Khi mua một chiếc điện thoại thông minh Android mới, bạn hy vọng tuổi thọ của nó sẽ kéo dài tương đối. Một chiếc điện thoại chất lượng cao ít nhất sẽ hữu ích trong vài năm. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, bạn sẽ nhận thấy điện thoại của mình bắt đầu xuống cấp, bất kể bạn chăm sóc nó tốt đến đâu.
Việc thay thế thiết bị có thể là điều không thể tránh khỏi, nếu nó quá chậm, bị hỏng hoặc gặp phải sự cố gì đó. Dưới đây là một số dấu hiệu chính cho thấy đã đến lúc bạn cần nâng cấp điện thoại Android của mình.
Khi nào bạn biết cần nâng cấp điện thoại Android?
1. Pin hết nhanh
Nếu bạn là một người nghiện điện thoại thông minh, có lẽ bạn đã từng thấy pin điện thoại thông minh của mình rất nhanh hết pin. Có nhiều cách để tăng tuổi thọ pin cho điện thoại Android, nhưng thời lượng pin không thể kéo dài như trước đây.
Lý do chính cho điều này là theo thời gian, các thành phần hóa học trong pin bắt đầu xuống cấp, có nghĩa là chúng sẽ giữ ngày càng ít điện tích hơn. Sau vài trăm lần chu kỳ nạp pin (tương đương khoảng một hoặc hai năm), pin có thể bị mất 1/5 hoặc nhiều hơn khả năng giữ phần năng lượng được sạc.
Đó là lý do tại sao việc tránh sạc qua đêm và hạn chế số lần sạc không cần thiết vô cùng quan trọng.
Nếu pin không giữ được mức sạc như trước đây, nhưng bạn vẫn sử dụng nó như cũ, bạn sẽ thấy rõ sự thay đổi. Thay vì luôn giữ bộ sạc bên mình, người dùng điện thoại thông minh nhiều nên suy nghĩ về việc nâng cấp để có được một chiếc điện thoại với pin mới. Pin mới chắc chắn sẽ có thời lượng kéo dài hơn.
2. Quá chậm để sử dụng
Sử dụng điện thoại hoặc máy tính bảng đủ lâu, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy thiết bị chậm lại. Không ai muốn dành thời gian chờ đợi điện thoại thông minh phản hồi cả. Việc mở các ứng dụng có thể mất một phút hoặc rất chậm khi đăng ký dịch vụ, v.v...Thật khó chịu!
Có nhiều lý do tại sao điện thoại bị chậm và trong nhiều trường hợp, số tuổi của điện thoại thông minh cũng là một phần nguyên nhân. Việc nâng cấp phiên bản Android có thể đặt ra yêu cầu cao hơn đối với tài nguyên trên điện thoại, bao gồm cả việc sử dụng CPU và RAM nhiều hơn. Các ứng dụng mới cũng có thể gây ra những vấn đề tương tự, đặc biệt là nếu chúng chiếm nhiều tài nguyên trên thiết bị. Các game Android mới nhất thường là thủ phạm của vấn đề này.
Một vấn đề khác có thể là số lượng ứng dụng đang chạy trong nền. Càng nhiều ứng dụng tiêu thụ tài nguyên trong nền, điện thoại càng trở nên chậm hơn. Bạn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách đóng các ứng dụng một cách quyết liệt hơn, nhưng tất nhiên là chỉ khi các ứng dụng đó không có ích gì cho bạn.
Việc thay thế điện thoại sẽ giúp bạn tăng thêm tài nguyên cho phần mềm điện thoại, cho dù đó là chính Android hay ứng dụng bạn cài đặt.
3. Thiếu bản cập nhật hoặc bản cập nhật bị lỗi thời
Một bản phát hành Android mới thường được phát hành mỗi năm một lần vào khoảng tháng 9. Từ Cupcake đến Pie, tất cả các phiên bản Android mới đều đi kèm với tên gọi và những tính năng mới, nhưng nhu cầu về tài nguyên của chúng cũng tăng lên.
Tuy nhiên, đừng hy vọng các bản cập nhật là vô hạn. Nếu bạn mua một điện thoại thông minh hàng đầu như Samsung Galaxy, bạn có thể nâng cấp một hoặc hai lần lên phiên bản Android mới hơn trong suốt vòng đời của nó. Tuy nhiên, không phải mọi nhà sản xuất đều bận tâm tới điều này, nghĩa là điện thoại của bạn có thể bị lỗi thời ngay khi bạn mua nó.
Còn vấn đề bảo mật thì sao? Một khi điện thoại đã lỗi thời, nhà sản xuất cũng sẽ chẳng buồn phát hành bản cập nhật bảo mật nào đâu, ngay cả khi các bản nâng cấp lớn không phải là một phần của kế hoạch.
Nếu bạn lo lắng về việc chiếc điện thoại của mình bị lỗi thời và bạn không còn nhận được các bản cập nhật nữa, việc thay thế một chiếc điện thoại mới là điều đáng xem xét.
4. Những ứng dụng mới không chạy
Thực tế ảo VR vẫn còn trong giai đoạn phát triển, nhưng đã có một số ứng dụng VR tuyệt vời dành cho Android. Thật không may, bạn có thể thấy rằng các loại ứng dụng mới, như ứng dụng VR đặc biệt tiêu tốn nhiều tài nguyên, không hoạt động hiệu quả trên các điện thoại cũ.
Vấn đề tương tự cũng đúng với việc chơi game Android. Những cải tiến về lối chơi có nghĩa là nhu cầu về RAM và đồ họa bên trong điện thoại cũng lớn hơn. Nếu điện thoại của bạn quá cũ, nó sẽ không thực hiện các tác vụ hiệu quả như một chiếc điện thoại mới với công nghệ hiện đại nhất.
Cách tốt nhất để kiểm tra điều này là cài đặt một số ứng dụng sử dụng nhiều tài nguyên. Hãy thử một vài ứng dụng VR hoặc các game đòi hỏi nhiều tài nguyên và xem chúng hoạt động như thế nào trên điện thoại của bạn. Nếu các ứng dụng này không hoạt động tốt, thì có lẽ đã đến lúc mua một chiếc điện thoại mới.
5. Ứng dụng thường xuyên ngừng hoạt động
Điện thoại thông minh Android là do con người tạo ra, vì vậy chúng không hoàn hảo. Những sự cố ứng dụng kỳ lạ là điều không thể tránh khỏi. Điện thoại không phải lúc nào cũng là nguyên nhân của vấn đề. Đôi khi, một ứng dụng bị lỗi hoặc được thiết kế tồi sẽ gây ra sự cố. Trong các trường hợp khác, khả năng tương thích của điện thoại có thể là vấn đề. Ví dụ, một ứng dụng chỉ có thể chạy trên model điện thoại hiện đại nhất.
Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy các ứng dụng ngừng hoạt độnng trên điện thoại của mình mọi lúc, thì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn với chiếc điện thoại thông minh bạn đang sở hữu. Các ứng dụng có thể ngừng hoạt động do nhu cầu mà chúng đặt lên điện thoại (chẳng hạn như RAM hoặc CPU) quá lớn. Nếu tài nguyên có sẵn không đủ, ứng dụng sẽ ngừng hoạt động.
Bạn cũng có thể thấy sự cố khi bộ nhớ trên thiết bị quá thấp, đặc biệt là đối với các ứng dụng lưu hoặc truy cập bộ nhớ thường xuyên. Điện thoại mới hơn sẽ tăng dung lượng để giải quyết vấn đề cụ thể này.
6. Camera kém chất lượng
Trong kỷ nguyên selfie, việc có một camera chất lượng cao trên điện thoại thông minh là điều cần thiết cho cả những người dùng với nhu cầu chụp ảnh bình thường nhất. Trừ khi bạn là người có sở thích đặc biệt hoặc là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, hầu hết mọi người đều chụp ảnh bằng điện thoại. Các điện thoại mới hơn tạo ra những bức ảnh đẹp hơn.
Có rất ít điều có thể làm để cải thiện chất lượng ảnh nếu camera của bạn quá kém. Các ứng dụng chỉnh sửa ảnh có thể giúp tối ưu hóa ảnh, nhưng chúng không thể cải thiện độ phân giải của những bức ảnh. Vấn đề này biểu hiện rõ ràng nhất trên các camera trước, (trước đây) thường kém hơn so với camera sau.
Tùy chọn duy nhất nếu việc chụp ảnh quan trọng đối với bạn là xem xét việc thay thế điện thoại mới. Một chiếc điện thoại mới hơn sẽ đi kèm với cả camera trước và sau tốt hơn, mặc dù điều này sẽ phụ thuộc vào model điện thoại bạn chọn.
7. Điện thoại bị vỡ hoặc hỏng
Chẳng có gì tồn tại mãi mãi cả. Nếu màn hình bị vỡ, nút bấm bị hỏng hoặc vỏ bị nứt, thì chắc hẳn điện thoại của bạn sẽ không còn có thể sử dụng lâu được nữa.
Việc hao mòn tự nhiên (chẳng hạn như khi bạn ấn quá mạnh vào các nút vật lý của điện thoại) cũng có thể là một phần nguyên nhân. Đôi khi những thành phần bên trong, như bộ lưu trữ flash của điện thoại, bị lỗi mà không có lý do rõ ràng.
Thiệt hại, cho dù là trong một thời gian dài hoặc ngay lập tức, sẽ hạn chế phần nào hiệu quả của chiếc điện thoại. Việc quyết định xem bạn có thể đối phó với một chiếc điện thoại bị hỏng và tiếp tục sử dụng nó hay không tùy thuộc vào bạn. Để giải quyết vấn đề các thành phần bị hỏng, có rất ít sự lựa chọn, ngoài việc nâng cấp điện thoại.
Cho dù xuất phát từ việc hao mòn tự nhiên theo thời gian hay là bị lỗi thời, sẽ không có điện thoại thông minh nào tồn tại mãi mãi. Một số thành phần, như pin điện thoại, có thời hạn sử dụng hạn chế. Các bộ phận khác, như CPU và camera, trở nên lỗi thời khi bạn so sánh chúng với các điện thoại mới hơn.