Ivy Bridge chủ yếu nâng cấp về khả năng xử lý đồ họa của chip tích hợp, công nghệ sản xuất 22 nm trong khi vẫn giữ kiến trúc giống Sandy Bridge.
Nếu so về thời điểm xuất hiện hàng năm thì Ivy Bridge chậm hơn so với "người anh em" của mình là Sandy Bridge. Chip Core i thế hệ 2 có mặt ngay tại triển CES tháng 1/2011 trong khi dòng chip thế hệ 3 phải tới tháng 4/2012 và bán ra sau hơn 2 tháng
Hiện các mẫu laptop tích hợp thế hệ vi xử lý Intel Core i thứ 3 đã bắt đầu "cập bến" thị trường Việt Nam từ khoảng giữa tháng 6 vừa qua nhưng không vì thế mà dòng chip Sandy Bridge ngay lập tức biến mất. Đây vẫn là sự lựa chọn hợp lý ở một vài phân khúc cũng như nhu cầu của người tiêu dùng. Để có những quyết định phù hợp người dùng cần hiểu rõ được những nâng cấp cũng như thay đổi giữa các máy tính sử dụng hai dòng chip mới.
Dưới đây là một số điểm đáng lưu ý khi chọn lựa giữa hai dòng máy này.
Ivy Bridge là "tick", Sandy Bridge là "tock".
Intel luôn nói đến cụm từ "tick-tock" trong quá trình nâng cấp vi xử lý của mình hàng năm liên tục. Có thể hiểu đơn giản là "tick" chỉ một năm với quá trình nâng cấp thông thường trong khi "tock" ám chỉ sự nâng cấp lớn và toàn diện hơn. Trong trường hợp này thì "tick" gắn liền với Ivy Bridge còn "tock" là dành cho Sandy Bridge.
Ivy Bridge không phải là bản nâng cấp lớn so với thế hệ trước như Sandy Bridge.
Về cơ bản, Ivy Bridge nâng cấp về tiến trình xử lý nhưng vẫn giữ kiến trúc so với thế hệ trước. Mặc dù vậy, những nâng cấp về khả năng xử lý đồ họa đã khiến Intel gọi đây là một bước tick+ để nhấn mạnh sự thay đổi. Dòng chip Core i thế hệ 3 cũng sử dụng tiến trình sản xuất 22 nm so với 32 nm của Sandy Bridge giúp tiêu thụ ít điện năng hơn trên lý thuyết.
Ivy Bridge xử lý nhanh hơn, nhưng chỉ một chút.
Các thử nghiệm thực tế đã cho thấy sự cải thiện về hiệu năng giữa hai dòng chip này về tốc độ xử lý là không nhiều. Theo PCMag, thử nghiệm render trên CineBench R11.5 với chip Intel Core i7-3770K Ivy Bridge là 1,65 trong khi Core i7-2700K (Sandy Bridge nhanh nhất) là 1,58 điểm. Điểm thành phần về vi xử lý của PCMark7 là 3.679 và 3.867 và thời gian trong Photoshop CS5 là 2 phút 47 giây so với 2 phút 50 giây.
Các công bố trước đó của Intel cũng chỉ ra rằng dòng chip mới nhanh hơn thế hệ trước từ 4 đến 6%.
Chip Ivy Bridge tiêu tốn ít điện năng hơn.
Với tiền trình sản xuất 22 nm, nhỏ hơn 32 nm, Ivy Bridge được dự đoán sẽ tiêu tốn ít điện năng so với người tiền nhiệm. Điều này đã đúng với các thử nghiệm của PCMag. Với hai model chip Core i7-2700Kvà the Core i7-3770K như trên và sử dụng chương trình Extech Datalogger để đo năng lượng tiêu thụ. Khi hệ thống hầu hết đều ở tráng thái "nghỉ" với mức tiêu thụ khoảng 71 watt, thì vi xử lý Core i7-2700K (Sandy Bridge) tiêu tốn năng lượng là 166,5 watt và Core i7-3700K là 136,3 wattt. Mức ít hơn là khá đáng kể.
Tuy nhiên, điều này có vẻ như chưa thực sự cho thấy rõ trên thời gian sử dụng laptop chung. Trong một số thử nghiệm với laptop Ivy Bridge phổ thông mới gần đây (từ 14 đến 20 triệu đồng) thì thời gian sử dụng pin vẫn vào khoảng hơn 3 tiếng, tương đương với các model sử dụng chip cũ.
Ivy Bridge hỗ trợ đồ họa tốt hơn hẳn nhưng vẫn không đủ để chơi game 'khủng'.
Ivy Bridge cải thiện nhiều về chip đồ họa tích hợp.
Sự thay đổi đáng kể nhất trên Ivy Bridge đó là khả năng xử lý đồ họa của chip tích hợp Intel HD Graphics 4000. Cùng được xây dựng dựa trên tiến trình 22 nm và hỗ trợ độ phân giải tối đa 4K cũng như hỗ trợ 3 màn hình thay vì chỉ 2 màn hình như trước đây. Xét về mặt tổng thể, GPU của Ivy Bridge nhanh hơn của Sandy lên đến 60% trong khi kết hợp xử lý hiệu ứng đổ bóng thử nghiệm thực tế thì hệ thống mới có thể mạnh hơn tới hơn 30 lần.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy nếu muốn chơi các game 3D đồ họa mạnh như Max Payne 3, Batman: Arkham City, The Elder Scrolls V: Skyrim thì người dùng sẽ vẫn cần đến một card đồ họa rời từ AMD và Nvidia. Chính vì vậy, nếu là một game thủ, bạn thực sự nên cân nhắc trong một tầm tiền để chọn card đồ họa mạnh hơn do thời điểm này các cấu hình mạnh với chip Ivy thường khá đắt.
Cần tối thiểu 14 triệu đồng để nghĩ đến laptop Ivy Bridge hiện tại.
Laptop Ivy Bridge hiện tại đều có giá tối thiểu 14 triệu đồng.
Trong loạt laptop đầu tiên ra mắt từ tháng 6 này và có thể tới 2-3 tháng nữa, sẽ chưa có sự xuất hiện của dòng Core i3 nền tảng Ivy Bridge và tất cả các mẫu laptop mới ra thị trường Việt Nam hiện tại đều có giá trên 14 triệu đồng (sử dụng chip Core i5 hoặc Core i7). Chính vì vậy, với những người dùng phổ thông không thực sự có nhu cầu cao hoặc người dùng học sinh sinh viên thì các model laptop Ivy Bridge không thực sự phù hợp.
Ivy Bridge mới ra không quá đắt, Sandy Bridge đã rẻ nhiều.
Nhiều người dùng Việt Nam có tâm lý lo lắng khi một sản phẩm mới ra sẽ đắt và chờ đợi khi rẻ hơn mới quyết định mua. Điều này không thực sự đúng với chip Ivy Bridge mới. Lộ trình giảm giá sản phẩm luôn có trong từ điển của các nhà sản xuất nhưng nếu để ý mức giá trung bình khoảng 14 đến 16 triệu đồng là không cao so với dòng chip tương đương Core i5 hoặc i7 của Sandy Bridge cách đây chỉ khoảng nửa năm. Chính vì vậy, nếu thực sự có nhu cầu, đam mê công nghệ hay có khoản chi cho việc mua laptop lớn thì việc chọn Ivy Bridge lại rất hợp lý.
Trong khi đó, laptop Sandy Bridge bắt đầu lùi dần về phân khúc giá rẻ. Các model sử dụng chip này thậm chí có kèm cả card đồ họa rời khá mạnh cũng chỉ nằm trong khoảng giá khoảng 11 đến 12 triệu đồng.