Nhiều người cho rằng ultrabook là máy tính xách tay, trong khi máy tính bảng thì giống một chiếc smartphone cỡ lớn. Nhưng xét cho cùng thì cả 2 đều là "máy tính" và bạn đang đứng trước lựa chọn mua một trong hai, chứ không phải là cả hai.
Trong khi laptop và netbook đều cần thời gian lên tới vài phút để khởi động hoặc khôi phục từ chế độ ngủ do sự chậm chạp của ổ đĩa cứng cơ học, thì các ultrabook và máy tính bảng chỉ mất vài giây nhờ tốc độ vượt trội của ổ SSD.
Cả ultrabook và máy tính bảng đều đang nắm giữ những ưu điểm giúp chúng trở thành những lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng. Sau đây là những so sánh về thông số của 2 sản phẩm này, hy vọng bạn đọc sẽ có một cái nhìn trực quan hơn trong lựa chọn của mình.
Thiết kế bên ngoài
Máy tính bảng được khen ngợi và yêu thích bởi chúng mỏng và siêu di động, một số model chỉ lớn hơn một chút so với một chiếc điện thoại thông minh. iPad 2 dày khoảng 0,7 cm, Eee Pad Transformer chỉ mỏng 1,3 cm và Galaxy Tab 10.1 mỏng 0,8 cm.
Trong khi đó, ultrabooks dày tối đa là 2 cm, nhưng bạn sẽ có được một màn hình lớn hơn máy tính bảng khá nhiều: 13.3 inch so với gần 10 inch của máy tính bảng (cách gọi khác là tablet). Tuy nhiên dù sao thì 2cm cũng không dày hơn 1 cm là bao, nhưng sự khác biệt về cách thức sử dụng của ultrabook và máy tính bảng sẽ khiến người dùng quyết định chọn sản phẩm nào.
Mặc dù ultrabook nặng hơn một chiếc máy tính bảng trung bình khoảng 600g nhưng nhìn chung đây không phải là một khoảng cách quá lớn. Cả hai đều là những sản phẩm siêu mỏng và siêu nhẹ nên chúng sẽ là người đồng hành lý tưởng cho những người hay di chuyển và đi công tác.
Trang bị phần cứng
Các ultrabook được trang bị bộ xử lý Intel Sandy Bridge thế hệ hai, đủ sức mạnh để thực thi hầu hết các tác vụ như xem phim HD, biên tập video, xử lý hình ảnh đồ họa. Chúng là những máy tính đầy đủ tính năng được nén lại trong một bộ khung chỉ mỏng 2 cm.
Trong khi đó, máy tính bảng chủ yếu chạy trên chip ARM được thiết kế để chạy trơn tru với hệ điều hành Android hoặc iOS. Cũng có một vài máy tính bảng chạy hệ điều hành Windows 7 với vi xử lý Atom của Intel hoặc Fusion của AMD, nhưng hiệu suất của chúng không được như mong đợi.
Hơn nữa bộ vi xử lý của máy tính bảng có thể đối phó tốt với các ứng dụng, kể cả phát nội dung HD, tuy nhiên năng lực của chúng còn xa mới đạt được đến khả năng của bộ xử lý Sandy Bridge.
Xét về hiệu quả công việc, với một chiếc máy tính bảng, nhân viên văn phòng sẽ khó có thể gõ “tốc ký” văn bản giống như trên laptop hay máy tính để bàn. Thông thường họ chỉ có thể gõ “mổ cò” do các phím cảm ứng khá nhỏ và liền nhau của một chiếc máy tính bảng.
Đó cũng là lý do mà nhiều nhà sản xuất máy tính bảng sẵn sàng bán ra phụ kiện bàn phím rời cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên người sử dụng sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí không nhỏ cho thiết bị này.
Mặc dù vậy, có vẻ như các máy tính bảng sinh ra không phục vụ công việc mà nhắm vào mục tiêu giải trí với những tính năng “tuyệt đỉnh” như lướt web, xem video HD, chơi game chất lượng cao trên một giao diện người dùng sáng bóng và đẹp mắt.
Hơn nữa, do thiết kế mỏng nhẹ nên hiện vẫn chưa có máy tính bảng nào có kết nối rất quan trọng là USB 2.0 (tablet mới chỉ có cổng micro USB). Một số khác lại thiếu cổng HDMI nên sẽ có nhiều người dùng gặp khó khăn nếu đem tablet vào các buổi thuyết trình.
Với utrabook thì hoàn toàn khác. Đây thực sự là một bản sao của chiếc laptop. Không nhỏ và nhẹ như tablet nhưng ultrabook lại thích hợp hơn cho công việc nhờ có màn hình lớn hơn, bàn phím vật lý tích hợp sẵn và hỗ trợ gần như tất cả các kết nối giống như một chiếc máy tính xách tay đích thực.
Phần mềm
Hầu hết các máy tính bảng, ngoại trừ các dòng iPad thì đều chạy trên Android, một trong những hệ điều hành linh hoạt và tùy biến. Đây cũng là nền tảng được cộng đồng tích cực liên tục cung cấp các ứng dụng mới và cũng đồng nghĩa với việc người sử dụng sẽ có hàng ngàn ứng dụng để lựa chọn.
Các ultrabook hiện nay vẫn chủ yếu chạy trên Windows 7 và tới đây là Windows 8 - vẫn là hệ điều hành tối ưu nhất cho một máy tính xách tay siêu mỏng, với bộ phần mềm quen thuộc office và vô số ứng dụng phục vụ cho công việc văn phòng.
Tuy nhiên, vấn đề bản quyền phần mềm có thể khiến người dùng phải chi nhiều tiền hơn, hoặc phải tìm đến các ứng dụng nguồn mở.
Giá thành sản phẩm
Lý do lớn nhất cản trở khách hàng đến với ultrabook là chúng quá đắt đỏ. Trong thực tế, thị trường Việt Nam sẽ khó có thể tìm được sản phẩm ultrabook nào có giá dưới 20 triệu đồng USD. Do đó, các ultrabook thường vẫn chỉ là sản phẩm dành cho đối tượng doanh nhân.
Trong khi đó, các máy tính bảng lại khá đa dạng về chủng loại, mẫu mã sản phẩm và giá niêm yết: bạn có thể mua một chiếc máy tính bảng với giá từ 5 triệu cho tới 18 triệu tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng tài chính của mình.
Thời gian sử dụng
Đây là cũng là điểm mà máy tính bảng hơn hẳn ultrabook. Các mẫu iPad cho thời gian sử dụng lên đến 10 giờ, trong khi đó các dòng tablet khác như Galaxy Tab, Acer Iconia, Asus EeePad … cũng cho phép người dùng chạy máy trong suốt 8 giờ liên tục.
Còn với ultrabook, thời lượng pin cho phép chỉ khoảng 5 giờ. Hiện các nhà sản xuất vẫn đang cố gắng áp dụng các công nghệ mới để nâng cao thời lượng pin cho dòng máy tính siêu mỏng này.
Lời kết
Máy tính bảng và ultrabook đều có những ưu và nhược điểm riêng. Do đó người tiêu dùng cần căn cứ vào nhu cầu sử dụng thực tế của mình để quyết định mua sản phẩm nào.