Cấu tạo, các ký hiệu và nguyên tắc hoạt động của máy biến thế

Máy biến thế là một trong những thiết bị truyền tải điện năng quan trọng với nhiệm vụ chính là điều chỉnh mức điện áp để đáp ứng nhu cầu sử dụng của con người. Bài viết dưới đây sẽ nêu cấu tạo, các ký hiệu và nguyên tắc hoạt động của máy biến thế một cách chi tiết cho mọi người cùng tham khảo.

Đặc điểm cấu tạo và ký hiệu máy biến áp

Cấu tạo máy biến áp

Cấu tạo của máy biến áp gồm 3 bộ phận chính: Lõi thép, dây quấn, vỏ máy.

Cấu tạo chung của các loại máy biến áp
Cấu tạo chung của các loại máy biến áp

Lõi thép: Gồm bộ phận trụ và gông. Trụ để đặt dây quấn, gông có nhiệm vụ nối liền giữa các trụ với nhau tạo nên một mạch từ khép kín. Lõi thép của máy biến áp thường làm bằng các vật liệu dẫn từ tốt, được chế tạo bằng cách ghép những lá sắt mỏng cách điện với nhau. Chức năng chính của lõi thép là dẫn từ, đồng thời tạo khung đặt dây cuốn.

Bộ phận lõi thép của máy biến áp
Bộ phận lõi thép của máy biến áp

Dây quấn: Máy biến áp thường dùng dây quấn bằng đồng hoặc nhôm, lớp bên ngoài có bọc cách điện. Chức năng của dây quấn là nạp năng lượng vào và truyền năng lượng đi. Thường thì biến áp quấn bằng dây đồng sẽ có khả năng dẫn điện tốt hơn, tránh được trường hợp bị oxi hóa sau một thời gian sử dụng, gia tăng độ bền và tuổi thọ của máy biến áp.

Dây quấn được chia làm 2 loại là cuộn sơ cấp và cuộn thứ cấp. Cuộn sơ cấp có nhiệm vụ nhận năng lượng vào nối với mạch điện xoay chiều. Cuộn thứ cấp có nhiệm vụ truyền tải năng lượng đi nối với tải tiêu thụ. Tùy thuộc vào nhiệm vụ của từng loại máy biến áp mà số vòng dây của hai cuộn sẽ khác nhau. Số vòng dây cuộn sơ cấp có thể lớn hơn số vòng dây cuộn thứ cấp và ngược lại.

Cuộn dây quấn bao gồm cuộn sơ cấp và cuộn thứ cấp
Cuộn dây quấn bao gồm cuộn sơ cấp và cuộn thứ cấp

Vỏ máy: Vỏ máy biến áp sẽ được làm bằng các chất liệu khác nhau tùy theo từng loại máy như gỗ, nhựa, gỗ, thép, tôn mỏng, gang... Nhiệm vụ của vỏ máy là bảo vệ các bộ phận bên trong của máy biến áp. Vỏ máy gồm nắp thùng và thùng.

Vỏ máy biến áp gồm nắp thùng và thùng
Vỏ máy biến áp gồm nắp thùng và thùng

Ký hiệu máy biến áp

Dựa theo kết cấu và chức năng, người ta chia máy biến áp thành 7 loại chính và ký hiệu chúng như hình dưới đây:

Một số ký hiệu máy biến áp thường gặp
Một số ký hiệu máy biến áp thường gặp

Tìm hiểu nguyên lý làm việc của máy biến áp

Nguyên lý hoạt động của máy biến áp dựa trên hiện tượng cảm ứng điện từ. Khi chúng ta đặt điện áp xoay chiều ở 2 đầu cuộn dây sơ cấp sẽ tạo ra sự biến thiên từ thông bên trong 2 cuộn dây. Từ thông này đi qua cuộn sơ cấp và thứ cấp. Tiếp đó cuộn thứ cấp sẽ xuất hiện suất điện động cảm ứng và làm thay đổi mức điện áp ban đầu.

Các loại máy biến áp

Người ta phân loại máy biến áp theo nhiều cách khác nhau:

  • Phân loại dựa trên cấu tạo: Máy biến áp một pha, máy biến áp ba pha.
  • Phân loại dựa trên chức năng: Máy biến áp hạ thế, máy biến áp tăng thế.
  • Phân loại dựa trên tính cách điện: Máy biến áp lõi không khí, máy biến áp lõi dầu...
  • Phân loại dựa trên nhiệm vụ: Máy biến áp dân dụng, máy biến áp điện lực, máy biến áp hàn, máy biến áp gia đình...

Máy biến thế có tác dụng gì?

Công dụng chính của máy biến áp là biến đổi giá trị hiệu điện thế từ cao xuống thấp hoặc từ thấp lên cao để phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dùng. Máy biến thế được sử dụng rộng rãi trong gia đình, nhà máy sản xuất, các công trình dân dụng lớn như cao ốc, bệnh viện, trung tâm thương mại... Đặc biệt, nó còn là một trong những bộ phận quan trọng nhất của trạm biến áp cũng như hệ thống truyền tải điện năng.

Như vậy, chúng tôi đã trình bày cấu tạo, ký hiệu, nguyên lý hoạt động, ứng dụng và phân loại của máy biến thế một cách chi tiết và dễ hiểu nhất. Hi vọng các bạn sẽ có thêm cho mình những hiểu biết thú vị về thiết bị này.

>>> Có thể bạn quan tâm: [Kinh nghiệm] Mua ổn áp loại nào tốt nhất hiện nay?

Thứ Bảy, 14/12/2024 04:02
4,58 👨 29.709
0 Bình luận
Sắp xếp theo