên nó cũng sẽ khó tránh khỏi việc khiến cho sự thất bại tăng lên gấp bội".
Điểm thưởng cho cuốn sách này là: Theo như những gì được kể lại thì The True Believer là một trong những cuốn sách yêu thích nhất của Tổng thống Eisenhower.
Nếu có thể tóm tắt cuốn sách này trong một hình ảnh thì hình ảnh đó là: Một bàn tay lật ngửa đang hướng thẳng vào má của bạn.
Hãy đọc cuốn sách này nếu:
- Bạn muốn biết tại sao mọi người lại từ bỏ bản sắc của họ vì một vài lý do hết sức vô lý.
- Bạn băn khoăn liệu chiến tranh và các cuộc cách mạng có thể xảy ra như thế nào?
- Bạn muốn đọc thứ gì đó thật gay gắt nhưng không muốn vất vả mới đọc hết được hàng trăm trang đầy rẫy biệt ngữ học thuật và rất khó để hiểu chúng.
5. Civilization and Its Discontents (Sigmund Freud)
Sách nói về cái gì?
Freud là một "hiện tượng học thuật" vào những năm đầu thế kỷ 20. Ông đã khám phá ra psychoanalysis (phân tâm, một hệ thống tâm lý ban đầu được sử dụng để chữa trị một số rối loạn nhiễu tâm, về sau trở thành nền tảng cho một học thuyết chung về tâm lý) làm cho khoa học về tâm lý trở thành xu thế chủ đạo và ông cũng rất được kính trọng trong giới trí thức khắp châu Âu thời đó. Sau đó, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ và hủy hoại tất cả mọi thứ. Tinh thần của Freud xuống dốc mạnh mẽ, khiến ông rơi vào trạng thái khủng hoảng sâu sắc và sống tách biệt khỏi xã hội gần như suốt những năm 1920. Đây cũng chính là lý do dẫn tới sự ra đời của tác phẩm này.
Cuốn sách chỉ đưa ra một lý lẽ đơn giản rằng con người có bản năng thú tính sâu sắc để ăn, giết hoặc hủy hoại mọi thứ. Freud tranh luận nền văn minh chỉ có thể trỗi dậy khi có đủ số người học được cách ngăn chặn những ham muốn ngày càng đê tiện và khó hiểu này, đẩy chúng vào sâu trong tiềm thức nơi (theo mô hình của Freud) chúng thối rữa và cuối cùng tạo ra tất cả những thứ kiểu như là các chứng loạn thần kinh nào đó.
Về cơ bản, Freud đưa ra một kết luận rằng là con người, chúng ta có một trong hai lựa chọn hết sức đê tiện trong cuộc đời: (1) kiềm chế tất cả các bản năng cơ bản để duy trì một vài thứ giống với vẻ bề ngoài của một nền văn minh chắc chắn và có tính hợp tác, do đó, tự khiến cho bản thân chúng ta trở nên đáng thương và dễ xúc cảm hoặc (2) để cho chúng bộc phát và mất kiểm soát.
Đối với Freud, Hitler và chiến tranh thế giới thứ II hoàn toàn đã chứng minh cho quan điểm của ông chỉ vài năm sau đó. Vì là một người gốc Do Thái sống ở Áo nên ông đã phải cùng vợ rời Vienna sang London để lánh nạn. Ông tiếp tục sống những năm cuối đời tại một thành phố mà đã bị lãng quên sau một vụ nổ bom.
Hãy đọc cuốn sách này nếu:
- Bạn thích sự giải thích rằng vấn đề duy nhất mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng có đó là chúng ta muốn hủy hoại và/hoặc tiêu diệt tất cả những ai trong tầm ngắm của mình dù không được phép làm điều đó.
6. The Singularity Is Near: When Humans Transcend Biolog (Ray Kurzweil)
Sách nói về cái gì?
Phần đầu của The Singularity is Near, Kurzweil đã chỉ ra rằng năng lực xử lý của máy tính và công nghệ đang tăng lên theo hàm mũ trong lịch sử và có khả năng vẫn sẽ tiếp tục như vậy.
Tiếp theo, ông cũng tranh luận rằng vì lý do này mà vào năm 2046, tất cả bộ não của chúng ta sẽ bị mã hóa kỹ thuật số và được tải lên đám mây nơi một ý thức (consciousness) bất tử, duy nhất được hình thành, có thể kiểm soát toàn bộ sức mạnh tính toán trên hành tinh.
Những câu trích dẫn đáng chú ý:
"Một inch khối trong sơ đồ mạch điện của ống nano, một khi được phát triển đầy đủ, sẽ mạnh hơn 1 triệu lần so với bộ não con người".
"Tốc độ tiến bộ của công nghệ liệu có thể tiếp tục tăng mãi mãi? Việc con người không thể nghĩ đủ nhanh để theo kịp nó có phải là vấn đề quan trọng không? Đối với những con người không được cải tiến thì rõ ràng là như vậy. Tuy nhiên, 1.000 nhà khoa học ở thời điểm đó mà mỗi người trong số đó thông minh hơn 1.000 lần so với chừng ấy nhà khoa học hiện nay và hoạt động nhanh hơn 1.000 lần so với con người ở thời điểm hiện tại (bởi vì quá trình xử lý thông tin trong các bộ não phi sinh học [non-biological] nhanh hơn) sẽ làm được gì? Theo thời gian, mỗi năm qua đi trông giống như một thiên niên kỷ. Họ sẽ phát hiện ra điều gì?"
Hãy đọc cuốn sách này nếu:
- Bạn là một kẻ nghiện máy tính, đơn giản và chất phác.
- Bạn muốn hiểu tại sao Internet và điện thoại thông minh chỉ là phần nổi của những điều tiếp theo sẽ xảy ra trong suốt cuộc đời chúng ta.
7. The Denial of Death (Ernest Becker)
Sách nói về cái gì?
Khi đề cập đến nỗi sợ cái chết thì dưới đây là phần tóm gọn nhất về The Denial of Death:
Bởi vì mỗi người chỉ là một loài động vật có khả năng hình thành ý niệm về sự tồn tại của mình trong đầu – nghĩ về cuộc đời, nghi ngờ nó, tưởng tượng các khả năng có thể trong tương lai – do đó, mỗi người cũng chỉ là một loài động vật mà có khả năng hình thành ý niệm về sự không tồn tại của mình, chẳng hạn như cái chết của chính họ.
Hay nói cách khác, con người bẩm sinh đã có thể tưởng tượng về tương lai và người mình muốn trở thành, nhưng cái giá phải trả cho khả năng thiên bẩm này đó là việc nhận ra rằng chúng ta một ngày nào đó rồi cũng sẽ chết. Một con chó không hề nhận ra nó sẽ chết. Một con cá hay con gián cũng vậy. Tuy nhiên, con người lại có thể.
Hiểu được về cái chết không thể tránh được sẽ dẫn chúng ta tới một "nỗi khiếp sợ" luôn hiện diện trong mọi thứ chúng ta làm. Becker tranh luận rằng nỗi khiếp sợ này truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta dấn thân vào những thứ mà ông gọi là một "dự án anh hùng" (hero project) – nơi mà mỗi người nỗ lực để trở thành bất tử thông qua các hành động và chiến tích của mình, để tạo ra thứ gì đó vĩ đại hơn mà sẽ lưu danh muôn thuở.
Đó là khi các "dự án anh hùng" của mọi người mâu thuẫn với một dự án khác mà chúng ta tranh giành, va chạm, tin tưởng một cách mù quáng và tội lỗi. Đó là khi các dự án anh hùng thất bại khiến chúng ta chìm sâu vào nỗi thất vọng và khủng hoảng bởi vì một lần nữa, chúng ta lại đối mặt với cái chết không thể tránh được và một cuộc đời vô nghĩa.
Những câu trích dẫn đáng chú ý:
"Con người không thể chịu đựng được sự tầm thường của mình trừ khi có thể chuyển đổi nó thành một thứ có gì đó có ý nghĩa với khả năng có thể xảy ra lớn nhất".
"Điều trớ trêu trong thân phận con người đó là nhu cầu sâu sắc nhất là được giải thoát khỏi sự lo lắng về cái chết và sự hủy diệt, nhưng cuộc sống – tự nó đã làm thức tỉnh nhu cầu đó và do vậy, chúng ta buộc phải lùi lại để có thể được tồn tại".
Nếu có thể tóm gọn cuốn sách này trong một hình ảnh thì hình ảnh đó là: một gã thần chết dữ tợn cười thầm một mình khi đang xem bạn xây dựng một anh chàng Lego hết sức công phu được gọi là "cuộc đời" và bạn xoay người trở lại và nói "dừng cười đi, thứ này rất quan trọng đấy".
Hãy đọc cuốn sách này nếu:
- Bạn đã lên kế hoạch cho một ngày nào đó mình sẽ chết.
- Bạn nghĩ rằng, thi thoảng, bạn coi cuộc đời quá nghiêm trọng và cần phải thả lỏng một chút.
- Bạn muốn đọc một lý lẽ thuyết phục về lý do tại sao chúng ta lại cứ ôm lấy đau đớn và nỗi sợ thay vì né tránh chúng.