"Think big, act small" - Nghĩ lớn, hành động nhỏ. Áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, nếu muốn thay đổi bản thân, chẳng hạn như sống ngăn nắp, gọn gàng, quản lý thời gian hiệu quả, biết yêu thương, chăm sóc bản thân và mọi người nhiều hơn.... thì hãy bắt đầu thực hiện chiến lược 60 bước nhỏ dưới đây ngay từ bây giờ. Chắc chắn, nếu kiên trì áp dụng thì bạn sẽ thấy mình tốt lên hơn rất nhiều đấy.
Cuộc sống thay đổi khi chính bạn phải thay đổi đầu tiên. Và thay đổi không nhất thiết phải là những điều lớn lao mà đơn giản, hãy bắt đầu với những thứ gần gũi xung quanh bạn.
Ngôi nhà
1. Dùng bút chì lên kế hoạch chấm dứt tình trạng lộn xộn trong nhà kéo dài 100 ngày với các nhóm công việc gồm những thứ mà bạn dự định sẽ giải quyết mỗi ngày trong giai đoạn đó. Chẳng hạn:
- Ngày thứ 1: Sắp xếp lại sách báo, tạp chí.
- Ngày thứ 2: Sắp xếp lại DVD.
- Ngày thứ 3: Sắp xếp lại sách.
- Ngày thứ 4: Sắp xếp lại dụng cụ làm bếp.
2. Luôn tâm niệm trong đầu mình: Có một vị trí nhất định cho mọi thứ và mọi thứ ở đúng vị trí của chúng. Trong 100 ngày sắp tới hãy tuân theo bốn quy tắc sau để giữ cho ngôi nhà của bạn luôn được ngăn nắp:
- Nếu lấy ra thứ gì, hãy nhớ trả về vị trí cũ.
- Nếu mở thứ gì, hãy nhớ đóng lại.
- Nếu thả thứ gì xuống, hãy nhớ nhặt lên.
- Nếu cởi quần áo ra, hãy treo chúng lên móc.
3. Đi quanh nhà và tìm ra 100 món đồ bạn thường xuyên mặc kệ để cho chúng hư hỏng và sửa mỗi ngày một thứ. Ví dụ:
- Một bóng đèn cháy cần được thay.
- Một chiếc cúc áo bị rơi mất trên chiếc áo sơ mi ưa thích.
- Các hộp nhựa thức ăn thường rơi ra ngoài khi bạn mở tủ bếp .
Hạnh phúc
4. Nghe theo lời khuyên tích cực của các nhà tâm lý học và viết ra 5 đến 10 điều mà bạn cảm thấy biết ơn mỗi ngày.
5. Liệt kê một danh sách 20 điều nhỏ mà bạn thích làm nhất và chắc chắn rằng bạn đang thực hiện ít nhất một điều mỗi ngày trong 100 ngày sắp tới. Danh sách của bạn có thể là:
- Ăn trưa ngoài trời.
- Tám chuyện với bạn thân.
- Dành vài phút ngồi xuống và đọc cuốn tiểu thuyết của tác giả yêu thích.
6. Giữ một bản ghi chép về những "cuộc nói chuyện" với chính mình, cả tiêu cực lẫn tích cực trong vòng 10 ngày. Hãy cố gắng càng cụ thể càng tốt:
- Bao nhiêu lần trong ngày bạn cảm thấy tự đánh bại chính mình?
- Bạn có cảm giác không xứng đáng hay không?
- Bạn có thường xuyên suy nghĩ về những phê phán và chỉ trích của người khác không?
- Có bao nhiêu suy nghĩ tích cực nảy sinh trong đầu bạn mỗi ngày?
Ngoài ra, hãy ghi lại những cảm xúc đi kèm với các suy nghĩ. Sau đó, trong 90 ngày tiếp theo hãy bắt đầu thay đổi cảm xúc của bản thân theo hướng tích cực và thử thay đổi cách "nói chuyện" với bản thân dưới góc nhìn khác.
7. Hãy cười cho thật đã – ít nhất một lần mỗi ngày: mua một cuốn lịch được minh họa bằng nhiều câu nói đùa khác nhau cho mỗi ngày trong năm hay thử ghé thăm một trang web có các nhân vật hoạt hình mà bạn yêu thích.
Phát triển bản thân
8. Chọn một cuốn sách đòi hỏi bạn phải đầu tư sự nỗ lực và tập trung, đọc mỗi ngày một chút và như thế đọc đến hết trong 100 ngày.
9. Giữ tư tưởng luôn học hỏi ít nhất một điều gì đó mới mẻ mỗi ngày: đó có thể là tên một loài hoa mọc trong vườn, một thủ đô hay một đất nước xa xôi nào đó, cũng có thể là tên một tác phẩm nhạc cổ điển bạn thường nghe trong cửa hàng quần áo ưa thích khi đi mua sắm. Và nếu đã đến giờ đi ngủ rồi mà bạn vẫn chưa xác định được mình nên học điều gì vào ngày hôm đó, hãy mang từ điển ra và học từ vựng mới.
10. Ngừng việc kêu ca than vãn trong 100 ngày tới. Những cuộc nói chuyện tiêu cực làm phát sinh những suy nghĩ tiêu cực; những suy nghĩ tiêu cực sẽ dẫn đến những kết quả tiêu cực. Trong 100 ngày sắp tới, bất cứ khi nào bạn cảm thấy mình sắp sửa lên tiếng kêu ca phàn nàn, hãy lập tức ngăn bản thân lại.
11. Đặt chuông báo thức sớm hơn một phút mỗi ngày trong 100 ngày tới. Hãy chắc chắn là bạn sẽ bật dậy khỏi giường ngay khi chuông báo thức reo, mở cửa sổ ra và để ánh nắng tràn vào phòng rồi thực hiện một vài động tác vươn vai nhẹ. Chỉ sau 100 ngày, bạn sẽ sớm nhận ra mỗi sáng bạn thức dậy sớm hơn 1 tiếng 40 phút so với hiện tại.
12. Viết bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu bạn vào mỗi buổi sáng. Đây là cách làm do Julia Cameron giới thiệu và được đặt tên là Morning Pages. Bạn có thể duy trì ghi chúng ra trên 3 trang giấy và hãy nhớ là viết tay nhé. Việc làm này sẽ giúp cảm hứng viết lách luôn tuôn chảy trong bạn.
13. Luôn luôn tự nhắc nhở, động viên bản thân bằng những suy nghĩ, lời nói và hình ảnh phù hợp nhất với mẫu người mà bạn muốn trở thành, những gì bạn muốn có và những điều bạn muốn đạt được.
Tài chính
14. Phác thảo một kế hoạch chi tiêu hợp lý. Theo dõi chi tiết đến từng đồng trong 100 ngày tới và hãy đảm bảo rằng bạn đang theo sát kế hoạch đã đề ra.
15. Tìm kiếm trên internet những mẹo tiết kiệm hiệu quả được mọi người chia sẻ, chọn cho bản thân 10 mẹo phù hợp nhất và áp dụng chúng một cách triệt để cho 100 ngày tới. Sau đây là một vài mẹo khả thi:
- Mua hàng tạp hóa bằng tiền mặt và tính toán trên sổ chi tiêu thay vì dùng thẻ tín dụng.
- Kiểm kê một lượt các đồ dùng còn dư trong nhà để tránh mua lặp các mặt hàng khi đi mua sắm tạp hóa.
- Chia nhỏ đường truyền cáp cho nhiều TV trong nhà.
- Xác nhận lại xem liệu bản thân bạn có thực sự cần một chiếc điện thoại cố định trong nhà hay không.
- Tập hợp nhiều việc lặt vặt và giải quyết chúng trong cùng một chuyến đi để tiết kiệm xăng.
Hãy ghi chép lại và theo dõi xem bạn đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền sau 100 ngày áp dụng những mẹo nhỏ này.
16. Chi trả mọi thứ bằng tiền mặt và giữ lại mọi món tiền thừa bạn nhận được, sau đó, cho tất cả tiền thừa vào lọ. Hãy xem thử bạn có thể tích lũy được tất cả bao nhiêu tiền trong 100 ngày đó.
17. Đừng mua bất kỳ thứ gì mà bạn thấy không hoàn toàn cần thiết trong 100 ngày. Thay vào đó, sử dụng món tiền bạn đã tiết kiệm được nhờ không mua sắm vật dụng không thiết vào một trong những hoạt động sau:
- Giải quyết bớt các khoản nợ, nếu như vẫn còn nợ nần.
- Tích lũy chúng thành quỹ khẩn cấp của bạn trong 6 tháng tới.
- Bắt đầu lập một quỹ tiền riêng dành cho việc đầu tư.
18. Bỏ ra một giờ mỗi ngày trong 100 ngày tới dành để làm việc nhằm tạo ra một khoản thu nhập thụ động.
Quản lý thời gian
19. Luôn mang theo mình một cuốn sổ tay nhắc nhở để giữ cho tâm trí bạn tránh được một mớ lộn xộn. Ghi chép lại mọi thứ, lưu giữ chúng một cách an toàn ở một nơi nào đó thay vì ghi nhớ bằng đầu – ở bất cứ đâu mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy và quyết định sẽ làm gì với chúng sau đó. Ví dụ:
- Ý tưởng cho bài luận văn.
- Những cuộc hẹn.
- Danh sách những việc phải làm.
20. Theo dõi cách bạn sử dụng quỹ thời gian của mình trong vòng năm ngày. Rồi sử dụng thông tin bạn đã thu thập được để tạo một kế hoạch về "ngân sách" thời gian: tỷ lệ phần trăm thời gian mà bạn muốn dành cho mỗi hoạt động mình thường xuyên tham gia. Ví dụ:
- Di chuyển, đi lại.
- Làm việc nhà.
- Giải trí.
- Các hoạt động tạo thu nhập.
Lưu ý: Đảm bảo bản thân bạn luôn theo sát kế hoạch phân bổ quỹ thời gian của bạn đã đề ra trong 95 ngày còn lại.
21. Xác định một hoạt động kém quan trọng mà bạn có thể ngừng thực hiện trong 100 ngày tới; thay vào đó hãy dành thời gian cho những việc cần ưu tiên hơn.
22. Tìm ra năm điều thường làm bạn lãng phí thời gian của mình, sau đó tự đặt ra giới hạn thời gian bạn dành cho những hoạt động như vậy mỗi ngày, trong 100 ngày tới. Ví dụ:
- Xem TV không quá nửa tiếng một ngày.
- Dành không quá nửa tiếng mỗi ngày sử dụngFacebook, Instagram hay Twitter...
- Chơi game không quá 20 phút mỗi ngày.
23. Ngừng làm nhiều việc cùng một lúc; thay vào đó chỉ tập trung làm duy nhất một việc vào một thời điểm, không để bản thân bị phân tán sang việc khác.
24. Lên kế hoạch cho mọi hoạt động của ngày hôm sau vào tối hôm trước.
25. Ưu tiên làm những việc quan trọng nhất trong danh sách to-do trước khi làm bất cứ việc gì khác.
26. Trong 14 tuần tiếp theo, hãy thực hiện một bản đánh giá vào mỗi tuần. Trong các bản đánh giá hàng tuần đó, hãy trả lời bản thân mình những câu hỏi sau đây:
- Bạn đã hoàn thành những việc gì?
- Những việc nào tốt?
- Những việc nào chưa tốt?
27. Dành một vài phút cuối ngày để sắp xếp lại bàn làm việc, phân loại giấy tờ để đảm bảo rằng nơi làm việc của bạn luôn được sạch sẽ và ngăn nắp. Như vậy bạn mới có thể bắt đầu một ngày làm việc mới với trạng thái thoải mái và phấn khởi vào sáng hôm sau.
28. Lên một danh sách bao gồm tất cả những cam kết và nghĩa vụ xã hội mà bạn cần thực hiện trong vòng 100 ngày tới. Sau đó, dùng bút đỏ gạch bỏ đi bất kỳ điều gì mà khi thực hiện chúng không khiến bạn thực sự hạnh phúc hoặc không giúp đỡ bạn trên con đường đạt đến các mục tiêu lớn của cuộc đời.
29. Bất kỳ khi nào bạn chuyển sang một hoạt động mới trong ngày, ít nhất hãy dừng lại và tự hỏi bản thân bạn "Liệu đây có phải phương án tốt nhất, xứng đáng để mình dành thời gian thực hiện hay không?".
Sức khỏe
30. Để giảm được 0.4kg trọng lượng đòi hỏi phải đốt cháy 3500 calo. Nếu bạn giảm đi một lượng 175 calo nạp vào cơ thể mỗi ngày trong 100 ngày tới, bạn sẽ có thể giảm được 2kg cân nặng sau 100 ngày.
31. Ăn ba phần rau củ mỗi ngày.
32. Ăn ba phần trái cây mỗi ngày.
33. Chọn một loạt thức ăn mà bạn cảm thấy nó sẽ phá hoại mọi nỗ lực ăn uống lành mạnh của bạn, cho dù đó là bánh kem từ cửa hàng bánh thơm nức cạnh nhà, bánh pizza hay khoai tây chiên ưa thích thì cũng hãy khước từ thẳng thừng với tất cả những món ăn đó trong 100 ngày tiếp theo.
34. Ăn bằng một chiếc đĩa bé hơn, điều đó giúp bạn kiểm soát tốt hơn khẩu phần ăn của mình.
35. Mua các loại nước ép 100% từ trái cây tự nhiên thay vì các loại chứa thêm đường và chất bảo bảo quản.
36. Thay vì đồ uống có ga, hãy uống nước lọc.
37. Viết ra một danh sách 10 loại bữa sáng vừa tốt cho sức khỏe vừa dễ dàng chuẩn bị.
38. Viết ra một danh sách 20 cách chế biến bữa ăn tốt cho sức khỏe và chuẩn bị nhanh gọn để áp dụng cho các bữa trưa và bữa tối.
39. Viết ra một danh sách 10 loại thức ăn nhẹ lành mạnh và dễ áp dụng.
40. Sử dụng danh sách các bữa sáng, trưa, tối lành mạnh để lên kế hoạch cho các bữa ăn trong nhiều tuần sau này. Hãy thực hiện kế hoạch trong 14 tuần tiếp theo.
41. Giữ một bản nhật ký ăn uống. Việc này giúp bạn có thể xác định được khi nào thì bạn đi lệch hướng ra khỏi menu đã lên kế hoạch của mình và cụ thể thì bạn đã tiêu thụ nhiều calo vào cơ thể mình như thế nào.
42. Dành ít nhất 20 phút mỗi ngày cho việc luyện tập thể dục thể thao.
43. Cài ứng dụng đếm bước chân cho điện thoại thông minh và đi bộ 10000 bước mỗi ngày. Mỗi một bước bạn đi trong ngày sẽ được đếm dần cho đến 10000 bước:
- Khi bạn đi bộ đi lấy xe máy.
- Khi bạn đi chợ.
- Khi bạn đi từ bàn làm việc đến nhà vệ sinh.
- Khi bạn ghé đến gặp một người đồng nghiệp để bàn bạc công việc.
44. Thiết lập một biểu đồ cân nặng và treo nó trong phòng tắm. Vào mỗi tuần trong 14 tuần tới, hãy theo dõi những tiêu chí sau đây:
- Cân nặng của bạn.
- Tỷ lệ phần trăm mỡ trong cơ thể.
- Vòng eo của bạn.
45. Đặt giờ hẹn cho đồng hồmỗi tiếng reo một lần hoặc thiết lập lời nhắc nhở trên máy tính của bạn để đảm bảo bạn uống nước liên tục và đều đặn xuyên suốt cả ngày.
46. Tập thói quen ngồi thiền định, điều hòa nhịp thở và hình dung lại mỗi ngày để trấn an và làm dịu tâm trí của bạn.
Các mối quan hệ
47. Tích cực tìm kiếm những điều tuyệt vời, tốt đẹp từ người yêu hay bạn đời của bạn mỗi ngày và ghi lại chúng.
48. Làm một cuốn sổ lưu niệm lưu giữ lại mọi thứ bạn và một nửa sẽ cùng nhau thực hiện trong 100 ngày tới. Đến cuối ngày 100, hãy cho nửa kia của bạn xem những điều tốt đẹp bạn đã viết lại về người bạn đồng hành của mình cũng như lưu giữ những kỷ niệm giữa hai người.
49. Xác định ba việc mà bạn sẽ thực hiện mỗi ngày trong 100 ngày tới để củng cố cho mối quan hệ của mình. Ví dụ:
- Nói "Anh yêu em/Em yêu anh" và "Chúc một ngày vui vẻ" với nửa kia của bạn vào mỗi sáng.
- Ôm chặt nửa kia ngay khi hai bạn gặp nhau mỗi khi tan làm.
- Hãy dành 20 phút nắm tay và cùng nhau đi bộ mỗi ngày sau bữa tối.
Xã hội
50. Kết nối với những người bạn mới mỗi ngày trong 100 ngày tới, đó có thể chỉ đơn giản là người hàng xóm mà bạn chưa bao giờ nói chuyện hay theo dõi một người bạn mới nào đó trên Facebook, để lại vài dòng comment trên một trang blog mà bạn thường đọc nhưng chưa từng để lại bình luận nào hay bất cứ điều gì tương tự như thế.
51. Luôn sẵn sàng kết nối với những người bạn ngưỡng mộ, tôn trọng và mong muốn được trở thành.
52. Bất kỳ khi nào có ai đó nói ra những lời khiến bạn buồn, hãy dành một phút suy nghĩ kỹ trước khi đáp lại, đừng để sự nóng nảy làm bạn mất đi bình tĩnh của bản thân mình.
53. Đừng bao giờ đánh giá người khác khi bạn chưa được nghe hết trọn vẹn câu chuyện từ cả hai phía.
54. Làm điều gì đó tốt đẹp cho những người xung quanh, cho dù chúng chỉ là những điều nhỏ bé chẳng hạn như chỉ đơn giản là gửi đi một lời chúc phúc lặng lẽ cho con đường mà họ lựa chọn.
55. Luôn sẵn sàng trao tặng những lời khen và sự công nhận cho bất cứ ai xứng đáng nhận được điều đó.
56. Học cách tích cực lắng nghe. Khi ai đó nói chuyện với bạn, hãy luôn giữ tập trung vào những điều họ đang nói thay vì tập trung suy nghĩ trong đầunhững gì bạn định nói tiếp theo. Diễn giải rõ ràng góc nhìn của bạn với những điều họ nói để chắc chắn rằng bạn không hề hiểu sai và đồng thời hãy khuyến khích họ giải thích thêm về bất cứ điểm nào trong câu chuyện mà bạn chưa hiểu rõ.
57. Học cách cảm thông cho người khác trong 100 ngày sắp tới. Nếu bạn không đồng tình với ai đó, hãy một lần thử nhìn thế giới từ quan điểm của họ; đặt bản thân vào vị trí của họ. Hãy học cách tò mò về những người xung quanh, về niềm tin và những kinh nghiệm cuộc đời, quá trình suy nghĩ và đưa ra kết luận của họ.
58. Tập trung sống cuộc đời của mình và đừng bao giờ so sánh bản thân mình với cuộc đời của bất-kỳ-ai-khác.
59. Tìm cách giải thích hợp lý tốt nhất có thể cho các hành động của những người khác.
60. Luôn luôn nhắc nhở bản thân bạn rằng mỗi người đều đang cố gắng làm những điều tốt nhất mà họ có thể đạt được.
Chúc bạn thành công.