Lumia 610 được trang bị cấu hình thấp, nhưng khả năng hoạt động rất tốt, đi kèm với đó là mức giá tốt cho người dùng tại các thị trường đang phát triển.
>>> Lumia 610 giá chính hãng 4,99 triệu
Lumia 610 có 4 màu khác nhau. (Ảnh: Anh Quân).
Thuộc phân khúc giá rẻ, Lumia 610 được trang bị chip xử lý tốc độ 800MHz, RAM 256MB đi kèm màn hình 3,7 inch với độ phân giải 800 x 480 pixel. Máy có bộ nhớ trong 8GB và không sử dụng thẻ nhớ ngoài. Nokia trang bị cho 610 pin dung lượng 1.300 mAh với các kết nối HSDPA, Wi-Fi chuẩn N, Bluetooth, camera 5 "chấm" đi kèm với đèn Flash.
Tuy màn hình hiển thị chưa thực sự sắc nét, nhưng Lumia 610 lại có lợi thế về thời lượng pin và chất lượng phần cứng, vốn là thế mạnh của Nokia. Sản phẩm hướng đến thị trường các quốc gia đang phát triển với mức giá khá "dễ chịu", gần 5 triệu đồng.
Đánh giá chung:
* Ưu điểm:
- Thời lượng pin tốt.
- Hoạt động mượt mà.
- Chụp ảnh đủ sáng đẹp.
- Thế mạnh trong ứng dụng công việc nhờ nền tảng của Microsoft.
* Nhược điểm:
- Màn hình chưa sắc nét.
- Loa ngoài nghe nhạc bị rè.
- Cấu hình thấp gây hạn chế ứng dụng.
- Không hỗ trợ thẻ nhớ và chế độ Ổ nhớ chung.
Đánh giá từng phần (độc giả nhấn vào link để xem chi tiết):
Thiết kế và màn hình.
Lumia 610 hơi lớn so với tay nữ giới. (Ảnh: Anh Quân).
Nhưng lại khá vừa với bàn tay của các khách hàng nam. (Ảnh: Anh Quân).
Lumia 610 là một trong hai smartphone chạy Windows Phone giá rẻ của Nokia hiện nay, cùng với Lumia 710. Trong khi "người anh" 710 có thiết kế gần như sao chép với mẫu Nokia 603 chạy Symbian Belle, Lumia 610 chỉ "mượn" một phần, vẫn có nét riêng của mình.
Do sử dụng màn hình 3,7 inch và đường viền thân máy hơi dày nên Lumia 610 tạo cảm giác khá lớn trên bàn tay các khách hàng nữ, tuy nhiên lại vừa vặn với người dùng nam. Thân máy dày và nặng (131,5g), cầm rất đầm tay và chắc chắn, mặc dù kết cấu chủ yếu làm bằng nhựa. Khi dùng tay ép mạnh lên mọi vị trí của máy đều không gặp hiện tượng ọp ẹp hay hở vỏ như một số mẫu điện thoại giá rẻ khác. Máy cũng khá "quyến rũ" với các cạnh được bo tròn gọn gàng, nhưng nhìn vẫn mập mạp.
Mặt trước, phần phía trên và dưới màn hình hơi rộng, trong khi hai bên viền màn hình cong ra phía ngoài nên phần diện tích tổng thể bị thừa khá nhiều. Phía trên màn hình là thương hiệu Nokia, đối xứng phía dưới là 3 phím cảm ứng của Windows Phone: Back, Home và Search. Phần mặt trước được bao bởi đường viền mạ kim loại sáng bóng. Nhiều khả năng sau thời gian dài sử dụng, lớp mạ này có thể bong ra và để lộ các vết nham nhở trên viền.
Nắp lưng rộng, phủ toàn bộ mặt sau và chiếm luôn một phần của mặt trước. Camera 5 Megapixel cùng đèn flash trợ sáng được đặt phía trên nắp lưng, trong khi dải lưới loa đặt ngay ngắn ở cuối thân máy, tên sản phẩm Nokia 610 được in ngay phía dưới loa. Phần nắp lưng được làm bằng nhựa, nhưng khá dày, cộng với thiết kế trùm một đoạn lên mặt trước nên rất chắc chắn. Người dùng khi tháo máy cần đẩy nắp từ đỉnh máy xuống.
Thiết kế hai cạnh bên của máy khá giống với mẫu Lumia 800. Trong khi cạnh trái trống hoàn toàn, thì bên phải lại được xếp tới 4 phím gồm cặp phím âm lượng, phím nguồn ở ngay dưới và phím chụp ảnh nhanh phía cuối thân. Các phím này cũng được mạ kim loại như đường viền. Phím nguồn khá nhỏ, tạo cảm giác không thoải mái, trong khi đó phím chụp ảnh lại được thiết kế khá tốt, tách rời khỏi các phím còn lại và nằm ở vị trí rất thuận tay khi người dùng muốn cầm ngang máy để chụp ảnh như các dòng máy compact hiện nay.
Giắc cắm tai nghe 3,5mm được đặt ngay chính giữa đỉnh máy, bên phải là cổng microUSB không có nắp che nên dễ bám bụi hoặc bị nước vào nếu người dùng không cẩn thận. Phía bên trái đỉnh là vị trí móc dây trang trí, một đặc điểm được nhiều người dùng nữ quan tâm khi mua điện thoại. Cạnh đáy của máy vát cong (chính là phần đuôi của nắp lưng) nên không "trang trí" thêm gì. So về tổng thiết kế tổng thể, có thể nói Lumia 610 được Nokia chăm chút hơn so với Lumia 710, đẹp hơn và gọn gàng hơn.
Pin theo máy 1.300mAh. (Ảnh: Anh Quân).
Giống như Lumia 710, Lumia 610 có thiết kế thân tách rời, nên việc thay pin cho máy rất đơn giản. Khe cắm thẻ micro sim đặt nằm dưới pin, bắt buộc người dùng phải tắt máy tháo pin trước khi muốn thay sim. Bộ nhớ trong của máy 8GB nhưng không có khe cắm thẻ nhớ mở rộng, một trong những điểm bất tiện của smartphone Windows Phone hiện nay.
Màn hình của máy rộng 3,7 inch, độ phân giải 800 x 480 pixel, sử dụng công nghệ TFT đã cũ kỹ và chỉ hiển thị được 56k màu (hạn chế của Windows Phone cấp thấp). Mật độ điểm ảnh của màn đạt 252 ppi, không quá thấp, thậm chí ngang ngửa Lumia 800. Thực tế sử dụng cho thấy, màu sắc hiển thị hơi mờ nhạt, không có độ sắc và đượm màu cần thiết, góc nhìn cũng chưa được cao, nhanh chóng bị loáng khi xoay góc nhìn. Tuy nhiên, vớt vát lại là khả năng hiển thị ngoài nắng ở mức khá, đủ để người dùng sử dụng máy tại môi trường nhiều sáng.
Điểm yếu của LED viền lộ rõ khi để nền đen. (Ảnh: Anh Quân).
Một điểm yếu khác của màn hình Lumia 610 là việc sử dụng công nghệ LED viền, khiến các vị trí đèn ở viền màn hình sẽ có màu sáng trắng hơn hẳn so với toàn bộ màn. Điểm yếu này lộ ra rõ nhất khi người dùng để nền hiển thị đen mặc định. Tuy nhiên, đây là lỗi chung của các dòng máy sử dụng LED viền (hiện nay các smartphone tầm cao hơn sử dụng công nghệ LED nền, cho khả năng hiển thị đều hơn). Để tránh nhìn thấy các vệt sáng không mong muốn, người dùng có thể chuyển nền sang màu trắng.
Không được trang bị công nghệ màn hình "khủng" như AMOLED hay chống lóa ClearBlack, người dùng Lumia 610 sẽ cảm thấy hài lòng hơn khi biết Nokia đã phủ lớp kính cường lực chống xước Gorilla như Lumia 800 hay 900. Nhưng lớp kính này cũng chỉ mang tính tương đối, không thể chống xước 100% nên người dùng cẩn thận có thể dán thêm một lớp bảo vệ, được bán nhiều trên thị trường hiện nay.
Giao diện, hiệu năng và hoạt động.
Xem video không bị giật, hiển thị khá tốt. (Ảnh: Anh Quân).
Có thể nói, giới hạn lớn nhất của Lumia 610 không phải là màn hình 56k màu hay không có thẻ nhớ, mà chính là bộ nhớ RAM chỉ có 256MB. RAM thấp khiến máy bị hạn chế rất nhiều về hiệu năng hoạt động.
Máy sử dụng giao diện Metro UI mặc định của Windows Phone, không có chỉnh sửa. Các hiệu ứng chuyển tác vụ, ra - vào giữa Menu và màn hình chủ thực hiện tuy mượt (không bị giật) nhưng vẫn có độ trễ, khiến mỗi lần vào ứng dụng, màn hình sẽ trống trơn trong khoảng từ 2 đến 3 giây trước khi đổi hiển thị. Khả năng phản hồi thao tác chạm rất tốt.
Giao diện Metro với các ô Live Title vẫn hoạt động trơn tru, không hề bị giật, tốc độ cập nhật cũng nhanh chóng. Thừa hưởng sự mượt mà trong cấu trúc của Windows Phone, người dùng Lumia 610 chắc chắn sẽ hài lòng với thao tác kéo thông tin (danh bạ, tin nhắn, chuyển giữa các trang/mục trong cùng một Hub). Tuy nhiên, Metro sắp xếp mọi thứ theo chiều dọc và không có tính năng gom thành một thư mục riêng nên trở thành dài dòng khi người dùng phải liên tục kéo trang hiển thị để tìm thứ mình cần.
Giao diện Metro với Live Title hoạt động mượt mà. (Ảnh: Anh Quân).
Quá trình này sẽ được hạn chế khi cài trên 45 ứng dụng trên máy. Lúc này, các đầu mục theo bảng chữ cái sẽ hiện ra, người dùng chỉ việc chọn chữ cái đầu của ứng dụng mình cần để chuyển nhanh đến vị trí của chương trình đó. Nhưng việc này cũng có cái hại khi biến Menu của máy trở nên... dài hơn trước, và trông khá rối mắt, khó chịu.
Về cơ bản, mọi tính năng của Windows Phone được giữ nguyên trên Lumia 610, duy chỉ có giới hạn về RAM khiến máy tự động "tiêu diệt" những ứng dụng chạy ngầm có dung lượng quá lớn, hoặc khi danh sách chạy ngầm đã dài. Sản phẩm vẫn được tích hợp sâu mạng xã hội, hay các ứng dụng email, văn phòng nổi tiếng của Microsoft...
Mạng xã hội "ăn sâu" vào nền tảng và không bị giới hạn bởi khái niệm "chặn từ phía nhà mạng".
(Ảnh: Anh Quân).
Trong suốt quá trình sử dụng sản phẩm, điều gây ấn tượng tốt nhất chính là thời lượng pin của máy. Trên thị trường hiện nay các dòng smartphone đều nổi tiếng vì "uống pin", nhưng Lumia 610 có thể xem là một ngoại lệ. Máy được trang bị pin 1.300mAh, nhưng nhờ chất lượng màn hình, khả năng xử lý đa nhiệm thông minh... mà Lumia 610 đã tận dụng rất tốt số năng lượng trên.
Khi đặt máy ở chế độ Wi-Fi liên tục, tải 3 email dạng push, thường xuyên sử dụng Facebook, tuy không gọi điện nhưng có sử dụng tin nhắn, nghe nhạc, vào web... Lumia 610 hoạt động được trong khoảng hơn 2 ngày. Như vậy, với mức sử dụng bình thường (thêm nghe gọi và tần suất sử dụng cao hơn), người dùng vẫn có thể yên tâm với smartphone hoạt động tối thiểu một ngày rưỡi liên tục. Nếu đặt ở chế độ chờ, 610 có thể "nằm im" tới gần 4 ngày.
Thời lượng pin là điểm nhấn rất lớn của Lumia 610, bên cạnh mức giá. (Ảnh: Anh Quân).
Trong suốt quá trình thử nghiệm lướt web, máy có tăng nhiệt độ nhưng không đáng kể, chỉ hơi ấm hơn so với bình thường đôi chút. Model chỉ nóng hơn khi chơi game thời gian dài. Máy không tăng nhiệt độ trong quá trình sạc (kéo dài khoảng 2 giờ).
Nokia Lumia 610 được chiều chuộng khi tích hợp tính năng chia sẻ mạng Internet từ máy (chỉ có trên Lumia 900 và 610, riêng hai mẫu 800 và 710 thời điểm này vẫn chưa có và phải chờ cập nhật hệ điều hành). Thử nghiệm cho thấy, 610 rất "hào phóng" khi chia sẻ mạng với các thiết bị xung quanh, cho tốc độ và mức ổn định cao. Nokia cũng ưu ái khi ra mắt hai bản Lumia 610 khác nhau, trong đó một bản sẽ có thêm giao tiếp tầm gần NFC.
Tính năng giải trí.
Game không thực sự là thế mạnh của Lumia 610. (Ảnh: Anh Quân).
Một trong những tính năng quan trọng và không thể không bàn tới của smartphone ngày nay là giải trí. Ngoài việc phục vụ cho nhu cầu liên lạc cá nhân hàng ngày hay công việc, giải trí đã trở thành phần không thể thiếu đối với các thiết bị di động, không riêng điện thoại.
Camera của Lumia 610 có độ phân giải 5 Megapixel, cùng với đèn flash LED trợ sáng. Màn hình chế độ chụp ảnh đơn giản, với các tùy chỉnh được giấu trong phần Settings, cũng không có nút chụp ảnh trên màn hình. Người dùng có hai lựa chọn: sử dụng phím cứng ở cạnh phải của máy, hoặc chạm tay lên màn hình để máy tự động nhận điểm lấy nét và chụp ngay sau đó. Tốc độ lấy nét và bắt hình khá.
Trong điều kiện đủ sáng, máy ảnh thể hiện rất tốt nhiệm vụ của mình. Ngay tại màn hình của máy sau khi chụp, ảnh không có hiện tượng bị đổ màu xanh như mẫu Lumia 800, và cũng không bị hồng tâm khi đưa ống kinh vào khu vực màu trắng. Chất lượng ảnh ra máy tính có khác biệt so với trên điện thoại nhưng nhìn chung, với camera 5 Megapixel như vậy đã tốt. Ảnh phóng lớn cũng ít thấy nhiễu màu, chi tiết được thể hiện tách biệt và rõ ràng, phần tương phản sáng - tối và phần bóng lên hình đầy đủ.
Giao diện chụp ảnh đơn giản, không có nút chụp trên màn hình. (Ảnh: Anh Quân).
Mọi tùy biến được ẩn trong phần Settings. (Ảnh: Anh Quân).
Khi chụp thiếu sáng, với đèn flash máy vẫn cho ra các bức ảnh có giá trị, nhưng nếu khắt khe thì hiệu năng của đèn trợ sáng chưa tốt, chi tiết trực diện với đèn dễ bị lóa nhưng khu vực cách đấy không xa lại tối sạm rõ rệt. Nếu không sử dụng đèn, ảnh sẽ nhiễu vừa đủ trông thấy bằng mắt thường. Nhưng chụp thiếu sáng kém là điểm yếu chung của hầu hết điện thoại, kể cả đối với những mẫu smartphone cao cấp, không phải sản phẩm nào cũng cho chất lượng tốt khi phải hoạt động trong môi trường như vậy.
Camera của máy không có khả năng nhận diện khuôn mặt, nhưng có lẽ không thể đòi một mẫu điện thoại quá đầy đủ tính năng trong khi tầm tiền giới hạn. Điểm trừ của camera không phải là tính năng chụp ảnh, mà là quay phim. Chất lượng phim chưa cao, còn gặp hiện tượng kéo chi tiết khi lia khung hình. Nếu để thiếu sáng sẽ thấy khá nhiều nhiễu. Nhưng khả năng thu âm thanh từ môi trường vào lại tốt.
Loa ngoài của máy chưa gây được ấn tượng. (Ảnh: Anh Quân).
Giao diện chơi nhạc mặc định trên Windows Phone khá thông minh và đơn giản, chia ra làm các thư mục rõ ràng để người dùng dễ lựa chọn. Khả năng chơi nhạc bằng loa ngoài của máy không gây được ấn tượng nhiều. Mặc dù âm lượng to, nhưng chất lượng âm thanh chưa thực sự tốt. Âm có hiện tượng bị rè nhẹ, nghe không có độ ấm và "chắc" của âm thanh, thiếu bass.
Khi nghe thử bằng tai nghe lại có cảm nhận ngược lại, chứng tỏ con chip âm thanh của Lumia 610 tốt, chỉ có chất lượng loa là phải đem ra chê trách. Người dùng có thể tận hưởng các bài hát ưu thích của mình qua tai nghe, và có thể thấy hài lòng với số tiền mình đã bỏ ra.
Angry Birds...bị cấm. (Ảnh: Anh Quân).
Với khả năng chơi game, giới hạn về cấu hình và màn hình được bộc lộ rõ nét nhất. Máy chỉ cho phép chơi một số game nhất định, người dùng có thể phải chịu thiệt thòi khi không được thử sức với những tựa game nổi tiếng. Điều gây ngạc nhiên nhất trong quá trình thử nghiệm tính năng chơi game của Lumia 610 là máy không cho chạy game Angry Birds của Rovio. Đây là tựa game có lượng người chơi vô cùng lớn và nhẽ ra Microsoft nên bắt tay với Rovio để đưa Angry Birds đến với những smartphone cấu hình thấp dùng nền tảng của hãng. Trong phần Games Xbox Live trên Lumia 610, Angry Birds lại nằm trong danh sách "Nên thử".
Nhưng vẫn có game đồ họa 3D chơi bình thường. (Ảnh: Anh Quân).
Trớ trêu thay, game đồ họa 3D như Splinter Cell Conviction lại chạy được trên Lumia 610, khá mượt mà dù việc di chuyển và điểu khiển nhân vật thỉnh thoảng gặp chút khó khăn do màn hình bé và RAM cũng "khiêm tốn". Tin mừng là Fruit Ninja, game nổi tiếng không kém Angry Birds vẫn chơi được trên Lumia 610. Lúc này, chất lượng màn hình sẽ khiến người dùng cảm thấy... buồn do không được sắc nét như trên các đời máy cao hơn.
Ngoài game, Lumia 610 cũng bị giới hạn đối với một số ứng dụng có mặt trên MarketPlace.
Thêm hình ảnh về Nokia Lumia 610
Loa ngoài phía mặt lưng, sát phần vát cong ôm mặt trước của máy.
Giao diện Menu của Windows Phone chỉ có mặt định hàng dọc, hơi bất tiện khi cài nhiều ứng dụng.
Camera 5MP và đèn flash hoạt động khá tốt.
Đường viền mạ kim loại bao quanh thân máy.
Tính năng chia sẻ Internet của Lumia 900 và 610, hai mẫu khác là Lumia 800 và 710 chưa có.
Insta Cam, một ứng dụng có tính năng chụp ảnh tương tự Instagram trên Android và iOS.
Lịch hẹn được báo trực tiếp ra ngoài màn hình khóa, đồng bộ vào các tài khoản được cài đặt trong máy.