Sự ra đời của mạng 4G đã mang tới cho người dùng những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, hữu ích khi tốc độ truy cập dữ liệu đã tăng lên đáng kể so với những thế hệ mạng 3G và 2G trước. Trong bài viết Hướng dẫn cách kích hoạt 4G trên điện thoại, Quản trị mạng đã hướng dẫn bạn cách bật 4G trên từng hệ điều hành smartphone gồm iOS, Android, Windows Phone và điện thoại BlackBerry. Tuy nhiên, liệu bạn có thắc mắc tại sao một số thiết bị lại ghi là 4G, một số dòng máy lại ghi kết nối 4G LTE hay không? Vậy 2 khái niệm đó có gì khác biệt hay đều chỉ chung là kết nối 4G trên smartphone?
1. Khái niệm mạng 4G là gì?
Mạng 4G hiểu đúng nghĩa đó là Fourth Generation, công nghệ truyền thông không dây đời thứ tư. Bạn có thể hiểu nghĩa này tương đương với mạng 3G hoặc 2G. Với những điều kiện bình thường, tốc độ 4G cho phép truyền tải dữ liệu tốc độ tối đa tới 1 hay 1.5 Gb/giây.
Với tốc độ tải dữ liệu như trên, người dùng hoàn toàn có thể xem video trực tuyến với chất lượng HD chuẩn, tải game với dung lượng nặng mà không lo gặp vấn đề. Đặc biệt, nếu chúng ta cần một đường truyền ổn định, chất lượng cho những cuộc hội họp video thì mạng 4G sẽ đảm bảo nhu cầu của người dùng.
Bạn đọc có thể tham khảo thêm những thông tin khác về mạng 4G trong bài viết Những điều cần biết về mạng 4G.
2. Khái niệm 4G LTE là gì?
Sẽ có rất nhiều dòng smartphone khi chúng ta kích hoạt 4G trên điện thoại sẽ sử dụng thuật ngữ 4G LTE hoặc thậm chí chỉ có LTE mà thôi. Vậy chúng có điểm gì khác biệt với 4G hay không?
Như đã nói, tốc độ truyền tải của mạng 4G có thể lên tới 1 hay 1.5 Gb/giây. Như vậy, đây được coi là chuẩn tốc độ của một mạng 4G. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn chưa có một thiết bị mạng nào hay dòng smartphone nào có thể đạt tới tốc độ truyền tải dữ liệu được như vậy.
Mặt khác, LTE (Long Term Evolution) được hiểu là Tiến hóa dài hạn. Và khi các nhà mạng thêm LTE đằng sau 4G có nghĩa là, đây chưa được coi là một mạng công nghệ 4G chuẩn với tốc độ truyền dữ liệu tối đa 1 đến 1.5 Gb/giây theo đúng khái niệm về mạng 4G. Mạng 4G LTE đang phủ sóng hiện nay có thể coi là một chuẩn tiệm cận công nghệ mạng thứ 4.
Ngoài ra, LTE được hiểu đầy đủ là LTE CAT với rất nhiều chuẩn khác nhau, từ LTE CAT 1 đến LTE CAT 8. Những dòng LTE CAT càng cao thì tốc độ tải xuống hoặc tải dữ liệu lên sẽ nhanh chóng hơn. Chẳng hạn, LTE CAT 3 có tốc độ tải xuống là 100 Mbps (100 Megabits/giây), tải 1 bộ phim có dung lượng 1 GB sẽ mất 82 giây.
Tuy nhiên, LTE CAT 4 có tốc độ tải xuống là 150 Mbps (150 Megabits/giây) có thể tải xuống 1 file dung lượng 1 GB với thời gian ít hơn chỉ 54.6 giây mà thôi.
Tốc độ download (Mbps) | Tốc độ upload (Mbps) | |
LTE CAT 1 | 10 | 5 |
LTE CAT 2 | 50 | 25 |
LTE CAT 3 | 100 | 50 |
LTE CAT 4 | 150 | 50 |
LTE CAT 5 | 300 | 75 |
LTE CAT 6 | 300 | 50 |
LTE CAT 7 | 300 | 150 |
LTE CAT 8 | 1200 | 600 |
3. Vậy 4G LTE khác 4G hay không?
Như đã nói bên trên, mạng 4G LTE hiện nay không đạt được tốc độ truyền tải dữ liệu chuẩn lý tưởng như mạng 4G. 4G LTE hiện nay chỉ là có tốc độ kết nối nhanh hơn so với mạng 3G trước mà thôi.
Tuy nhiên không thể phủ nhận mạng 4G LTE hiện nay cũng đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dùng khi truyền tải dữ liệu giữa các thiết bị, cải thiện tốc độ rất nhiều so với mạng 3G trước. Hy vọng trong tương lai không xa, công nghệ 4G LTE sẽ được cải thiện để có thể đạt chuẩn 4G.
Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn!