5 thói quen học tập hiệu quả cần bắt đầu ngay hôm nay

Phương pháp học tập giúp bạn tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn.

Với các bài thi, bài luận, dự án và những deadline chồng chất, thói quen học tập hiệu quả là vô cùng quan trọng để giúp bạn tránh xa khỏi stress khi còn đi học. Những thói quen học tập dưới đây sẽ giúp mọi thứ trở nên đơn giản hơn và loại bỏ stress khỏi cuộc sống của bạn. Cho dù là cần cải thiện kết quả học tập, giảm căng thăng hay chỉ đơn giản là muốn có vài ý tưởng mới, hãy bắt đầu thực hành ngay 5 thói quen học tập dưới đây.

1. Sử dụng Flashcard

Flashcard được thiết kế giúp kích thích khả năng gợi nhớ lại thông tin. Với một bên là câu hỏi với 1 bên là câu trả lời hoặc định nghĩa, người dùng flashcard sẽ bắt buộc não bộ phải nhớ lại các thông tin cần thiết. Thậm chí bạn phải vật lộn ít nhiều khi sử dụng những tấm thẻ này thì cách thức học này vẫn giúp bạn ôn lại kiến thức cần thiết.

Một trong những lý do vì sao học bằng flashcard lại tỏ ra hiệu quả là bởi chúng tận dụng kĩ thuật học tập "lặp lại cách quãng" (là cách thức học tập lặp đi lặp lại các kiến thức theo các quãng thời gian). Kĩ thuật này ngày càng được chứng minh là cách hiệu quả để củng cố trí nhớ và tăng khả năng gợi lại thông tin. Bằng cách gợi đi gợi lại kiến thức với các quãng giữa lần ôn ngày càng tăng, người học sẽ có khả năng gợi lại thông tin nhanh hơn và dễ dàng hơn.

2. Ôn, ôn và ôn

Nhiều người không học gì cả cho tới tận trước kì thi, còn các học sinh chăm chỉ hơn thì ôn trước đó 1 hoặc 2 tuần. Dù cách này nghe có vẻ hiệu quả nhưng thực chất nó lại là phương pháp không hiệu quả chút nào. Cách tốt nhất là bạn nên ôn lại kiến thức 1 chút mỗi ngày để không bị quá tải khi kì thi sắp tới.

Một trong những cách ôn là vẽ mind-map (vẽ bản đồ tư duy). Trong sơ đồ này, bạn vẽ nội dung cốt lõi ở trung tâm, sau đó tỏa nhánh xung quanh cho các mục liên quan. Điều này sẽ giúp kết nối mọi kiến thức, thuật ngữ với nhau. Khi kì thi tới, quá trình ôn thi chuẩn bị sẽ nhanh hơn vì những từ khóa ngắn gọn này.

Tự đọc to với chính mình và giả vờ như mình là giáo viên đang dạy học sinh cũng là 1 cách, dù nghe có vẻ hơi ngốc nghếch. Hãy đọc to các ghi chú và tưởng tượng rằng mình đang thực hiện 1 bài giảng. Thực hiện nhiều lần cho tới khi bạn không cần phải nhìn vào ghi chú nữa, khi đó hãy đọc lại 1 lần cuối cùng.

Hãy chọn 1 từ khóa chính và biến nó thành 1 câu chuyện, đảm bảo rằng bạn có thể giải thích nó rõ ràng cho bất kì ai chưa từng nghe từ này, dù nó phức tạp ra sao. Ví dụ như nếu bạn đang học về cuộc cách mạng công nghiệp, hãy viết 1 câu chuyện để giải thích các sự kiện và khái niệm cho bất kì ai chưa từng nghe về nó. Dù điều này nghe có vẻ hơi ngốc nghếch và nhàm chán nhưng lại là cách rất hiệu quả để ôn lại kiến thức và nhìn nó dưới 1 góc độ khác. Cách này tạo ra những kết nối mới và mang lại cho bộ não cách diễn giải thông tin trực quan, từ đó dễ dàng ghi nhớ hơn.

Cuối cùng là hãy sử dụng danh sách từ khóa. Hãy chọn 1 từ chính cho chủ đề mà bạn đang học, sau đó giảm xuống các chủ đề nhỏ hơn cũng chỉ với 1 từ duy nhất. Hãy học danh sách này sử dụng kết hợp với các phương pháp nói trên, đặc biệt là flashcard. Khi tới kì thi, hãy viết ra danh sách từ khóa, nó sẽ giúp bạn dễ dàng nhớ lại các chủ đề và chủ đề nhỏ, cung cấp 1 bộ khung tham chiếu phòng khi bạn hoàn toàn không nhớ gì khi làm bài.

3. Xem các bài giảng và video liên quan

Một trong những phương pháp học tập hiệu quả và cũng mang đến nhiều niềm vui nhất là xem các bài giảng và video liên quan để bổ sung cho bài học. Những phim tài liệu hay video trên YouTube và các website học tập có thể khiến bạn ngạc nhiên trước những gì mình học được và trước lượng thông tin mà thế giới Internet mang tới. Bạn cũng có thể tải và stream podcast về các chủ đề liên quan. Phụ thuộc vào chủ đề đang học, bạn sẽ thấy chúng hữu ích và cũng rất thú vị.

4. Thiết kế bài tập dựa trên các bài kiểm tra cũ

Hãy giữ lại những bài kiểm tra, bài tập, handout mà giáo viên phát. Chúng không chỉ cho biết thành tích học tập của bạn mà còn cho bạn biết điểm mạnh và điểm cần khắc phục trong môn học đó. Qua những tài liệu này, bạn cũng có thể biết được hình thức bài thi, cấu trúc câu hỏi và ít nhiều dự đoán những tricky trong các câu hỏi True/False. (những câu hỏi, chi tiết đánh lừa)

Dựa trên những bài kiểm tra đã được chấm điểm, hãy thiết kế bài tập mới, bao gồm cả những câu bạn trả lời đúng và những câu bạn trả lời sai (tập trung vào các câu sai nhiều hơn). Bằng cách này, bạn sẽ biết được điểm yếu của mình và làm việc với nó nhiều hơn, từ đó sẽ ít căng thẳng và cảm giác chuẩn bị kĩ hơn khi kì thi tới.

5. Viết lại ghi chú

Nghiên cứu chỉ ra rằng viết thông tin bằng tay ra giấy sẽ giúp nâng cao khả năng ghi nhớ. Điều này khiến việc ghi nhớ kiến thức song hành với việc ghi nhớ về hoạt động và bạn có thể hình dung về những gì mình đã viết khi kiểm tra.

Một trong những cách tốt nhất là chuẩn bị bài học trước khi tới lớp. Trước giờ học, hãy xem lại những điểm quan trọng, ghi chú từ giờ học trước, bài tập về nhà mà bạn đã làm. Ngay trước khi giờ học bắt đầu, hãy xem qua các ghi chú để biết sơ qua nội dung bài học mới sẽ tiếp nối từ những nội udng nào của bài học trước. Bằng cách này, bạn sẽ tập trung vào bài giảng và tiếp thu thông tin thay vì phải tra sách khi buổi học kết thúc.

Khi viết ghi chú, hãy viết bằng từ của chính mình thay vì viết những gì giáo viên dạy mà không nghĩ gì cả. Điều này sẽ giúp nắm bắt và giữ thông tin tốt hơn. Sau buổi học, viết lại chúng 1 cách có tổ chức hơn cũng là cách để ôn lại kiến thức và đảm bảo bạn có 1 ghi chú tổng hợp để ôn lại sau này. Khi đọc ghi chú, hãy tóm tắt chúng thành từng mục, tổng kết theo ngôn ngữ của mình, cho thấy bạn thực sự hiểu vấn đề. Nó cũng giúp người học biết được những lỗ hổng mình còn chưa hiểu.

Hãy sử dụng định dạng outline với các gạch đầu dòng, đánh số thứ tự hay lùi đầu dòng để tạo nên mối quan hệ thứ bậc giữa các mục, khiến chúng trở nên rõ ràng hơn. Đừng quên để khoảng trống giữa các dòng để sau này đọc lại cũng dễ dàng hơn.

Phương pháp Cornel cũng rất hiệu quả, đặc biệt là khi bạn tóm tắt ở cuối trang. Hãy gập giấy để có 1 cột rộng bên phải và 1 cột nhỏ hơn bên trái. Ở bên phải, hãy ghi ra các thông tin, định nghĩa có liên quan tới bài học. Ở bên trái, hãy viết các câu hỏi về các thông tin ở bên phải, đây cũng là nơi viết các thuật ngữ mà bạn dùng thông tin bên phải để giải thích. Dưới cùng của trang, hãy viết tóm tắt về các thông tin trên. Lần sau học, bạn có thể che cột phải đi và biến những ghi chú thành công cụ chuẩn bị bài rất hữu ích.

Tác giả: Alexia Bullard

Thứ Sáu, 09/09/2016 15:03
4,73 👨 4.174
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc