Người hướng nội có đặc điểm dễ nhận dạng là sống kín đáo, khép mình, không sẵn sàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn của mình với người khác, tất cả những tâm sự đều giấu kín trong lòng và rất khó biểu lộ ra ngoài, trái ngược hẳn với người hướng ngoại là luôn hòa đồng, cởi mở.
Người hướng nội trong thế giới của những người hướng ngoại rất đặc biệt, lạ lùng, thậm chí còn được cho là "quái dị". Họ trở thành chủ đề bàn tán, đàm luận và phán xét của nhiều người. Trong mắt người hướng ngoại, người hướng nội là kẻ nhút nhát, sợ hãi và gần như chẳng tạo nên điều gì nổi bật cả.
Thế nhưng, người hướng nội lại sở hữu rất nhiều điểm mà người hướng ngoại khó có được. Chẳng hạn, họ có khả năng kiềm chế bản thân tốt, tính tình thú vị, thường khiến người khác cảm thấy bình tĩnh, tập trung và an toàn. Dưới đây là 5 sự thật về tính cách của người hướng nội mà mọi người thường hiểu lầm và được rút ra từ chính trải nghiệm của một người sống nội tâm như tác giả.
1. Người hướng nội không hề nhút nhát
Nhút nhát dường như là từ mà người hướng ngoại thường sử dụng khi muốn mô tả về tính cách của một người hướng nội. Nhút nhát có nghĩa là không biết cách cởi mở, diễn đạt ý của mình trước đám đông và thường im lặng.
Sự thật thì ngược lại. Năng lượng của người hướng nội bộc lộ rõ nhất khi họ ở một mình và nó sẽ giảm dần khi có nhiều người xung quanh. Do vậy, sự sợ hãi mà người hướng ngoại nhìn thấy ở người hướng nội không đúng hoàn toàn với bản chất của từ này mô tả. Đó đơn thuần chỉ là sự thay đổi năng lượng bên trong con người họ do có sự xuất hiện của những người mà họ chưa sẵn sàng để họ bước vào vùng an toàn (Comfort Zone) của mình mà thôi.
2. Người hướng nội không hề hợm hĩnh
Đây là điều mà người hướng nội cũng thường bị hiểu nhầm và dần trở thành một thách thức với họ.
Đối với người hướng nội, khi mà nguồn năng lượng sẽ giảm dần khi có sự xuất hiện của nhiều người thì việc để hòa mình vào một nhóm nào đó hay để bắt đầu một cuộc trò chuyện làm quen với người mới gần như là điều không thể. Họ cảm thấy an toàn, thoải mái và tự tin hơn khi làm những việc mình thích. Tuy nhiên, lối sống nội tâm này không có nghĩa là người hướng nội tỏ ra hợm hĩnh, thích lên mặt hay muốn trở thành người đặc biệt trước những người khác.
3. Người hướng nội là người yêu xã hội
Khi ở cạnh những người đã quen biết, đặc biệt là gia đình, người thân, bạn bè, người hướng nội sống hết mình và phải lúc ấy, bạn mới thấy được nguồn năng lượng dồi dào trong con người họ. Thậm chí, họ còn trở thành người truyền "lửa" cho những người xung quanh, khiến tất cả mọi người sống tích cực và lạc quan hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nếu bỗng có sự xuất hiện của một người lạ thì người hướng nội ngay lập tức sẽ trở về trạng thái ban đầu, nghĩa là họ ở "yên" trong vùng an toàn của mình như bản chất vốn có.
4. Người hướng nội dễ trở thành tâm điểm phán xét của đám đông
Người hướng nội tuy mạnh mẽ trong vùng an toàn của mình nhưng lại rất dễ bị tổn thương nếu nghe được những lời phán xét hay quan điểm tiêu cực của người khác về họ. Họ sẽ thu mình lại và dần tách mình khỏi mọi người. Chính điều này khiến người hướng ngoại cho rằng người hướng nội cư xử lạnh lùng, không tôn trọng hay không hòa nhập với xã hội. Thực tế là ngược lại, chỉ là họ muốn hòa nhập theo cách không giống với những người hướng ngoại mà thôi.
5. Người hướng nội thường rất hay thu mình vào một góc
Khi nhìn thấy một người hướng nội ngồi lặng lẽ một mình thì không hẳn là họ cô độc mà đó là lúc dòng suy nghĩ sâu thẳm đang chảy trong tâm trí của họ. Đôi khi, người hướng nội suy nghĩ về những rào cản khiến họ không thể hòa mình hoặc muốn tham gia nhưng không đủ can đảm để vượt qua vùng an toàn do chính họ thiết lập. Tâm trí của người hướng nội rất mạnh mẽ dẫn tới với cùng một vấn đề, họ thường khiến chúng trở nên nghiêm trọng hơn so với người hướng ngoại. Có lẽ, một phần là do người sống nội tâm ít chia sẻ, chỉ giữ lại câu chuyện cho mình nên họ nhìn nhận vấn đề chưa được nhiều mặt.
Lần tới, nếu gặp một người nào đó, có thể là bạn bè, đồng nghiệp, người lạ... mà bạn cho rằng họ nhút nhát hay hợm hĩnh thì hãy nhớ lại những điều này. Người hướng nội cần sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ rất lớn từ người hướng ngoại.
Nếu có ý định thử thách họ bằng một trò đùa, câu nói hay hành động thì hãy dừng lại. Thay vì như vậy, hãy giữ bình tĩnh, kiên nhẫn, chủ động và tạo ra sự thân thiện để người hướng nội có thể cởi mở lòng mình hơn và bạn sẽ phát hiện ra được nhiều điều thú vị khi tiếp xúc với những người sống nội tâm như vậy.
Tất cả chúng ta đều có những tính cách đặc biệt, cho dù là người hướng nội hay người hướng ngoại. Thế nên, đừng cố tỏ ra mình là người bình thường vì trong mắt người khác, có thể bạn cũng "không bình thường" ở một điểm nào đó mà bạn không hề biết.