Mỗi thiết bị mới bạn đưa vào nhà thông minh (Smarthome) có thể là một điểm để những kẻ tấn công lợi dụng xâm nhập vào hệ thống nhà. Bạn có thể bảo mật nhà thông minh với các bước đơn giản như khóa router và “chăm sóc” đúng cách các thiết bị trong nhà thông minh.
- 4 thiết bị nhà thông minh bạn không nên mua
- Tìm hiểu về Home Assistant - Nền tảng tự động hóa ngôi nhà của bạn!
- 5 bộ điều nhiệt thông minh tốt nhất
Hãy bắt đầu với router
Hầu hết các thiết bị nhà thông minh yêu cầu truy cập Internet để hoạt động chính xác. Mặc dù không phải tất cả các thiết bị đều kết nối trực tiếp với Internet (như bóng đèn z-wave), nhưng những loại này thường kết nối với hub hoặc các thiết bị khác để truy cập Internet. Do đó, router là thiết bị dễ bị tấn công nhất.
Và bảo mật router là bước đầu tiên bạn cần làm để bảo vệ nhà thông minh. Bạn nên thay đổi mật khẩu admin mặc định được sử dụng để truy cập router. Cập nhật firmware router nếu hết hạn và kích hoạt mã hóa. Luôn luôn sử dụng mật khẩu phức tạp cho router Wifi. Với router tiêu chuẩn (không phải Mesh), bạn có thể thực hiện tất cả điều này từ giao diện web của router. Tất cả những gì bạn cần làm là tìm địa chỉ IP của router và dán vào thanh địa chỉ và truy cập vào đó để thiết lập bảo mật. Đối với Mesh router, nó không có giao diện web, bạn phải thực hiện thay đổi từ ứng dụng.
Nếu nhà sản xuất router của bạn không cung cấp firmware mới nữa, bạn nên xem xét thay thế nó. Mặc dù mọi người thường nói không cần Mesh router cho gia đình thông thường, nhưng nhà thông minh sẽ hưởng lợi nhiều từ nó. Bạn sẽ nhận được vùng phủ sóng tốt hơn cho tất cả các thiết bị Wifi và hầu hết các Mesh router sẽ tự động cập nhật firmware và cung cấp các dịch vụ bảo vệ bổ sung khi đăng ký.
Sử dụng mật khẩu duy nhất cho mọi thiết bị
Nhiều thiết bị nhà thông minh yêu cầu mật khẩu khi thiết lập. Thông thường, nó liên quan đến việc tải ứng dụng và tạo tài khoản người dùng. Trong một số trường hợp như bóng đèn thông minh Z-ware, bạn sẽ tạo một tài khoản từ Hub để sử dụng với các thiết bị khác.
Mỗi thiết bị bạn tạo tài khoản nên sử dụng một mật khẩu phức tạp, duy nhất. Nếu sử dụng lại mật khẩu cho các dịch vụ và thiết bị nhà thông minh, bạn sẽ gặp rủi ro nếu hacker có được mật khẩu một thiết bị sẽ truy cập các thiết bị khác.
Bạn có thể cân nhắc sử dụng phần mềm quản lý mật khẩu. Một số dịch vụ như LastPass hoặc Dashlane có thể giúp bạn tạo và quản lý các mật khẩu dài và phức tạp. Nhiều người nghĩ ứng dụng quản lý mật khẩu chỉ để lưu thông tin đăng nhập trang web, nhưng bạn có thể lưu trữ bất cứ loại mật khẩu nào trên đó. Ngoài ra, bạn có thể lưu ghi chú, file, bookmark và nhiều thứ khác trên trình quản lý mật khẩu.
Bật xác thực hai yếu tố trên thiết bị hỗ trợ
Xác thực hai yếu tố là lớp bảo mật bổ sung ngoài mật khẩu đơn giản. Với xác thực hai yếu tố, sau khi nhập mật khẩu, bạn cần cung cấp thêm bằng chứng nhận dạng. Thông thường, nó ở dạng mã được tạo ngẫu nhiên bởi ứng dụng điện thoại hoặc mã gửi tin nhắn hoặc gọi điện.
