Vấn đề pin phát nổ là hiện tượng khá hiếm, nhưng không phải không thể xảy ra. Mới đây, việc thu hồi dòng thiết bị Galaxy Note 7 trên toàn cầu đều liên quan tới việc phát nổ điện thoại, mà nguyên nhân do lỗi pin lithium-ion. Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến trường hợp phát nổ pin lithium-ion? Và làm thế nào để có thể ngăn chặn tình trạng phát nổ smartphone?
1. Nguyên nhân dẫn tới phát nổ pin lithium-ion:
Có hai nguyên nhân chính dẫn tới việc pin lithium-ion phát nổ, đó là hư hỏng pin hoặc do áp lực từ nhiệt dẫn đến phát nổ. Thứ nhất do pin bị thủng về cấu trúc, có thể là do điện thoại bị rớt, va đập quá mạnh. Đối với pin lithium-ion vốn có cấu trúc hợp thành từ các chi tiết rất mỏng, chỉ cần một vết đứt gãy ở bên trong cấu trúc của các cell pin cũng sẽ dẫn tới ngắn mạch, phù pin và cuối cùng là tăng nguy cơ nổ. Bên cạnh đó, việc sử dụng những viên pin giá rẻ, phẩm cấp thấp cũng là nguyên nhân tăng nguy cơ cháy nổ. Nguyên nhân là do bên trong có khả năng tồn tại những hạt kim loại rất nhỏ và vô tình, chúng tiếp xúc với các bộ phận khác bên trong cell pin dẫn tới chập mạch.
Trường hợp phát nổ thứ hai đó là trong quá trình sạc mà hầu hết thiết bị Note đều gặp phải. Nhiệt độ tăng lên quá cao trong thời gian dài sẽ dẫn tới hiện tượng ngắn mạch xảy ra liên tục bên trong viên pin, từ đó phá hủy cấu trúc của viên pin. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra tại nhiệt độ rất cao hoặc viên pin đó bị lỗi. Sạc quá tải cũng là một nguyên nhân, dp viên pin sẽ nhận dòng điện nhiều hơn khả năng kiểm soát của nó để giữ cho mọi thứ an toàn, từ đó nhiệt độ sẽ tăng lên và nguy cơ phát nổ xuất hiện.
Quá nhiều nhiệt trong một khu vực nào đó của viên pin có thể dẫn đến tình trạng "thoát nhiệt." Điều này xảy ra khi một khu vực nào đó của viên pin không thể hạ nhiệt đủ nhanh, dẫn đến một phản ứng phá vỡ dây chuyền, gây ra ngày càng nhiều nhiệt hơn. Nói cách khác, quá nhiệt gây ra một phản ứng làm đẩy nhanh quá trình tăng nhiệt. Cuối cùng, nó sẽ dẫn đến pin bốc cháy hoặc phát nổ.
Với pin chất lượng cao, hãng sản xuất sẽ trang bị các tính năng an toàn để đảm bảo ngăn ngừa các phản ứng nguy hiểm có thể xảy ra. Nhưng nếu pin kém chất lượng sẽ dẫn đến tình trạng cháy nổ.
2. Sạc pin cũng tạo ra nhiệt:
Xu hướng chuyển sang công nghệ sạc nhanh cũng gây những nguy hiểm quá nhiệt oin. Cách làm này đồng nghĩa với việc đưa thêm điện vào trong viên pin li-ion và hễ cứ điện vào thì luôn có sinh nhiệt. Điện vào càng nhiều thì nhiệt cũng tạo ra nhiều hơn. Mặc dù viên pin sẽ tự có khả năng nguội đi, nhưng sẽ có một phần nhiệt bị thất thoát trong quá trình chuyển đổi sạc nhanh và thoát qua mạch điện kiểm soát quá trình sạc vốn thường nằm cạnh pin. Do đó, chắc chắn rằng nhiệt ở một đầu pin sẽ cao hơn so với đầu còn lại.
Không chỉ có pin mà các vi xử lý trong smartphone cũng chính là một nguồn nhiệt. Thống kê cho thấy những bộ vi xử lý trong các smartphone ngày nay sinh ra nhiệt nhiều hơn rất nhiều so với các mẫu thiết bị cách đây 3 - 4 thế hệ. Mặc dù các bộ vi xử lý này thường không nằm gần pin nhưng nó lại góp phần tạo ra nhiều nhiệt hơn bên trong máy, từ đó khiến cho nhiệt lượng từ viên pin tỏa ra khó thoát ra hơn.
3. Làm sao để ngăn chặn tình trạng phát nổ smartphone?
Dù với Samsung Galaxy Note 7 hay bất cứ thiết bị smatphone khác, người dùng cũng nên chú ý đến một số mẹo thông thường để bảo vệ thiết bị khỏi nguy cơ cháy nổ, cũng như bảo vệ bản thân khỏi sự cố nguy hiểm này,
- Ngừng sạc nếu điện thoại trở nên quá nóng. Việc cho phép điện thoại có thời gian nguội đi, nghỉ ngơi một chút sau khi hoạt động liên tục,... rồi mới tiến hành sạc sẽ hạn chế được hiện tượng quá nóng khi đang sạc. Mặt khác, cần tháo hoàn toàn tháo thiết bị ốp điện, vật dụng làm cản trở khả năng thoát nhiệt.
- Dùng sạc bán kèm theo máy, do đảm bảo các tham số điện áp, cường độ phù hợp với điện thoại. Một số ý kiến còn cho rằng nếu sạc điện thoại bằng cáp USB-C hoặc sạc Quick Charge thì tốt nhất nên xài cả dây cáp kèm theo máy.
- Không sạc điện thoại trên giường. Đây là thói quen nguy hiểm khi cắm sạc và cầm điện thoại nằm trên giường. Việc đặt điện thoại trong chăn, gối, nệm vô tình khiến cho nhiệt độ khó tỏa ra bên ngoài hơn. Đồng thời nếu như có cháy nổ xảy ra khi bạn đang ngủ thì cũng là tình huống cực kỳ nguy hiểm.
- Nên sạc máy ở nơi mát mẻ, thoáng khí. Tránh sạc máy dưới ánh sáng Mặt Trời trực tiếp, cạnh khe thoát nhiệt của máy tính, trong xe hơi đóng kín không điều hòa vào những ngày nóng,...
Nếu phát hiện pin có hiện tượng như quá nóng, phồng pin, có mùi lạ,... ngay lập tức hãy rút sạc và tháo rơi pin nếu có thể.
Tham khảo thêm các bài sau đây:
Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn!