Nếu muốn đặt Airbnb, nhận một số thực phẩm được giao đến nhà, thanh toán hóa đơn, trò chuyện với bạn bè và yêu cầu một nhân viên mát xa cá nhân đến căn hộ, bạn sẽ cần bao nhiêu ứng dụng? Nếu bạn sống ở một thành phố châu Á có quy mô lớn, khả năng là bạn sẽ chỉ cần một “siêu ứng dụng” để thực hiện tất cả những việc này.
Mặc dù hầu hết chưa lan ra khỏi châu Á, nhưng các ứng dụng như WeChat, Alipay, Grab, Go-Jek, Paytm, Kakao và Line đang trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống ở nhiều nơi. Hầu hết những ứng dụng này bắt đầu với một vài chức năng, như trò chuyện với bạn bè, thanh toán hoặc gọi xe, nhưng về cơ bản đã biến thành hệ điều hành thu nhỏ cho cuộc sống.
Mô hình siêu ứng dụng có nghĩa là một cách dễ dàng để truy cập vào nhiều dịch vụ khác nhau, tiết kiệm không gian điện thoại và khiến người dùng không phải tìm kiếm nhiều ứng dụng khác nhau. Tuy nhiên, cũng có những nhược điểm đáng lưu ý, đặc biệt là khi nói đến quyền riêng tư và việc cạnh tranh.
Xu hướng này cũng đang bắt đầu ở Mỹ Latinh - 1 trong những nền văn hóa di động đầu tiên trên thế giới. Các công ty ở Bắc Mỹ và Châu Âu như Facebook, Uber và Amazon đang chú ý đến khả năng trở thành siêu ứng dụng trong khu vực. Nhưng với rất nhiều dịch vụ trong siêu ứng dụng đã bị thống trị bởi các công ty riêng lẻ, rất khó để những gã khổng lồ công nghệ này đạt được điều mà WeChat đã thực hiện.
“Siêu sao” trong thế giới siêu ứng dụng
Không còn nghi ngờ gì nữa, “ông vua” trong thế giới siêu ứng dụng hiện tại là WeChat của Tencent - một ứng dụng mà hơn 2/3 dân số Trung Quốc sử dụng, nhiều người trong số họ trung bình dành vài giờ mỗi ngày. WeChat và ứng dụng đối thủ của nó, Alipay, thường được sử dụng để thanh toán di động, nên việc thanh toán mọi thứ bằng tiền mặt hoặc thẻ thực sự đang trở thành một thách thức.
Nhắn tin, mạng xã hội, tin tức, thanh toán điện tử, bán vé, gọi xe, chơi game, dịch vụ tài chính, giao đồ ăn, vé xem phim, khách sạn, chuyến bay, hẹn lịch khám tại bệnh viện, chải lông cho chó - danh sách những điều bạn có thể làm với WeChat và/hoặc Alipay là vô hạn. Bạn thậm chí có thể tạo các game và ứng dụng tồn tại trong WeChat, cũng như tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có của ứng dụng này cho những thứ như nhắn tin và thanh toán.
Một số nhược điểm lớn nhất của siêu ứng dụng cũng được thể hiện rõ ở đây. Quy mô tuyệt vời của WeChat và Alipay đang ngăn chặn sự cạnh tranh một cách hiệu quả, vì bất kỳ ai muốn mang đến một dịch vụ mới cho người dùng thường thực hiện điều đó thông qua một trong những ứng dụng này. Quyền riêng tư cũng là một mối quan tâm lớn, vì càng nhiều điều người dùng có thể làm trong một ứng dụng, thì ứng dụng đó càng có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về họ.
Khá nhiều siêu ứng dụng khác là phiên bản “gọn nhẹ” của WeChat. Chúng tổng hợp các dịch vụ theo cùng một cách, nhưng bạn sẽ không mở một dịch vụ cho đến khi đến giờ đặt thức ăn hoặc đi xe. Chúng rất tiện dụng, nhưng hầu hết người dùng sẽ không coi trọng chúng như điện hay Internet. Tuy nhiên, những siêu ứng dụng vẫn làm được rất nhiều thứ. Sau đây là một số ví dụ điển hình:
- Go-Jek (Indonesia và Đông Nam Á): Hơn 20 dịch vụ khác nhau, từ thanh toán di động đến đặt trị liệu viên massage.
- Grab (Singapore và Đông Nam Á): Một trong những công ty khởi nghiệp thành công nhất ở Đông Nam Á, bắt đầu với việc gọi xe và hiện được sử dụng để thanh toán điện tử, giao đồ ăn, cũng như một số tính năng khác.
- Paytm (Ấn Độ): Được hỗ trợ bởi Alibaba (của Alipay), Paytm cung cấp chức năng thanh toán điện tử, dịch vụ tài chính, thuê xe, mua sắm và rất nhiều dịch vụ khác cho dân Ấn Độ.
- Rappi (Colombia và Mỹ Latinh): Khởi đầu là một ứng dụng kết nối người dùng với các dịch vụ chuyển phát có thể nhận và cung cấp khá nhiều thứ, nhưng nó đang chuyển sang các lĩnh vực như thanh toán điện tử, chia sẻ xe tay ga và dịch vụ tài chính.
Siêu ứng dụng có giống như một cửa hàng ứng dụng không?
Hiện tại, Châu Âu, Châu Úc, Châu Phi, Hoa Kỳ và Canada không có bất kỳ thứ gì có thể được gọi là “siêu ứng dụng”. Đặc biệt ở Hoa Kỳ, đây là kết quả của việc hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số phát triển dần dần. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang ở trong một tình huống tương tự.
Mặc dù Line và Kakao là những siêu ứng dụng, nhưng sự phát triển dần dần của các dịch vụ kỹ thuật số đồng nghĩa với việc hạn chế cơ hội cho bất kỳ công ty nào tham gia và chiếm lĩnh phần lớn trong nhiều thị trường.
Tất nhiên, mọi công ty vẫn muốn trở thành siêu ứng dụng và đang cố gắng để thực hiện điều đó. David Marcus, người lãnh đạo Facebook Messenger, đã mô tả WeChat là nguồn truyền cảm hứng cho thế giới trong quá khứ và nếu đã theo dõi ứng dụng trong vài năm qua, bạn sẽ nhận thấy một số sự phát triển song song. Động thái của hãng này đối với các khoản thanh toán bằng Libra là một bước tiến đặc biệt lớn theo hướng “siêu ứng dụng”.
Uber cũng đã tuyên bố ý định trở thành một “hệ điều hành cho cuộc sống hàng ngày”. Hãng này đã bắt đầu bằng cách kết hợp Uber và Uber Eats vào một ứng dụng và mở rộng các tùy chọn giao thông bạn có thể tìm thấy. Hiện tại, Uber thậm chí còn có một công ty vận tải hàng hóa mang tên Uber Freight.
Tiếp theo là Amazon, đang theo đuổi mục tiêu trở thành siêu ứng dụng ở Ấn Độ, nơi hãng này cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử, đặt chuyến bay, thuê xe, giao đồ ăn, v.v... trực tiếp hoặc thông qua các công ty đã mua.
Bạn có muốn hoặc cần một siêu ứng dụng không?
Không thể phủ nhận các siêu ứng dụng rất tiện lợi và làm cho cuộc sống đơn giản hơn một chút, nhưng việc kết hợp các dịch vụ đó lại với nhau dưới quyền kiểm soát của một công ty có thể không phải là ý tưởng tốt nhất cho hệ sinh thái kỹ thuật số, xét về lâu dài. Cạnh tranh giúp thúc đẩy sự đổi mới và ngăn cản việc bất kỳ một công ty nào nắm trong tay quá nhiều quyền lực.
Rất có thể là sẽ có một số hệ sinh thái khác nhau mang những đặc điểm của siêu ứng dụng. Messenger và Uber có thể không trở thành WeChat và Grab của nước Mỹ, nhưng những ứng dụng này có thể sẽ thêm một số tính năng hữu ích trong nỗ lực để đạt được điều đó.