Màn hình Super AMOLED là gì?

Dù có quan tâm đến lĩnh vực công nghệ hay không, bạn chắc hẳn đã từng không ít lần nhìn hoặc nghe thấy thuật ngữ màn hình “Super AMOLED” được sử dụng trong các tài liệu, video quảng cáo điện thoại thông minh trong những năm gần đây, đặc biệt là đối với các sản phẩm của Samsung. Công nghệ màn hình này cũng đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Vậy chính xác thì AMOLED đại diện cho điều gì? Và đâu là sự khác biệt giữa công nghệ này với các màn hình OLED cũ thông thường?

Các loại màn hình OLED khác nhau

OLED là viết tắt của cụm từ “organic light-emitting diode” (điốt phát sáng hữu cơ), một loại màn hình xuất hiện lần đầu tiên vào cuối những năm 1980. Đúng như tên gọi, tấm nền OLED có khả năng tự phát xạ, có nghĩa là chúng tự tạo ra ánh sáng và không đến cần đèn nền.

AMOLED có thể được coi là một biến thể của công nghệ OLED. “AM” trong AMOLED là viết tắt của “active matrix” (ma trận hoạt động). Khác với PMOLED “ma trận thụ động” (“passive matrix” OLED) kém hiệu quả hơn và cần phải có mạch điện bên ngoài để điều khiển từng pixel trên màn hình. Ở nơi những dải cực dương và cực âm giao nhau trên màn hình AMOLED, các điểm ảnh (pixel) có thể bật và tắt theo yêu cầu.

Màn hình AMOLED hoạt động kết hợp một lớp bóng bán dẫn màng mỏng (TFT) thay cho các dải cực dương, giúp tạo ra một cơ chế xác định vị trí pixel hiệu quả hơn. Vì cần ít mạch bên ngoài hơn nhờ lớp TFT, nên tấm nền AMOLED về cơ bản sẽ tiêu thụ ít năng lượng (điện năng( hơn so với các tấm nền OLED thông thường.

Tấm nền AMOLED phù hợp hơn với các thiết bị cần không gian hiển thị lớn như TV và màn hình chuyên dụng. Tấm nền PMOLED dễ sản xuất hơn nhưng phù hợp hơn với các không gian hiển thị nhỏ, có kích thước chỉ vài inch. Ngoài ra các tấm nền AMOLED nhanh hơn, cho phép chúng hỗ trợ tốc độ làm mới cao hơn và đạt được thời gian phản hồi điểm ảnh tốt hơn.

Yếu điểm lớn nhất và cũng được cho là duy nhất của màn hình AMOLED chính là khó nhìn khi sử dụng gần nguồn sáng lớn hoặc trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời. Để giải quyết vấn đề, Samsung phát triển thứ gọi là “màn hình Super AMOLED”.

Super AMOLED - chiến dịch tiếp thị hiệu quả của Samsung

Super AMOLED là một công nghệ được Samsung phát triển nhằm khắc phục các nhược điểm trên AMOLED thông thường và trang bị trên các sản phẩm mang thương hiệu của công ty. Theo quan điểm của nhà sản xuất Hàn Quốc, “Super AMOLED là màn hình AMOLED có chức năng cảm ứng tích hợp”, có nghĩa là bộ số hóa (chuyển đổi cảm ứng thành dữ liệu đầu vào) được hợp nhất vào tấm nền, Nói cách khác, tất cả sẽ được tích hợp thành 1 tấm kính cảm ứng duy nhất được gọi là "in-cell". Điều này giúp cho màn hình trở nên mỏng hơn so với việc có thêm một lớp số hóa.

Super AMOLED

Bên cạnh đó, so với AMOLED thường, tấm nền Super AMOLED có thể giảm độ phản xạ ánh sáng mặt trời đến 80%, sáng hơn 20% và tiết kiệm 20% năng lượng. Samsung cũng tuyên bố rằng công nghệ màn hình này có thể cho tỷ lệ tương phản 100.000:1, dẫn đến khả năng tái tạo màu sắc rực rỡ, nịnh mắt hơn so với các loại màn hình dựa trên công nghệ cũ.