Tuy nhiên, tính năng xác thực hai yếu tố này không phổ biến trên các thiết bị nhà thông minh, nhưng giờ đây đã bắt đầu thay đổi. Nest và Wyze đều cung cấp xác thực hai yếu tố. Camera an ninh là thiết bị có khả năng có xác thực hai yếu tố và bạn nên sử dụng nó. Thay vì đột nhập vào router, kẻ tấn công có thể dễ dàng sử dụng thông tin đánh cắp để đăng nhập vào tài khoản được liên hệ với thiết bị nhà thông minh. Xác thực hai yếu tố giúp ngăn chặn điều đó.
Kiểm tra ứng dụng liên quan đến thiết bị nhà thông minh xem có tính năng xác thực hai bước không, nếu có hay bật nó lên. Bạn nên sử dụng xác thực hai yếu tố với ứng dụng xác thực như Google Authenticator cho iOS và Android.
Thường xuyên cập nhật firmware cho tất cả thiết bị
Giống như router, bạn nên thường xuyên cập nhật firmware cho tất cả thiết bị nhà thông minh. Firmware là phần mềm cơ bản được tích hợp trên phần cứng, xác định các tính năng và khả năng của phần cứng. Cập nhật firmware ngoài sở hữu thêm các tính năng mới, bạn còn nhận được bản vá lỗi nếu có, đảm bảo an toàn cho thiết bị.
Nói chung, bạn có thể cập nhật hầu hết các thiết bị nhà thông minh thông qua ứng dụng. Người dùng cũng có thể cập nhật tiện ích Z-wave và ZigBee kết nối với smart hub, kiểm tra cập nhật từ ứng dụng Hub.
Nếu nhà sản xuất không còn hỗ trợ thiết bị nhà thông minh đã cài đặt, bạn nên thay thế nó càng sớm càng tốt. Nếu không chắc, hãy kiểm tra trang web nhà sản xuất.
Chỉ mua từ các công ty có uy tín, nổi tiếng
Nếu tìm kiếm các phích cắm thông minh trên Amazon, bạn sẽ thấy hàng tá các tùy chọn từ nhiều nhà sản xuất. Một vài cái tên bạn đã nghe đến, còn lại hoàn toàn mới đối với bạn. Với những sản phẩm từ các nhà sản xuất ít được biết đến thường giá rẻ và hứa hẹn nhiều tính năng, do đó bạn nên điều tra công ty trước.
Hầu hết các thiết bị smarthome bạn sử dụng trong nhà giao tiếp với các server trong đám mây. Bạn cần kiểm tra ai là người sở hữu những server này.
Và bên cạnh đó, vấn đề lớn nhất với nhà thông minh là thiết bị có thể ngừng hoạt động. Công ty có thể giải thể hoặc quyết định chuyển sang sản phẩm mới hơn, lúc đó thiết bị của bạn sẽ không được hỗ trợ.
Sử dụng những thiết bị từ những công ty có tiếng không đảm bảo việc này không diễn ra nhưng sẽ ít khả năng hơn. Bạn cần xem qua lịch sử công ty, xem xét tính khả thi, thời gian hỗ trợ sản phẩm.
Từ những thông tin này, ít nhất bạn có thể đưa ra quyết định sáng suốt có nên mua sản phẩm hay không. Nếu thấy một sản phẩm từ một nhà sản xuất mới, hay thử tìm các đánh giá từ nhiều trang web.
Không truy cập Smarthome từ Wifi công cộng
Giống như việc không nên kiểm tra tài khoản ngân hàng của mình từ Wifi công cộng, bạn cũng nên tránh truy cập smarthome từ mạng Wifi mở. Ngay cả khi chắc chắn mạng Wifi đó hợp lệ, bạn cũng có thể gặp nguy cơ ai đó có thể xâm nhập vào thiết bị nhà thông minh. Tốt nhất không nên thực hiện bất cứ điều gì nhạy cảm trên mạng Wifi công cộng.
Nếu cần truy cập từ xa vào nhà, hãy sử dụng thiết bị có dữ liệu mạng LTE (như điện thoại) hoặc xem xét việc thiết lập Mạng riêng ảo (VPN) cá nhân để kết nối an toàn.