Tính đến thời điểm hiện tại, Windows vẫn là hệ điều hành (HĐH) dễ sử dụng và cài đặt nhưng không vì thế mà các HĐH khác như OS X (chạy trên máy Macintosh) hay Linux rơi vào hoàn cảnh không còn đất dụng võ. Mỗi HĐH có những ưu điểm nổi trội và lĩnh vực sử dụng riêng.
Nếu OS X nổi tiếng về độ ổn định, tính an toàn, giao diện trực quan, dễ sử dụng và đặc biệt mạnh về đồ họa thì Linux thu hút người dùng nhờ vào lợi thế của HĐH mã nguồn mở ít tốn kém phí bản quyền, khả năng tùy biến cao, phần mềm phong phú.
Tuy nhiên, việc chia sẻ tập tin dữ liệu, máy in, kết nối Internet và nhiều tài nguyên khác giữa các máy tính chạy Windows, OS X và Linux là một vấn đề khá đau đầu cho nhà quản trị mạng cũng như người dùng thông thường. Hy vọng, các thủ thuật được trình bày trong bài viết sẽ giúp bạn giải quyết khó khăn này.
Trước hết, hãy cập nhật phiên bản mới nhất của hệ điều hành cho tất cả máy tính. Các máy Mac sử dụng OS X trước đây (từ phiên bản 10.2 trở về trước) cho phép người dùng truy cập các tập tin Windows và máy in, nhưng cần phải thiết lập thêm một số cài đặt. Khắc phục hiện tượng này, các phiên bản OS X mới đã chuyển sang sử dụng giao thức Server Message Block (SMB) của Windows để thuận tiện hơn trong việc kết nối và chia sẻ tài nguyên với các máy tính không phải Macintosh dù vẫn còn vài lỗi nhỏ.
Tương tự như OS X, Linux hỗ trợ chia sẻ dữ liệu với Windows thông qua giao thức SMB. Hiện tại có nhiều phiên bản Linux với giao diện khác nhau, nhưng trong bài viết này chỉ đề cập đến hệ điều hành SuSE Linux phiên bản 9.3 mới nhất với môi trường đồ họa KDE 3.4. Đây có thể xem là phiên bản Linux dễ sử dụng và cấu hình nhất.
CÀI ĐẶT CHIA SẺ
Windows: Trong Windows Service Pack 2, khả năng chia sẻ tập tin và máy in bị vô hiệu hóa nhưng việc kích hoạt lại chúng có thể được thực hiện dễ dàng. Nhấn phải chuột lên biểu tượng My Network Places, chọn Properties. Trong màn hình Network Connections, nhấn phải chuột vào biểu tượng kết nối mạng muốn chia sẻ tài nguyên và chọn Properties. Đánh dấu tùy chọn File and Printer Sharing for Microsoft Networks, rồi nhấn OK (Hình 1).
Để chia sẻ một thư mục (tập tin và thư mục con) với một máy tính khác trên mạng, nhấn phải chuột lên thư mục đó trong cửa sổ Windows Explorer hay bất kỳ cửa sổ thư mục nào, chọn Sharing and Security.Sharing, đánh dấu tùy chọn Share this folder on the network. Nếu muốn cho phép người khác xóa hay chỉnh sửa các tập tin dùng chung trên máy của mình thì đánh dấu thêm tùy chọn Allow network users to change my files, nhấn OK. Để cho phép những máy tính khác trên mạng sử dụng chung một máy in, chọn Start.Printers and Faxes, nhấn phải chuột lên biểu tượng máy in muốn chia sẻ và chọn Sharing. Tiếp đến, chọn Share this printer, nhập tên máy in vào hộp thoại Share name (nên đặt tên máy in không quá 8 ký tự và không có khoảng trắng). Cuối cùng nhấn OK.
Macintosh: Để chia sẻ tập tin và máy in của máy Mac với các máy tính khác trong mạng, mở mục Sharing trong cửa sổ System Preferences, chọn chức năng Services, đặt một cái tên thật "gợi nhớ" cho máy tính vào mục Computer Name và đánh dấu chọn Windows Sharing. Ngoài ra, nếu chỉ muốn chia sẻ thư mục Public với các máy Macintosh khác thì chọn Personal File Sharing. Nếu bạn muốn chỉ định máy in cần chia sẻ, mở mục Print & Fax trong System Preferences, đánh dấu tùy chọn Share these printers with other computers, rồi chọn máy in cần thiết.
Chế độ bảo mật mặc định chia sẻ tập tin của OS X được thiết kế "chặt chẽ” hơn của Windows XP. Khi muốn truy xuất vào một thư mục hay máy in dùng chung, người dùng phải khai báo tên và mật khẩu đăng nhập của một tài khoản người dùng trên máy tính chạy OS X đó. Do vậy, nếu đang truy xuất các tài nguyên của một máy Mac từ một máy tính dùng hệ điều hành khác, bạn cần đăng ký một tài khoản đăng nhập mới trên máy Mac đó. Nhưng nếu đã tạo sẵn một thư mục chia sẻ, bạn cần bảo vệ tài khoản riêng bằng cách tạo một tài khoản Mac mới (nhấn Accounts trong System Preferences).Để kích hoạt tính năng Windows Sharing cho một tài khoản cụ thể, mở mục Sharing trong System Preferences, chọn Accounts rồi đánh dấu tài khoản nào được phép truy xuất tài nguyên dùng chung, nhập vào mật khẩu, nhấn OK rồi Done để kết thúc. Cần lưu ý, khi nâng cấp hệ điều hành từ phiên bản cũ lên OS X 10.4, bạn phải khai báo lại mật khẩu dùng chung trong mục Account để có thể tiếp tục sử dụng tính năng Windows Sharing.
Linux: Để chia sẻ tập tin và máy in trong máy tính chạy hệ điều hành Linux SuSE 9.3, bạn cần sử dụng tiện ích YAST. Rất đơn giản, chỉ cần khởi động tiện ích, nhập vào mật khẩu gốc (root password) nếu được yêu cầu, chọn Network Services ở khung cửa sổ bên trái và tiếp đến là chọn Samba Server. Tiện ích YAST sẽ đọc và hiển thị danh sách các tài nguyên (máy in, thư mục) dùng chung đã khai báo trong tập tin cấu hình trên máy cùng với tình trạng hiện thời của chúng (cho phép hoặc không cho phép truy xuất). Để thay đổi trạng thái này, nhấn chuột lên nhãn Start Up, chọn On-Start Service when Booting và nhấn Finish. Khởi động lại máy để các cài đặt này trở nên hiệu lực.
TIẾN HÀNH KẾT NỐI
Windows: Để kết nối đến thư mục và máy in dùng chung từ Windows XP, mở biểu tượng My Network Places. Cửa sổ chính xuất hiện sẽ hiển thị tất cả biểu tượng của bất kỳ tập tin chia sẻ nào mà bạn đã từng truy xuất (hoặc không có gì nếu là lần đầu tiên sử dụng tính năng này). Để thấy được tất cả tài nguyên (thư mục, máy in) được chia sẻ trên mạng, trên từng máy tính khác nhau, nhấn View workgroup computers và chọn một biểu tượng máy tính trên mạng. Một khi xem được các thư mục chia sẻ, bạn có thể thao tác chúng như khi đang dùng trên máy cá nhân. Nếu không nhìn thấy bất kỳ máy tính nào, đừng quá lo lắng và hãy tham khảo mục "Khắc phục sự cố thường gặp".
Tương tự, việc kết nối đến một máy in dùng chung có thể được thực hiện rất đơn giản. Chọn Start.Settings.Printers and Faxes và nhấn chuột vào mục Add a Printer (nằm ở vùng cửa sổ bên trái màn hình) và Next để mở trình hướng dẫn Add Printer Wizard. Ở trang Local or Network Priner, chọn A network printer or printer attached to another computer, rồi nhấn Next hai lần. Thực hiện tìm các máy in được chia sẻ trên mạng, chọn máy in cần dùng, sau đó nhấn Next và thực hiện các bước còn lại để hoàn tất cài đặt.
Macintosh: Để truy cập đến một thư mục dùng chung của máy tính chạy Windows trên mạng, chọn Go.Network trong mục Finder. Trong số các biểu tượng được hiển thị trong cửa sổ Finder sẽ có một biểu tượng có tên giống nhóm làm việc (workgroup) trong Windows. Nhấn đúp chuột lên biểu tượng này để biết danh sách các máy tính được chia sẻ trên mạng. Tương tự như trong Windows, nhấn đúp chuột lên biểu tượng của một máy tính để xem các thư mục chia sẻ trên máy đó. Vào lúc này, OS X sẽ yêu cầu bạn nhập vào một mật khẩu để truy cập máy tính chia sẻ, thậm chí nếu không được yêu cầu mật khẩu thì chỉ cần nhấn OK. Tiếp đến, từ danh sách dạng thả xuống, chọn thư mục chia sẻ cần kết nốt đến (OS X thực hiện công việc này dựa trên giao thức SMB/CIFS) và nhấn OK. Thư mục dùng chung sẽ xuất hiện như một liên kết trong khung bên trái của cửa sổ Finder (Hình 2).
Việc truy xuất một máy in của Windows từ một máy Mac đòi hỏi vài thao tác cài đặt. Bạn phải thực hiện tìm kiếm và cấu hình lại để OS X có thể sử dụng được một máy in chia sẻ của Windows. Trên thực tế, việc kết nối thường thất bại do xảy ra tình trạng sai địa chỉ máy in. Để khắc phục hiện tượng này, chọn Applications.Utilities.Printer Setup Utility, nhấn chuột lên biểu tượng máy in bị mất kết nối và chọn Show Info. Sau đó nhập lại địa chỉ chính xác của máy in.
Ngoài ra, còn một cách khác để kết nối đến một máy in dùng chung trên Windows từ máy Mac. Trong cửa sổ System Preferences, nhấn đúp chuột lên biểu tượng Print & Fax trong mục Hardware. Tiếp đến, nhấn vào biểu tượng dấu (+) để tìm các máy in và ấn <Option> khi bạn nhấn vào nút More Printer trong trường hợp không thấy máy in cần tìm. Sau đó, chọn Advanced từ danh sách dạng thả xuống ở đỉnh hộp thoại kế tiếp và chọn Windows Printer via SAMBA trong danh sách xuất hiện bên dưới. Đặt một cái tên thật "gợi nhớ" cho máy in trong hộp thoại Device Name và điền vào mục địa chỉ Device URI với nội dung smb://user@workgroup/server/printer. Trong đó, user là tên tài khoản đăng nhập, workgroup là tên nhóm làm việc của máy tính có máy in được chia sẻ, server là tên máy tính chia sẻ máy in và printer là máy in cần chia sẻ (Hình 3). Chọn hãng sản xuất máy in trong danh sách thả xuống Printer Model và tên máy in trong danh sách xuất hiện sau đó và cuối cùng là nhấn Add.
Linux: Để xem các thư mục dùng chung của máy tính chạy Windows từ máy tính sử dụng Linux SuSE 9.3, bạn mở biểu tượng Network Browsing trên màn hình (tương tự như My Network Places của Windows) và chọn biểu tượng SMB Shares trong cửa sổ công cụ quản lý tập tin Konqueror (giống với Windows Explorer). Ngay sau đó, bạn có thể thấy được biểu tượng của tất cả nhóm làm việc Windows trên mạng. Nhấn đúp chuột lên biểu tượng tương ứng với một máy tính để xem các thư mục được chia sẻ ở máy đó.
|
Tuy nhiên, việc truy xuất các thư mục dùng chung trên máy tính chạy OS X từ máy tính chạy Linux không dễ dàng vì bạn phải nhập một cách thủ công tên máy tính, tên kết nối v.v... Chạy liên kết Network Browsing (hay chọn Go.Network Folders trong tiện ích Konqueror), nhấn Add a Network Folder, chọn Microsoft Windows network drive, rồi nhấn Next. Nhập vào một cái tên thật "gợi nhớ" cho kết nối cần chia sẻ vào mục Name, tên máy tính Macintosh có thư mục cần chia sẻ vào mục Server, tên thư mục chia sẻ của máy Mac vào mục Folder (Hình 4). Tiếp đến, nhấn Save & Connect và hệ điều hành sẽ yêu cầu nhập tên người sử dụng, mật khẩu đã khai báo trên máy Mac. Sau đó hệ điều hành sẽ tạo một liên kết đến thư mục trong thư mục Network Browsing.
Kết nối vào một máy in chia sẻ trên máy Mac từ Linux dễ dàng hơn vì hai hệ điều hành này đều dùng giao thức Common Unix Printing System. Các máy in dùng chung ở máy Mac trong mạng được hiển thị ngay trong danh sách máy in hiện có khi bạn thao tác in trong các ứng dụng chạy trên hệ điều hành Linux.
Lê Thu
PC World Mỹ 12/2005