Tuy vậy, công nghệ nào cũng tồn tại những nhược điểm và Super AMOLED cũng không phải ngoại lệ. Khả năng hiển thị màu sắc quá rực rỡ khiến hình ảnh trên màn hình Super AMOLED đôi khi mất đi sự chân thực. Ngoài ra, chi phí sản xuất loại tấm nền này là khá cao, do đó vẫn chưa được sử dụng phổ biến trên các sản phẩm công nghệ giá rẻ.

Super AMOLED khác gì so với AMOLED?

AMOLED giống với Super AMOLED không chỉ về tên gọi mà còn về chức năng. Trên thực tế, Super-AMOLED giống hệt AMOLED về mọi mặt, ngoại trừ một điểm, nhưng đó chính là điều tạo nên sự khác biệt.

Hai công nghệ này giống nhau ở chỗ các thiết bị sử dụng chúng có thể kết hợp cảm biến ánh sáng và cảm ứng để có thể đọc và thao tác trên màn hình. Tuy nhiên, lớp phát hiện cảm ứng (lớp số hóa hoặc lớp màn hình cảm ứng điện dung) được nhúng trực tiếp vào màn hình trong màn hình Super AMOLED, trong khi đó là một lớp hoàn toàn riêng biệt phía trên màn hình trong AMOLED.

Đây có vẻ không phải là sự khác biệt lớn nhưng màn hình Super AMOLED mang lại nhiều lợi ích so với màn hình AMOLED do cách các lớp này được thiết kế:

  • Thiết bị có thể mỏng hơn vì công nghệ hiển thị và cảm ứng nằm trên cùng một lớp.
  • Độ tương phản cao hơn, cộng với việc không có khe hở không khí giữa bộ số hóa và màn hình thực, mang lại màn hình sắc nét hơn, sống động hơn.
  • Cần cung cấp ít năng lượng hơn cho màn hình Super-AMOLED vì nó không tạo ra nhiều nhiệt như các công nghệ màn hình cũ. Điều này một phần là do các pixel thực sự bị tắt và do đó không phát ra ánh sáng/sử dụng năng lượng khi hiển thị màu đen.
  • Màn hình nhạy hơn khi chạm vào.
  • Độ phản chiếu ánh sáng giảm do không có nhiều lớp, giúp việc đọc ngoài trời dưới ánh sáng mạnh dễ dàng hơn.
  • Tốc độ refresh cao hơn giúp tăng tốc thời gian phản hồi.

Tuy nhiên, việc sản xuất công nghệ đằng sau màn hình Super-AMOLED đắt hơn. Giống như hầu hết công nghệ, điều này có thể sẽ thay đổi khi ngày càng nhiều nhà sản xuất kết hợp AMOLED vào TV, điện thoại thông minh và các thiết bị khác của họ.

Dưới đây là một số nhược điểm khác của công nghệ AMOLED:

  • Các vật liệu hữu cơ sẽ không tồn tại mãi, do đó màn hình AMOLED xuống cấp nhanh hơn đèn LED và LCD. Tệ hơn nữa, các vật liệu được sử dụng để tạo ra các màu riêng lẻ có tuổi thọ khác nhau, gây ra sự khác biệt đáng chú ý về tính đồng nhất tổng thể khi màu nhạt dần (ví dụ, màng OLED màu xanh lam không tồn tại lâu bằng màu đỏ hoặc xanh lục).
  • Hiện tượng cháy màn hình (burn-in) là một rủi ro với AMOLED do việc sử dụng các pixel không đồng đều. Hiệu ứng này càng phức tạp hơn khi màu xanh lam nhạt dần và để lại các màu đỏ và xanh lục thay thế theo thời gian. Tuy nhiên, sự cố này không ảnh hưởng đến màn hình có số lượng pixel trên inch cao.
Thứ Tư, 13/03/2024 17:27
52 👨 474
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Kiến thức cơ bản