Tấm nền OLED evo là gì? Có gì khác biệt so với OLED?

Nếu gần đây bạn đang tìm hiểu để chọn mua một chiếc TV OLED mới, rất có thể bạn đã bắt gặp một thuật ngữ tiếp thị có tên “OLED evo”. Cùng với đó là lời hứa hẹn về những sự cải tiến so với công nghệ OLED truyền thống từ nhà sản xuất. Vậy OLED evo là gì? Có gì khác biệt so với OLED thường?

Công nghệ màn hình OLED thế hệ mới

“OLED evo” trên thực tế là một thuật ngữ do LG giới thiệu, và được hãng áp dụng cho một loại tấm nền OLED mới do mình tự phát triển. Đây về cơ bản vẫn là một tấm nền OLED, nhưng đã được cải tiến đáng kể về khả năng hiển thị và đặc biệt là ở độ sáng. LG cho biết độ sáng tối đa trên tấm nền OLED evo có thể cao hơn 20% so với màn hình OLED truyền thống, từ đó hỗ trợ khả năng hiển thị tốt hơn trong các môi trường ánh sáng mạnh, chẳng hạn như gần cửa sổ, bóng đèn…

Độ sáng cao hơn cũng sẽ đặc biệt hữu ích trong việc nâng cao trải nghiệm HDR bằng cách làm nổi bật các điểm sáng nhỏ. Hơn nữa, các tấm nền OLED nói chung, với tính chất tự phát xạ của mình, có thể tạo ra màu đen hoàn hảo. Vì vậy, với màu đen hoàn hảo và các điểm nổi bật được cải thiện, tấm nền OLED evo sẽ có thể mang đến trải nghiệm HDR tối ưu hơn nhiều so với OLED thường.

OLED evo

Tìm kiếm sự cân bằng hợp lý

Không có gì bí mật khi tấm nền OLED về bản chất có độ sáng thấp hơn tấm nền LED truyền thống. Mặc dù các nhà sản xuất OLED có thể chỉ cần tăng lượng dòng điện đi qua vật liệu phát sáng để tăng độ sáng tổng thể của tấm nền, nhưng làm như vậy sẽ khiến vật liệu OLED nhanh chóng xuống cấp và giảm đáng kể tuổi thọ của tấm nền. LG Display đã tìm ra giải pháp thông minh hơn với công nghệ OLED evo mới.

Theo đó, mức cải thiện trong độ sáng của các tấm nền LG OLED evo có thể đạt được bằng cách thực hiện hai thay đổi quan trọng.

  • Đầu tiên, LG đã chuyển từ vật liệu OLED xanh lam dựa trên hydro sang vật liệu OLED xanh lam dựa trên deuterium. Khối lượng nguyên tử cao hơn của deuterium làm cho vật liệu OLED màu xanh lam ít bị thoái hóa hơn, qua đó giúp tăng tuổi thọ tổng thể của tấm nền. Trong số tất cả các lớp phát màu (EML) có trong tấm nền OLED, vật liệu phát ra ánh sáng xanh lam bị suy giảm nhanh nhất do bản chất vốn có của ánh sáng xanh lam tần số cao. Để chống lại điều này, các tấm nền OLED đã sử dụng hai EML ánh sáng xanh thay vì chỉ một như các màu khác. Giờ đây, nhờ vào việc tăng tuổi thọ của vật liệu OLED xanh lam dựa trên deuterium, LG có thể truyền điện áp cao hơn qua nó và tăng độ sáng mà không phải lo lắng quá nhiều về sự xuống cấp nhanh chóng của tấm nền.
  • Thay đổi thứ hai liên quan đến một EML màu xanh lục bổ sung. Các tấm nền OLED cơ bản của LG Display thường sở hữu 2 EML màu xanh lam, 1 EML màu đỏ và 1 EML màu vàng/xanh lục. EML màu xanh lục bổ sung sẽ không chỉ hóp phần tăng độ sáng của tấm nền, mà còn cải thiện gam màu.

Với hai thay đổi này, LG đã có thể cung cấp mức độ sáng cao hơn trên tấm nền OLED evo mà không làm giảm tuổi thọ của nó. Tuy nhiên, OLED evo hiện tại về cơ bản vẫn còn lâu nữa mới đạt đến mức độ sáng tối đa của màn hình LCD có đèn nền LED.

OLED và OLED evo

Trong khi OLED đề cập đến một loại công nghệ màn hình hoàn chỉnh, bao gồm vật liệu hữu cơ để tạo ra ánh sáng và tự phát xạ, thì OLED evo là một thuật ngữ tiếp thị do LG đặt ra để làm nổi bật loại tấm nền OLED mới được sử dụng trong một số dòng TV của hãng.

Nhìn chung, thuật ngữ OLED evo có thể giúp bạn phân biệt giữa các TV OLED của LG, nhưng nó chẳng có ích gì trong việc xác định xem TV LG OLED evo có tốt hơn TV OLED từ một thương hiệu khác hay không. Panasonic và Sony cũng có thể sử dụng cùng một tấm nền OLED nâng cao từ LG Display, và có thể đạt được mức độ sáng cao tương tự.

Tóm lại, những cải tiến cơ bản được sử dụng trong tấm nền OLED evo là một bước đi đúng hướng. Mặc dù tấm nền OLED từ lâu đã được ưa chuộng vì chất lượng hình ảnh tuyệt vời, tỷ lệ tương phản và góc nhìn gần như vô hạn, nhưng chúng lại bị lép vế về độ sáng. Do đó, những cộng giúp cải thiện độ sáng sẽ là mảnh ghép cuối cùng để giúp công nghệ OLED trở nên hoàn hảo.

Chủ Nhật, 28/11/2021 21:00
51 👨 536
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản