So sánh Saturation và Vibrance trong Photoshop Lightroom

Adobe Photoshop Lightroom là một công cụ chỉnh sửa ảnh cực kỳ mạnh mẽ và đa dụng. Một trong những yếu tố làm nên sự toàn diện của công cụ này là sự đa dạng trong hệ thống các tùy chọn chỉnh sửa, được thể hiện dưới dạng những thanh trượt tiện dụng, giúp người dùng dễ dàng thao tác, căn chỉnh.

Tuy nhiên, cũng chính bởi sự phong phú này mà đôi khi những người mới làm quen với Photoshop Lightroom không tránh khỏi những tình huống bối rối khi gặp phải các tùy chọn chỉnh sửa tưởng chừng như có cùng một mục đích. Chẳng hạn như trường hợp của Saturation (độ bão hòa) và Vibrance (độ động).

Về cơ bản, mỗi màu sắc đều sở hữu một giá trị độ bão hòa, là giá trị được sử dụng để ước tính độ đậm nhạt của màu sắc đó. Ví dụ, màu đỏ đậm được cho là bão hòa hơn màu đỏ nhạt. Trong Photoshop Lightroom, cả thanh trượt Saturation và thanh trượt Vibrance đều hướng tới mục đích điều chỉnh độ bão hòa của màu sắc trong hình ảnh của bạn.

Hai màu đỏ bên trái bão hòa hơn hai màu đỏ bên phải.
Hai màu đỏ bên trái bão hòa hơn hai màu đỏ bên phải.

Khi bạn tăng các giá trị này lên, màu sắc của bức ảnh sẽ càng tươi sáng, rực rỡ, và thậm chí trở nên “chói mắt” hơn. Ngược lại, việc giảm các giá trị Saturation và Vibrance sẽ khiến cho bức ảnh nhợt nhạt đi. Khi giá trị giảm xuống 0, màu sẽ trở về sắc độ xám

Tuy nhiên, chúng làm điều này theo những cách hoàn toàn khác nhau.

Tác dụng của Saturation

Từ trái sang phải: Hình ảnh gốc, Saturation +50, Saturation +100, Saturation -50, và Saturation -100. Hãy chú ý màu cam của ba lô thay đổi như thế nào
Từ trái sang phải: Hình ảnh gốc, Saturation +50, Saturation +100, Saturation -50, và Saturation -100. Hãy chú ý màu cam của ba lô thay đổi như thế nào

Trong Photoshop Lightroom, thanh trượt Saturation sẽ điều chỉnh độ bão hòa của mọi màu trong hình ảnh của bạn theo cách chính xác nhất có thể. Bạn chỉ cần kéo thanh trượt sang phải để tăng độ bão hòa tổng thể của hình ảnh và kéo sang trái để giảm độ bão hòa này.

Saturation ảnh hưởng đến độ bão hòa của hình ảnh theo cách khá đồng bộ và có thể khiến mọi thứ trở nên thiếu trung thực hơn nếu bạn không căn chỉnh thật khéo.

Khi bạn điều chỉnh giá trị Saturation, hệ thống cũng sẽ tăng hoặc giảm cường độ của tất cả các màu trên hình. Do vậy, nếu màu nào đó trên hình đã đạt ngưỡng bão hòa mà bạn vẫn tiếp tục tăng giá trị Saturation của bức ảnh, phạm vi màu đó trên hình sẽ vượt ngưỡng bão hòa và bị “gắt” quá mức, dẫn đến quá đậm, mất chi tiết.

Tác dụng của Vibrance

Từ trái sang phải: Hình ảnh gốc, Vibrance +50, Vibrance +100, Vibrance -50, và Vibrance -100. Một lần nữa, hãy xem màu cam của ba lô thay đổi như thế nào
Từ trái sang phải: Hình ảnh gốc, Vibrance +50, Vibrance +100, Vibrance -50, và Vibrance -100. Một lần nữa, hãy xem màu cam của ba lô thay đổi như thế nào

Vibrance là một phiên bản “tinh tế” hơn của Saturation. Nó điều chỉnh độ bão hòa của từng màu sắc trong hình ảnh của bạn theo cách chi tiết và có chọn lọc.

Chẳng hạn khi bạn tăng giá trị Vibrance, những màu sắc vốn đã đạt ngưỡng bão hòa trong ảnh sẽ gần như được giữ nguyên. Thay vào đó, Vibrance sẽ chỉ tác động đến những màu sắc ít bão hòa hơn. Điều này giúp ta giữ được các chi tiết trên hình tốt hơn, tránh hiện tượng một dải màu bị vượt ngưỡng bão hòa, mất nét.

Nên sử dụng Saturation hay Vibrance

Từ trái sang phải: Hình ảnh gốc, Vibrance +50, và Saturation +50. Đối với bức ảnh này, mức điều chỉnh Vibrance +50 rõ ràng là điểm nhấn chính. Nó làm cho cỏ nhìn sống động hơn mà không khiến chiếc ba lô màu cam trông quá rực rỡ
Từ trái sang phải: Hình ảnh gốc, Vibrance +50, và Saturation +50. Đối với bức ảnh này, mức điều chỉnh Vibrance +50 rõ ràng là điểm nhấn chính. Nó làm cho cỏ nhìn sống động hơn mà không khiến chiếc ba lô màu cam trông quá rực rỡ

Cả Saturation và Vibrance đều giữ những vị trí quan trọng riêng trong quy trình chỉnh sửa ảnh.

Saturation tốt nhất nên được sử dụng một cách cẩn thận để tăng thêm điểm nhấn cho toàn bộ hình ảnh của bạn. Ví dụ: nếu bạn chụp một số ảnh vào một ngày trời xám xịt, âm u, nhiều mây, sử dụng Saturation có thể giúp toàn bộ bức ảnh của bạn trở nên tươi tắn, “có sức sống” hơn.

Trong khi đó, Vibrance lại cho khả năng sử dụng “an toàn” hơn một chút cho phép bạn can thiệp vào từng dải màu nhất định trong ảnh. Chẳng hạn, Vibrance là một lựa chọn hợp lý khi bạn muốn tăng cường độ tươi tắn của màu sắc trong hình ảnh mà không làm cho toàn bộ bức ảnh trông quá sặc sỡ hoặc thiếu trung thực.

Nhìn chung, Saturation và Vibrance có thể — và nên — được sử dụng cùng nhau. Một phương pháp phổ biến là sử dụng thanh trượt Saturation để giảm độ bão hòa trong hình ảnh và sau đó dùng thanh trượt Vibrance để thêm độ rực rỡ trở lại có các vùng màu đã hơi chuyển xám.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng Saturation và Vibrance với các công cụ điều chỉnh cục bộ khác của Lightroom để nhắm mục tiêu đến các khu vực cụ thể trong hình ảnh. Sẽ rất hữu ích nếu bạn muốn giảm độ bão hòa của một khu vực màu nào đó đang bị rực rỡ quá mức trong nền.

Thứ Ba, 06/04/2021 21:46
31 👨 1.058
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Adobe Photoshop