Trên thị trường ngày nay không thiếu các phần mềm, ứng dụng để điều khiển các thiết bị Android từ xa. Những công cụ này cho phép người dùng gửi hoặc nhận tin nhắn qua trình duyệt, điều khiển các thiết bị ngoại vi khác, hoặc trở thành thiết bị lưu trữ dữ liệu di động. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn thêm 1 công cụ nữa trong việc này, đó là Remote Web Desktop – có thể giúp người sử dụng dễ dàng điều khiển các thiết bị Android qua máy tính cá nhân của họ.
Không giống như một số ứng dụng phổ biến hiện nay chỉ hoạt động với mạng Wifi, Remote Web Desktop hỗ trợ thêm chuẩn giao thức kết nối 3G, không yêu cầu cài đặt thêm thành phần hỗ trợ khác, khả năng tương thích với nhiều nền tảng hệ điều hành và trình duyệt khác nhau.
Bắt đầu:
Trước tiên, các bạn cần tải và cài đặt ứng dụng Remote Web Desktop miễn phí từ Android market. Sau khi mở ứng dụng, các bạn nhấn nút Start Server (nếu kết nối qua Wifi), với một số tùy chọn có sẵn, bạn có thể nhập mật khẩu để bắt đầu truy cập. Sau khoảng 20 – 25 giây, bạn sẽ nhìn thấy đường dẫn URL để kết nối tới trình duyệt trên Desktop.
Còn nếu bạn đang dùng 3G, hãy chọn chế độ Bridge Mode và điền địa chỉ email. Sau đó nhấn nút Start Server và quá trình sẽ tương tự như trên:
Sau khi kết nối thành công tới điện thoại, các bạn có thể truy cập và sử dụng các ứng dụng khác nhau, thay đổi hoặc thiết lập một số ứng dụng khác:
Các bạn có thể thấy trong ảnh chụp màn hình bên dưới, chúng ta có thể gửi và nhận tin nhắn trực tiếp ngay bên trong trình duyệt, tính năng này thực sự hữu ích nếu người dùng thường xuyên phải nhắn tin, soạn thảo những email có nội dung khá dài:
Nếu bạn cài đặt thêm ứng dụng WiFi Keyboard từ Android market, hệ thống sẽ có thêm tính năng tự động tích hợp với Remote Web Desktop, và mọi thông tin gõ trên bàn phím Desktop sẽ được hiển thị trên thiết bị Android. Bên cạnh đó, công cụ File Explorer còn giúp người dùng duyệt file trên hệ thống và thẻ nhớ SD. Mặt khác, khi bạn nhấn chuột phải vào file apk thì sẽ hiển thị thêm chức năng Install APK để cài đặt vào điện thoại:
Với những thiết bị đã được root, người dùng còn có thể tận dụng thêm chức năng Screen Capture để chụp ảnh màn hình trên điện thoại. Tuy nhiên, không phải bất cứ chiếc điện thoại Android nào cũng có camera đằng trước, nhưng lại có camera sau, và người dùng có thể biến chiếc camera này thành webcam để trò chuyện trực tuyến qua Skype hoặc những ứng dụng khác:
Một chức năng hỗ trợ khác của Remote Web Desktop là chia sẻ Clipboard, khi người dùng copy dữ liệu như text, ảnh, đoạn văn... sau đó paste vào Shared Clipboard thì ngay lập tức, những thông tin này sẽ xuất hiện trên điện thoại. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tính năng đang trong giai đoạn hoàn thiện (Under Construction) như Contacts, Notes và Mobile Settings.
Với những khía cạnh đã được đề cập như trên, Remote Web Desktop tuy chưa thể điều khiển hết mọi “ngõ ngách” trên điện thoại, nhưng cũng đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người sử dụng hiện nay. Các bạn có thể lựa chọn giữa 2 phiên bản miễn phí và trả phí. Tất nhiên, chương trình có trả phí (3,99$) sẽ được tích hợp thêm một số tính năng như không có quảng cáo, hỗ trợ giao thức bảo mật HTTPS, không giới hạn dữ liệu truyền tải qua FTP. Chúc các bạn thành công!