Marvel rất giỏi trong việc nhồi nhét những easter egg trong những bộ phim của mình. Quantrimang đã tổng hợp lại một số "trứng phục sinh" trong phần phim mới nhất của Doctor Strange để bạn đọc có thể tham khảo.
Mục lục bài viết
- Michael Waldron xuất hiện với vai trò cameo
- Amor es amor
- Gargantos
- Nhạc hiệu của WandaVision
- Rintrah the minotaur
- Đa vũ trụ với vô vàn trứng phục sinh
- Bruce Campbell trong vai người bán pizza
- Anh hùng mạnh nhất Trái Đất
- Núi Wundagore
- Earth 616
- Quỹ Baxter
- Các thành viên của tổ chức Illuminati
- Ultron
- Cuốn sách của Vishanti
- Chiếc xe yêu thích của đạo diễn Sam Raimi
- Donna Strange
- Giọng nói của những linh hồn
- Bom’Galiath
- Con mắt của Agamotto
- Clea và Dark Dimension
Lưu ý rằng bài viết này sẽ tiết lộ một số nội dung phim, do đó hãy chắc chắn rằng bạn đã xem phim trước khi đọc nhé. Còn nếu bạn không sợ việc bị tiết lộ nội dung thì hãy cùng thu nhặt "trứng phục sinh" thôi nào.
Michael Waldron xuất hiện với vai trò cameo
Michael Waldron là người viết kịch bản cho Doctor Strange 2. Anh cũng chính là người chắp bút cho phần 1 của series Loki. Anh đã xuất hiện với 1 vai nho nhỏ trong Doctor Strange 2. Michael Waldron phát biểu rằng "Nếu như bạn để ý, trong đám cưới của Christine, tôi đã bước ra ban công cùng cô ấy và chồng cô ấy. Tôi bước ra cùng họ khi đang uống martini. Nhân vật của tôi là phù rể tại bữa tiệc cưới."
Amor es amor
Nếu như bạn để ý kỹ hơn tới áo khoác của America, bạn sẽ thấy huy hiệu LGBT+ và dòng chữ Amor es amor. Dòng chữ này trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa Yêu là yêu. Trong truyện, America là một người đồng tính nữ được nuôi lớn bởi hai người mẹ. Tuy rằng trong phim không đề cập tới xu hướng tính dục của America, tuy nhiên việc đeo huy hiệu cầu vồng này cũng đã một phần thể hiện được điều này.
Gargantos
Đây là một easter egg không quá mới mẻ khi nó đã xuất hiện trong một vài trailer của phim. Trong truyện, con quái vật một mắt đuổi theo America Chavez có tên là Shuma-Gorath, tuy nhiên vì vấn đề bản quyền nên khi lên phim nó đã được đổi thành Gargantos. Con quái vật này cũng từng xuất hiện trong series What If...? Nó xuất hiện từ khối Tesseract và bị Sinister Strange hấp thụ.
Nhạc hiệu của WandaVision
Khi Stephen, America và Wong cố tìm hiểu xem phải làm gì với những con quái vật truy điểm America xuyên suốt đa vũ trụ, Stephen nhận ra rằng Wanda có thể giúp họ. Khi Stephen có ý tưởng này, bốn nốt nhạc hiệu của series WandaVision đã vang lên.
Có một câu chuyện thú vị đằng sau tiếng nhạc hiệu leng keng này. Âm nhạc của series WandaVision do Robert Lopez, Kristen Anderson-Lopez và Christophe Beck phụ trách. Họ muốn tạo ra một dấu hiệu giúp gắn kết các thời kỳ trong phim lại với nhau. Nếu như bạn lắng nghe thật kỹ, bạn có thể nhận ra rằng bài chủ đề luôn được hát theo cùng 1 mô-típ. Không chỉ vậy giai điệu của tiếng leng keng còn được gọi là "quãng thời gian của quỷ", mang đến không khí hắc ám một cách tinh tế. Điều đó làm cho tiếng nhạc hiệu vang lên trong Doctor Strange như một dấu hiệu cảnh báo rằng việc Strange tới gặp Wanda không phải là điềm lành.
Rintrah the minotaur
Tại Kamar-Taj, một trong những phù thủy có hình dạng đầu trâu xanh. Đây chính là Rintrah trong truyện tranh của Marvel. Anh tới từ hành tinh R’Vaal và đã giúp đỡ Stephen khi chiếc áo choàng Levitation bị rách. Còn trong phim, anh ấy là một trong những môn sinh ở Kamar-Taj.
Đa vũ trụ với vô vàn trứng phục sinh
Trong chuyến du hành đa vũ trụ đầu tiên của Stephen, anh ấy cùng America đa đi qua rất nhiều vũ trụ khác nhau. Chúng ta có thể nhìn lướt qua một số vũ trụ mà hai người đi qua và bắt gặp vài điểm thú vị chẳng hạn như sự xuất hiện của Living Tribunal, sinh vật 3 đầu đã được đề cập trong cả Doctor Strange và Loki. Ngoài ra còn có một vũ trụ có tông màu nâu đỏ khá giống với Spider-Man Noir và một vũ trụ tương lai có thể là Spider-Man 2099. Cuối cùng, chúng ta có thể thấy một chiếc taxi với quảng cáo của Grindhouse Releasing - công ty phân phối bộ ba phim Evil Dead.
Bruce Campbell trong vai người bán pizza
Khi Stephen và America khám phá vũ trụ mà họ vừa đặt chân tới, America đã lấy một phần pizza từ người bán hàng rong. Vì đồ ăn được miễn phí ở hầu hết vũ trụ nên cô bé không nhận ra rằng mình phải trả tiền cho chỗ pizza mình đã lấy. Điều này khiến cho người bán hàng tức giận và người đó không phải ai khác chính là Bruce Campbell. Ông là một người thường xuyên đóng cameo trong phim của đạo diễn Sam Raimi kể từ khi ông đóng vai chính trong loạt phim Evil Dead.
Anh hùng mạnh nhất Trái Đất
Khi Stephen tìm thấy một bức tượng của mình trước bảo tàng tại New York trên Earth 838, dòng chữ dưới bức tượng có ghi "Anh hùng mạnh nhất Trái Đất". Đây cũng là danh hiệu được đặt cho những Avengers của Earth 616.
Núi Wundagore
Khi Darkhold bị phá hủy, Wanda đã buộc Wong phải đưa mình tới nơi có chứa những phép thuật của Darkhold - núi Wundagore. Đây là quê hương của thần Cthon cổ đại. Thần Cthon và núi Wundagore đều được lấy từ truyện tranh và đưa lên màn ảnh. Núi Wundagore cũng là nơi mà Wanda nhận được sức mạnh của mình từ Cthon.
Earth 616
Kể từ khi khái niệm đa vũ trụ trở thành chủ đề chính cho Phase 4 của Marvel. Người hâm mộ bắt đầu gọi vũ trụ điện ảnh Marvel là Earth 616. Đây là tên gọi cho thực tại chính trong truyện. Nhờ Christine Palmer trong Doctor Strange 2 mà điều này đã được khẳng định chính thức.
Quỹ Baxter
Khi Stephen và America bị giam giữ, Christine đã đề cập tới việc nghiên cứu của cô được tài trợ bởi quỹ Baxter. Theo như truyện tranh, tòa nhà Baxter là trụ sở của Fantastic Four - Bộ Tứ Siêu Đẳng. Và 1 thành viên của Bộ Tứ - Mr. Fantastic cũng đã xuất hiện trong phim và là thành viên của tổ chức Illuminati.
Các thành viên của tổ chức Illuminati
Đây là một tổ chức được lấy ra từ truyện tranh. Tổ chức này tập hợp những anh hùng mạnh nhất trên Trái Đất. Mỗi thành viên của Illuminati trong phim đều là sự đãi ngộ đặc biệt dành cho người hâm mộ. Chúng ta được chứng kiến John Krasinski với vai diễn Mr. Fantastic. Lashana Lynch trở lại MCU trong vai Maria Rambeau, người trở thành Captain Marvel thay cho Carol Danvers. Anson Mount, người đã từng đóng vai Black Bolt trong series Inhumans, cũng xuất hiện trong Doctor Strange. Ngoài ra còn có sự xuất hiện của Hayley Atwell với vai trò là Captain Carter, một biến thể của Captain America mà chúng ta đã từng thấy trong series What If...?
Và có lẽ đặc biệt nhất chính là sự xuất hiện của Patrick Stewart trong vai Giáo sư Xavier, nhân vật đã vô cùng quen thuộc với người hâm mộ những câu chuyện về dị nhân.
Ultron
Trong trụ sở của Illuminati, bạn có thể thấy sự xuất hiện của đội quân Ultron. Điều này ngụ ý rằng Ultron cũng tồn tại ở Earth 838 nhưng chúng ta không biết nhiều về đội quân này. Dường như nó hợp tác với Illuminati hoặc bị tổ chức này kiểm soát.
Cuốn sách của Vishanti
Để có thể ngăn cản Wanda, Stephen và America đã đi tìm cuốn sách của Vishanti, muốn cuốn bí thuật có chứa giải pháp giúp phù thủy tiêu diệt bất cứ kẻ thù nào. Trong truyện tranh, cuốn sách của Vishanti là phiên bản không tà ác của Darkhold. Trong hành trình tìm cuốn sách của Vishanti, Doctor Strange đã tiến vào Nexus, lối giao thoa giữa tất cả các thực tại.
Chiếc xe yêu thích của đạo diễn Sam Raimi
Oldsmobile Delta 88 màu vàng là chiếc xe yêu thích của đạo diễn Sam Raimi. Nó đã từng xuất hiện trong tất cả những bộ phim của ông ấy. Và trong Doctor Strange 2 cũng không ngoại lệ. Bạn có thể nhìn thấy nó xuất hiện khi Stephen và Christine tới vũ trụ đang tự hủy.
Donna Strange
Trong truyện tranh, Strange có một người em gái tên Donna, cô đã bị chuột rút và chết đuối năm 17 tuổi. Stephen đã không thể cứu được cô ấy và anh luôn dằn vặt mình vì điều này. Trong Doctor Strange 2, Stephen cuối cùng cũng đề cập tới Donna, tuy nhiên có một sự thay đổi là cô chết vì rơi xuống hố băng. Cái chết của Donna cũng là lý giải cho việc Stephen luôn xa cách, không gần gũi với người khác.
Giọng nói của những linh hồn
Sau khi chiếm hữu xác chết của mình ở một thực tại khác, Stephen đã khai thác linh hồn của người chết và điều khiển chúng giúp anh bay. Giọng nói của một trong những linh hồn là của Richie Palmer, một trong những nhà sản xuất của Doctor Strange 2. Một linh hồn khác được lồng tiếng bởi Scott Spiegel, người đã xuất hiện trong nhiều dự án của Sam Raimi.
Bom’Galiath
Trong phần đầu tiên của Doctor Strange, khi anh chiến đấu với Kaecilius ở điện thờ New York, anh đã va phải một cái bình. Kaecilius đã từng nói "Anh không biết làm gì với nó phải không?". Trong Doctor Strange 2, Christine đã sử dụng nó để chống lại những linh hồn đang tấn công Stephen trong khi anh mộng du.
Con mắt của Agamotto
Trong Doctor Strange 1, con mắt của Agamotto được đề cập tới là chiếc bùa hộ mệnh chứa Viên đá Thời gian. Tuy nhiên ở cuối Doctor Strange 2 nó xuất hiện dưới dạng một con mắt thứ 3 theo đúng nghĩa đen trên trán Strange. Agamotto là Phù thủy tối thượng đầu tiên và con mắt thứ ba tượng trưng cho sức mạnh ma thuật và trí tuệ tuyệt vời. Dường như Stephen Strange đã nắm được sức mạnh cũng như những bí ẩn về con mắt Agamotto.
Clea và Dark Dimension
Clea là một phù thủy tối thượng và vợ của Doctor Strange trong phiên bản truyện tranh. Clea đã xuất hiện trong phần mid credits của phần 2 Doctor Strange, cô ấy nói với Strange rằng cần sự giúp đỡ của anh để khắc phục vấn đề mà anh đã gây ra khi du hành đa vũ trụ. Thực tại mà Clea và Doctor Strange tiến vào chính là Dark Dimension, nơi đã từng được đề cập tới trong phần phim đầu tiên về Doctor Strange.
Trên đây là Các easter egg trong Doctor Strange in the Multiverse of Madness bạn có thể bỏ lỡ. Bạn còn phát hiện ra "trứng phục sinh" nào nữa không? Hãy cho Quantrimang biết nhé.