Ubuntu rõ ràng là một trong những bản phân phối được sử dụng phổ biến nhất trong thế giới Linux. Nhưng bạn có biết rằng Ubuntu cũng sở hữu cho mình nhiều “biến thể” khác nhau? Có thể kể đến như, Kubuntu, Xubuntu hay Lubuntu.
Vậy sự khác biệt ở đây là gì và bạn nên chọn sử dụng bản phân phối nào? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Sự khác biệt giữa các bản phân phối này?
Để lựa chọn chính xác bản phân phối phù hợp với mình, trước tiên bạn cần hiểu rõ điểm mạnh, yếu, cũng như nét đặc trưng của chúng. Đó có thể là sự bóng bẩy trong giao diện của Kubuntu, tính ổn định tuyệt vời của của Ubuntu, sự đơn giản và ổn định theo kiểu cổ điển của Xubuntu hoặc khả năng chạy tốt trên các cấu hình phần cứng cũ, không mạnh mẽ của Lubuntu.
Mặc dù sở hữu tên gọi khác nhau, nhưng tất cả các bản phân phối này về cơ bản đều được phát triển dựa trên cùng một phần mềm cơ sở của Ubuntu. Chúng bao gồm cùng một nhân Linux và các tiện ích hệ thống cấp thấp. Tuy nhiên, mỗi loại sở hữu các ứng dụng desktop và điểm mạnh khác nhau. Điều đó có nghĩa là một số sở hữu đầy đủ tính năng hơn, trong khi những cái khác lại gọn, nhẹ hơn — một phiên bản đều có một điểm mạnh riêng.
Dưới đây là cái nhìn chi tiết hơn về bốn bản phân phối Ubuntu này để bạn có thể quyết định xem cái tên nào là phù hợp nhất với mình:
Ubuntu: Phù hợp nhất cho những người mới làm quen với Linux
Một trong những điểm mạnh của Ubuntu là khả năng cài đặt nhanh chóng và dễ dàng trên hầu hết mọi phần cứng hiện đại, thường chỉ trong 5 hoặc 10 phút. Nó chỉ yêu cầu hệ thống phải sở hữu tối thiểu 4GB RAM và bộ nhớ trong không ít hơn 25GB.
Môi trường GNOME desktop với thanh dock nằm ở cạnh trái màn hình mang đến cho người dùng một giao diện không thể trực quan hơn. Ngoài ra, sự phong phú trong số lượng tiện ích mở rộng GNOME Shell và các ứng dụng nhỏ lẻ cũng là một điểm cộng lớn với Ubuntu.
Ubuntu đi kèm với bộ ứng dụng văn phòng LibreOffice, trình duyệt Firefox và ứng dụng email Thunderbird. Đây đều là những phần mềm có thể thay thế tốt cho các ứng dụng tương đương mà Microsoft cung cấp trên Windows. Tất nhiên để có được trải nghiệm tốt với Ubuntu, bạn sẽ cần cài đặt một số ứng dụng cơ bản, chẳng hạn như GNOME Tweak Tool.
Kubuntu: Phù hợp nhất cho những người thích “vọc vạch”
Kubuntu sở hữu môi trường desktop KDE Plasma và các ứng dụng KDE khác nhau trên nền Ubuntu. Mặc dù không có yêu cầu chính thức về cấu hình hệ thống tối thiểu, trải nghiệm thực tế cho thấy Kubuntu có vẻ không được nhẹ và nhanh như Ubuntu (và không có phiên bản 32-bit).
Tuy nhiên, Kubuntu lại mang đến giao diện ấn tượng hơn nhiều so với Ubuntu, cũng như sự linh hoạt trong việc tinh chỉnh màn hình theo mọi cách mà bạn muốn. Trình quản lý tệp Dolphin của bản phân phối này cũng thường được coi là một trong những trình quản lý máy tính hiệu quả nhất trong thế giới Linux. Ngoài ra, các nhà phát triển đã dần dần thay thế nhiều ứng dụng K “cổ kính” của Kubuntu như trình duyệt, email và bộ ứng dụng văn phòng, bằng Firefox, Thunderbird và LibreOffice hiện đại hơn.
Vậy Kubuntu có hạn chế gì? Các ứng dụng K còn lại và phần phụ thuộc của chúng có xu hướng làm lộn xộn ổ cứng. Ngoài ra, nếu bạn muốn cài đặt một ứng dụng không phải KDE, bạn sẽ thường phải thiết lập thêm một loạt các tệp không phải KDE để làm cho nó hoạt động. Điều này sẽ lại làm tăng thêm sự lộn xộn trên máy tính của bạn.
Xubuntu: Phù hợp nhất cho những người thích sự đơn giản và ổn định
Xfce là môi trường desktop Linux nhẹ, phổ biến và lâu đời nhất, cho phép bạn có thể linh hoạt mở rộng hoặc thu gọn để phù hợp với sở thích của mình. Đây đồng thời cũng là một điểm mạnh của Xubuntu.
Nói về sự ổn định, đáng tin cậy và vững chắc trong thế giới các bản phân phối Linux, Xubuntu chắc chắn là một trong những cái tên đầu bảng. Thêm vào đó, Xubuntu cũng không tiêu tốn nhiều tài nguyên hệ thống — mức yêu cầu tối thiểu chỉ là 512MB ram và 7,5GB ổ cứng. Mặc dù vậy, nó có thể chạy các ứng dụng tương tự như Ubuntu (LibreOffice, Firefox, VLC và nhiều ứng dụng cơ bản khác).
Nhưng điều đó cũng có nghĩa là Xfce rất khác với GNOME, do đó, bạn có thể không cài đặt được ứng dụng GNOME mà mình muốn, chẳng hạn như Tweak Tool. Và vì Xfce đã quá lỗi thời, việc tùy chỉnh hay can thiệp vào nó là khá khó khăn. Nếu bạn cho rằng giao diện desktop của mình cần nhiều yếu tố khác hơn bên cạnh những thứ cơ bản là dock, tùy chọn hình nền và thay đổi biểu tượng, thì Xubuntu không dành cho bạn.
Lubuntu: Phù hợp nhất cho máy tính cấu hình không cao
Lubuntu ban đầu ra mắt như một bản phân phối được thiết kế để chạy trên các hệ thống phần cứng đời cũ, chậm hơn và sở hữu thông số kỹ thuật không cao. Sau nhiều năm phát triển, đây vẫn là một trong những ưu điểm lớn nhất của bản phân phối này: Nó cần ít nhất 1GB bộ nhớ RAM (mặc dù trên thực tế không có mức tối thiểu chính thức).
Trong một vài bản cập nhật gần đây, các nhà phát triển Lubuntu đã tinh chỉnh đôi chút về cách tiếp cận của bản phân phối này: Vẫn tập trung vào các yếu tố gọn nhẹ, nhưng cũng hiện đại hơn. Do đó, việc chuyển sang máy tính để bàn LXQt, trình cài đặt Calamares được sử dụng bởi Fedora, trung tâm phần mềm KDE Muon và quyết định loại bỏ phiên bản 32-bit là những nét đổi mới được đánh giá cao.
LXQt desktop tương tự như Xfce ở chỗ nhẹ và cơ bản hơn GNOME hay Plasma, mặc dù cùng sử dụng một số mã ẩn giống như Plasma của Kubuntu. Về điều này, có lẽ sẽ là công bằng khi coi Lubuntu mới là một phiên bản Kubuntu gọn nhẹ, ít màu mè hơn, đồng thời sử dụng các ứng dụng ít tốn tài nguyên hơn, chẳng hạn như email Trojita và trình soạn thảo văn bản Featherpad. Điểm đáng chú ý là cách tiếp cận mới này vẫn đang được triển khai cũng như cải tiến. Do đó, mọi thứ sẽ còn trở nên tối ưu hơn theo thời gian.
Bạn có đang sử dụng phiên bản nào trong số trên không? Cảm nhận của bạn về chúng ra sao? Hãy chia sẻ với bạn đọc khác bằng cách bình luận bên dưới bài viết nhé.