Khẳng định của Microsoft dựa trên một báo cáo của NSS Labs, trong đó họ thử nghiệm 304 mẫu SEM (Socially Engineered Malware - loại mã độc dùng thủ thuật để "nhử" nạn nhân). Kết quả là SmartScreen, tính năng bảo mật trên Edge chặn 99% mẫu SEM, trong khi các con số này ở Chrome và Firefox là 85,8% và 78,3%.
SmartScreen chỉ là một phần trong bức tranh lớn
SmartScreen lần đầu được Mircosoft giới thiệu trên Internet Explorer 7, như một phương thức lọc trang web giả mạo "Phishing Filter", và không ngừng được cải thiện sau mỗi lần ra phiên bản mới. Tính năng này giúp kiểm tra đối chiếu với danh sách các trang web và ứng dụng không an toàn. Dù rất hữu ích, đây cũng chỉ là một phần trong các phương thức bảo vệ của trình duyệt. Người dùng vẫn sử dụng cùng các phần mềm diệt virus thường có tính năng chặn website như hình dưới đây.
Đúng là Edge có khả năng chặn SEM nhiều hơn 21% so với các trình duyệt khác nhưng điều đó không có nghĩa 21% này giúp duyệt web an toàn hơn và vẫn còn rất nhiều cách khác để bảo đảm an toàn khi dùng trình duyệt.
Các tính năng bảo mật quan trọng khác
Sandbox
Microsoft Edge và Google Chrome đều áp dụng công nghệ sandbox. Công nghệ này chia từng thành tố của trình duyệt (như tab, cửa sổ, plugin) thành từng quy trình riêng biệt. Các quy trình này không tương tác với nhau hay với các quy trình bên ngoài khác, khiến cho các đoạn mã độc khó xâm nhập. Việc chia trình duyệt thành nhiều quy trình có thể cải thiện tốc độ hoạt động của máy tính nhờ vào các vi xử lý đa lõi, dù sẽ phải hy sinh việc sử dụng RAM tốn hơn.
Firefox ra đời vào năm 2004, thời điểm mà khái niệm sandbox còn khá mới. Hiện tại, trình duyệt này chỉ thực hiện sandbox với các plugin media nhưng Mozilla cũng đang triển khai Electrolysis, một dự án giúp Firefox hoạt động đa tiến trình (multi-process). Trong khi Internet Explorer giới thiệu sandbox từ phiên bản 10, Firefox phải lo tới việc duy trì sự tương thích trong gần 13 năm, đó là lý do quá trình thay đổi diễn ra chậm hơn. Nhìn chung thì khi nói tới sandbox, Edge hẳn nhiên có lợi thế hơn so với Firefox nhưng cũng chỉ ngang bằng như Chrome.
Tự động cập nhật
Bạn có bao giờ thắc mắc vì sao trình duyệt lại thường xuyên cập nhật như vậy? Các nhà phát triển thường xuyên thêm các bản vá (patch) để sửa những lỗi liên quan tới bảo mật. Tự động cập nhật giúp đảm bảo an toàn cho những người đang dùng phiên bản trình duyệt mới nhất.
Chrome cài đặt nhanh chóng và "âm thầm" cập nhật khi người dùng đóng trình duyệt. Firefox cũng giới thiệu tính năng tương tự từ năm 2012. Edge cũng tự động cập nhật nhưng thông qua Windows Update. (Đây chính là lý do vì sao bạn không nên tắt tính năng Windows Update). Tuy vậy, Windows Update cập nhật chậm hơn so với việc cập nhật trực tiếp như Chrome hay Firefox và người dùng phải khởi động lại máy để áp dụng các thay đổi. Microsoft cho biết trong tương lai họ sẽ cho phép cập nhật Edge thông qua Windows Store.
Bảo vệ quyền riêng tư
Cả 3 trình duyệt đều có chế độ duyệt web riêng tư/ẩn danh (InPrivate trên Edge, Incognito trên Chrome và Private Browsing trên Firefox). Khi đóng cửa sổ trình duyệt, mọi lịch sử, cookies hay dữ liệu cache đều bị xóa. Tuy vậy, điều này cũng không giúp tránh khỏi việc bị theo dõi bởi website hay nhà quảng cáo.
Firefox có lợi thế hơn trong lĩnh vực này. Vào năm 2015, Firefox giới thiệu Tracking Protection, giúp người dùng không bị theo dõi khi truy cập trang web ở chế độ Private Browsing. Cũng cần chú ý rằng không như Google hay Microsoft, Firefox không kiếm tiền từ việc theo dõi người dùng hay bán quảng cáo.
Kết luận
Vào thời điểm hiện tại, Google Chrome và Microsoft Edge có những tính năng khá tương đương. Edge được cho là an toàn hơn Chrome đơn giản là bởi Microsoft có một danh sách các trang web không an toàn nhiều hơn Google. Dù vậy, người dùng vẫn có thể tự bảo vệ mình bằng các phần mềm diệt virus. Mozilla Firefox ít nhiều đứng sau 2 trình duyệt nói trên nhưng vẫn đang trên đà đuổi bắt trong năm 2017. Ít nhất thì trình duyệt này cũng đang có lợi thế trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng.