Nếu là người quan tâm về lịch sử web, 11 sự kiện thú vị sau đây có thể sẽ mang đến cho bạn ít nhiều bất ngờ.
1. Bức ảnh đầu tiên trên mạng
Bức ảnh đầu tiên được đưa lên mạng trong lịch sử web là hình chụp... bốn người phụ nữ.
Trong những ngày đầu tiên WWW chào đời, lập trình viên Silvano de Gennaro làm việc ở viện CERN danh tiếng (Thụy Sĩ) chính là người đã đưa bức ảnh chân dung bốn người phụ nữ lên mạng.
Bức ảnh đầu tiên được đưa lên mạng Internet
Năm 1992, cha đẻ của mạng Internet, Tim Berners-Lee, đã xây dựng một hệ thống thông tin mới có tên World Wide Web và chạy thử nghiệm trang web đầu tiên tại địa chỉ http://info.cern.ch/
Berners-Lee yêu cầu Gennaro quét một số bức ảnh có cảnh tiệc tùng ở CERN để đưa lên trang web. Không nghe rõ Lee đã dặn gì, Gennaro loay hoay chọn đại một bức ảnh rồi đẩy lên mạng. Hóa ra bức ảnh chụp chân dung bốn người phụ nữ trong trang phục thời trang kinh điển của những năm đầu 1990, diễn vở hài kịch "Don't tell mom the babysitter's dead".
Bức ảnh được coi là một trong những dấu ấn đã thay đổi thế giới. Tuy nhiên, một số người khó tính cho rằng đây cũng là bức ảnh hở hang đầu tiên trên web.
2. Email đầu tiên
Email đầu tiên của mạng Internet thuộc sở hữu của lập trình viên Ray Tomlinson, ra đời năm 1971. Trước đó, người dùng đã biết cách gửi các thông điệp điện tử... nhưng chỉ giữa những người sử dụng cùng một chiếc máy tính! Tomlinson đã tạo ra nền tảng của dịch vụ email vẫn sử dụng đến ngày nay, có cấu trúc abc@abc.com.
Biểu tượng "@" xuất hiện trên địa chỉ thư để tách biệt tên người sử dụng email và hệ thống máy chủ cung cấp dịch vụ. Nhờ vào đó, Ray Tomlinson có thể gửi thư điện tử cho bất kỳ ai mà không phụ thuộc máy sử dụng.
Bạn có biết Ray Tomlinson viết gì trong bức thư đầu tiên? Đáng tiếc là Tomlinson đã đánh rơi trong trí nhớ bức thông điệp đầu tiên gửi bằng thư điện tử. Những gì anh chàng lập trình viên này còn loáng thoáng nhớ được ở đầu thư là "QWERTYUIOP" hoặc gì đó tương tự.
Bức email thật sự đầu tiên là một bức thông điệp Tomlinson gửi các đồng nghiệp, hướng dẫn sử dụng dịch vụ này như thế nào qua mạng.
3. Thư rác đầu tiên
Spam “tiền bối”
Sau 7 năm email xuất hiện, thư rác (spam) cũng lần đầu tiên góp mặt trên mạng Internet. Spam này do Gary Thuerkm gửi đi vào năm 1978 nhằm để quảng cáo cho DEC.
Đáng tiếc là kết quả nhận được từ vụ “thả bom” không khả quan. Trên thực tế, bức thư quảng cáo còn đáng ghét hơn so với thư rác hiện đại. Nên nhớ thời đó, tốc độ mạng chậm chạp như thế nào. Để mở một bức thư dài lòng thòng như spam Gary Thuerkm đã gửi, quả là điều khó khăn (thư dài vì chứa danh sách địa chỉ email).
4. Banner quảng cáo đầu tiên
Hãng AT&T chính là đơn vị đầu tiên có banner quảng cáo trên mạng Internet.
Tháng 10-1994, các sáng lập viên của tạp chí đa lĩnh vực Wired đã quyết định xây dựng một thương hiệu riêng trên mạng internet với tạp chí Hotwired - phiên bản điện tử. Thông tin quảng cáo cũng đã được giới thiệu với khẩu hiệu “Hãy mua quảng cáo trên tạp chí mới của chúng tôi, tạp chí chỉ có duy nhất phiên bản điện tử”.
AT&T là đối tác đầu tiên đã mua quảng cáo trên Hotwired. Tuy nhiên, thay vì hiển thị thông tin banner, Hotwired đã sử dụng một chiến lược quảng cáo trực tuyến thông minh, hiển thị thông tin hấp dẫn, mời gọi người đọc click vào banner này.
5. Vật đầu tiên giao dịch thành công trên mạng đấu giá eBay
Pierre Omidyar khởi nghiệp cùng eBay vào tháng 9-1995. Ông cũng chính là người đã bán vật đấu giá đầu tiên trên mạng này. Đó là chiếc bút trình chiếu laser đã bị hỏng, có giá 14 USD.
Ngày nay, eBay vẫn đang cùng với Amazon là những nhà cung cấp nền tảng và dịch vụ đấu giá hàng đầu thế giới, mở ra trào lưu mua sắm trực tuyến, một hình thức của thương mại điện tử.
6. Tweet đầu tiên
Biz Stone, đồng sáng lập Twitter, chính là người đã sử dụng dịch vụ Twitter đầu tiên. 11 phút sau, Evan Williams, sáng lập viên Evan Williams, cũng bắt đầu tweet.
Vào 12g15 này 21-3-2006, Stone viết trên trang Twitter của mình dòng đầu tiên: “Tôi vừa mới cài đặt twttr của mình”.
7. Bộ máy tìm kiếm đầu tiên trên mạng Internet
Giao diện của bộ máy tìm kiếm thuở sơ khai
Đó chính là Archie, được Alan Emtage, một sinh viên ở Đại học McGill (Canada), tạo ra năm 1990. Ngày nay, Archie vẫn tồn tại ở một góc nhỏ khiêm tốn tại địa chỉ http://archie.icm.edu.pl/archie-adv_eng.html.
Archie hiện chỉ hỗ trợ tìm kiếm thông tin từ các trang web lưu trữ FTP cho phép truy cập dạng khách, hoặc các trang web đến từ Ba Lan.
Hiện Alan Emtage đang là CEO của Mediapolis, Inc, một công ty phát triển web có trụ sở ở New York. Mặc dù Archie là sản phẩm không tồi, nhưng chỉ một vài năm sau đó, sự xuất hiện của Google (1996) đã khiến Archie trở nên lạc hậu.
8. Tên miền đầu tiên
Tên miền đầu tiên được đăng ký sử dụng là Symbolics.com vào ngày 15-3-1985 bởi Symbolics, một công ty sản xuất máy tính. Tuy nhiên, ngày nay Symbolics.com đã không còn hoạt động như thuở ban đầu.
9. Video đầu tiên trên YouTube
Đoạn clip đầu tiên được đăng trên YouTube thuộc về Jawed Karim, đồng sáng lập mạng chia sẻ video đình đám. Clip quay cảnh Jawed Karim đang đứng trong công viên, thuyết trình về loài voi! Clip có thời lượng 19 giây này “online” từ ngày 23-4-2005.
Hiện nó đã được hơn 1 triệu lượt người xem. Có thể nhận thấy chất lượng video khá tệ ở thời điểm 4 năm trước. Bạn có thể xem lại tại đây.
10. Trang web đầu tiên có nội dung người lớn
Cho đến nay, trang web đầu tiên có nội dung dành cho người lớn vẫn được xem là sex.com. Tên miền này được Gary Kremen đăng ký vào năm 1994. Tuy nhiên, Kremen chẳng mấy chốc đã bị cuỗm mất tên miền “xịn”. Stephen M. Cohen, một tay đầu cơ, nhận thấy tiềm năng của tên miền này đã liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ Network Solutions, dùng bằng chứng, chữ ký giả mạo để “chôm” từ tay Gary Kremen.
Kremen cũng không phải là tay vừa. Mặc dù không có ý định kiếm tiền hay đăng tải thông tin khiêu dâm lên sex.com, anh này vẫn hăng máu kiện Cohen lên tòa án. Sau vụ tranh chấp ly kỳ, Kremen kiếm được 65 triệu USD tiền bồi thường và giành lại tên miền.
Kremen bán tên miền này với giá 12 triệu USD, sau khi đã xây dựng cơ ngơi bề thế cho match.com.
11. Thành viên đầu tiên của mạng xã hội Friendster
Đó chính là sáng lập viên Jonathan Abrams, với danh bạ có tên khá lạ: “101”.