12 nguyên tắc lãnh đạo của Jack Welch - cựu Chủ tịch và CEO General Electric

Người được mệnh danh là "nhà lãnh đạo thế kỷ".

Jack Welch là một trong những nhà lãnh đạo kinh doanh nổi tiếng nhất trên thế giới. Tạp chí Fortune gọi ông là "nhà quản lý của thế kỷ 20" và có đóng góp to lớn cho sự phục hồi cũng như phát triển vượt bậc của Tập đoàn GE (General Electric) vào đầu thập niên 90. Nếu đã biết đến Bill Gates, Mark Zuckerberg, Steve Jobs và Warren Buffett thì Jack Welch là cái tên tiếp theo rất đáng để chúng ta học tập.

Khi Jack Welch lên nắm quyền ở General Electric (GE) vào năm 1981 và trở thành CEO trẻ nhất trong lịch sử của tập đoàn, nhà lãnh đạo huyền thoại này đã cam kết sẽ biến GE thành công ty mạnh nhất trên thế giới. Welch vừa là nhà hoạch định chiến lược, giảng viên kinh doanh, biểu tượng của công ty, lại vừa là nhà lý luận về quản trị.

Nếu coi lãnh đạo là một môn nghệ thuật thì Jack Welch có thể xem là người nghệ sĩ bậc thầy. Nhờ xây dựng và duy trì cho mình một phong cách lãnh đạo độc đáo, trong 20 năm "trị vì", Welch đã đạt được những thành tích chưa từng có trong lịch sử. Dưới đây là 12 nguyên tắc lãnh đạo mà bạn có thể học hỏi từ "huyền thoại quản trị" này.

Jack Welch

1. Lãnh đạo, chứ không phải quản lý

Người lãnh đạo có tài phải là người có khả năng nhìn xa trông rộng, biết cách dẫn dắt nhân viên đạt đến tầm nhìn ấy với niềm đam mê công việc mãnh liệt. Muốn vậy, bạn đừng quản lý nhân viên quá chặt mà phải giúp họ trở thành người chủ thật sự của công ty bằng cách tạo điều kiện cho nhân viên được tham gia giải quyết các vấn đề.

Bất cứ nhân viên nào cũng cần được trao quyền thể hiện khả năng lãnh đạo miễn là họ có ý tưởng sáng tạo và có thể truyền cảm hứng của mình cho người khác.

Lãnh đạo cũng cần phải có sự mềm dẻo chứ không đơn thuần chỉ là ra lệnh cho người khác để đạt được mục đích của mình.

2. Tạo dựng bầu không khí làm việc thân tình

Người lãnh đạo giỏi luôn biết cách tạo một môi trường làm việc thân tình, đề cao sự sẻ chia và gắn kết. Sự gần gũi giữa người với người sẽ góp phần khơi mào các ý tưởng sáng tạo và khuyến khích mọi người đóng góp nhiều hơn cho tổ chức.

Để làm được như vậy, bạn có thể cho phép nhân viên ăn mặc thoải mái khi đi làm, không quá lễ nghi, hình thức, khích lệ nhân viên thể hiện ý kiến riêng, chia sẻ về cuộc sống gia đình, tổ chức những buổi họp không chính thức, đi du lịch, các hoạt động văn hóa – xã hội....

3. Cải cách quy trình làm việc

Quy trình làm việc rườm rà, lắm thủ tục, thiếu chuyên nghiệp là những khởi nguồn cho "căn bệnh ung thư" của tổ chức. Chúng làm chậm tiến trình ra quyết định, gây lãng phí tài nguyên, khiến lợi thế cạnh tranh bị giảm sút và các chiến lược đề ra phản tác dụng.

Việc "chữa trị" dứt điểm căn bệnh này không hề đơn giản và đòi hỏi sự đóng góp của tất cả các thành viên. Không chỉ lãnh đạo, nhân viên cũng có thể góp phần cải thiện tình hình bằng cách loại bỏ những công việc thừa trong quy trình làm việc của mình và phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp để đẩy nhanh quá trình ra quyết định.

4. Dám đối mặt với thực tế

Khi Welch lên nắm quyền, GE vẫn đang làm ăn hiệu quả. Tuy nhiên, ông nhận ra rằng thành công này không hề bền vững mà ngược lại, một số rủi ro vẫn tiềm ẩn trong đó. Thay vì tự huyễn hoặc mình là mọi thứ sẽ dần được cải thiện, Welch quyết định đối mặt với thực tế, tìm ra điểm bất lợi, phác thảo các kế hoạch và bắt đầu tiến hành việc cải tổ.

Nhà lãnh đạo thế kỷ

Những nhà lãnh đạo thành công luôn chấp nhận sự thật rằng mọi chuyện đều có thể xảy ra và điều tiên quyết là cần phải biết chấp nhận, sẵn sàng thay đổi chiến lược và lên kế hoạch ứng phó để sai lầm không tiếp diễn.

5. Đơn giản môi trường làm việc

Kinh doanh không phải là một công việc gì đó quá "cao siêu" hay phức tạp. Sự đơn giản mới là yếu tố góp phần giúp cho quá trình làm việc và hoạt động của tổ chức trở nên hiệu quả hơn.

Do vậy, nhà lãnh đạo cần phải tiên phong trong việc đơn giản hóa môi trường làm việc, chẳng hạn như loại bỏ những thông báo, thư từ không cần thiết, không yêu cầu nhân viên phải tuân theo các nguyên tắc quá phức tạp hay cầu kì về hình thức...

6. Sẵn sàng đón nhận sự thay đổi

Nhà lãnh đạo giỏi phải dự đoán được xu hướng vận động của môi trường kinh doanh và của các ngành khác, phải làm cho nhân viên hiểu rằng sự thay đổi là điều không thể tránh khỏi vì đó là cơ hội để bứt phát hay ít nhất đó là một thách thức cần phải vượt qua.

Một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng luôn là chìa khóa để công ty có những bước tiến vững chắc trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

7. Truyền cảm hứng cho nhân viên

Không phải những gì lãnh đạo đều đúng và không phải những gì nhân viên nói ra đều sai. Theo Jack Welch, người lãnh đạo cần phải tạo cảm hứng làm việc cho nhân viên bằng cách dành thời gian lắng nghe họ trình bày quan điểm và thể hiện sự trân trọng của mình đối với những nỗ lực của họ. Đừng phớt lờ hay bỏ qua vì đó có thể là một ý tưởng tốt.

8. Phá bỏ những lề thói làm việc cũ, lạc hậu

Những gì đúng trong quá khứ chưa chắc đã đúng trong tương lai. Vì vậy, khi lên nắm quyền ở GE, Welch đã phá bỏ những truyền thống lâu đời của tập đoàn để tìm một hướng đi mới. Ông thường tổ chức những cuộc họp để tìm cách giải quyết vấn đề tốt nhất cũng như hỏi ý kiến nhân viên khi muốn tiến hành một sự thay đổi quan trọng trong công ty.

9. Xây dựng môi trường học tập trong công ty

Nhà lãnh đạo cần khuyến khích nhân viên không ngừng học hỏi và không bao giờ được suy nghĩ rằng bạn biết mọi thứ cũng như là người duy nhất luôn luôn đúng. Là một nhà quản lý có tầm nhìn xa, Welch không bao giờ ủng hộ bản tính ngạo mạn.

Thuật lãnh đạo

Ông cũng cho rằng mỗi người trong tổ chức có thể học hỏi lẫn nhau, học từ những người xung quanh, từ các công ty của GE và từ đối thủ cạnh tranh. Bất kỳ ý tưởng hay nào cũng đáng để cân nhắc, cho dù nó là của ai đi chăng nữa.

10. Khích lệ sự năng động của nhân viên

Cạnh tranh trong môi trường kinh doanh càng trở nên vô cùng khốc liệt nên chỉ có những người năng động thì mới có thể không bỏ lỡ các cơ hội.

Nhà lãnh đạo cần rèn luyện cho nhân viên của mình thái độ làm việc khẩn trương và khả năng ra quyết định nhanh để có thể bứt phá khi thời cơ đến.

11. Đề cao những giá trị cốt lõi của công ty

Là một doanh nhân, ông chủ của một tập đoàn lớn, lẽ dĩ nhiên Welch rất quan tâm đến các chỉ số tài chính. Tuy nhiên, ông cũng luôn để ý đến các giá trị cốt lõi của GE như luôn xem khách hàng là thượng đế, thẳng tay loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, mở rộng tư duy và luôn sẵn sàng đón nhận những luồng tư tưởng mới.

Ngoài ra, nhà lãnh đạo giỏi không bao giờ đánh giá nhân viên chỉ dựa vào các chỉ tiêu trên bảng đánh giá công việc.

12. Giảm cường độ và tập trung cải thiện hiệu quả quản lý

Đừng quá tập trung vào giám sát, theo dõi mà hãy để nhân viên được tự chủ nhiều hơn. Hãy thực hiện các hoạt động ủy quyền, tin tưởng vào năng lực của nhân viên, giao việc cho họ và cung cấp những điều kiện cần thiết để họ có thể hoàn thành công việc. Đó mới là lãnh đạo thực sự.

Thứ Năm, 28/07/2016 15:00
42 👨 2.104
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kỹ năng Công việc