Một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Washington và Đại học Carnegie Mellon đã phát triển thành công phương pháp có thể cho phép nhiều người cùng tham gia vào trò chơi Tetris (trò chơi xếp hình “huyền thoại”) mà không cần thao tác bằng tay. Thay vào đó, người chơi sẽ điểu khiển các khối hình trong game thông qua suy nghĩ.
Các nhà nghiên cứu, Linxing Jiang, Andrea Stocco, Darby Losey, Justin Abernethy, Chantel Prat và Rajesh Rao đã tạo ra giao diện chơi game thú vị này, và đặt tên là BrainNet. Theo các nhà khoa học, đây là một trong những giao diện tương tác não bộ trực tiếp không xâm lấn trên quy mô nhiều người cùng tham gia đầu tiên được tạo ra trên thế giới, giúp giải quyết vấn đề về hợp tác trong những tựa game hay tác vụ đòi hỏi khả năng ra quyết định nhanh chóng của nhiều cá nhân khác nhau. Về cơ bản, BrainNet cho phép kết nối tín hiệu não bộ của 3 cá nhân ngồi trong các gian phòng riêng biệt và từ đó giúp họ có thể làm việc cùng nhau, cùng đưa ra quyết định cho một vấn đề, cụ thể trong trường hợp này là chơi game xếp hình.
Trò chơi xếp hình cổ điển Tetris
Để chứng minh tính hiệu quả của giao diện BrainNet, nhóm nghiên cứu đã cho các tình nguyện viên cùng tham gia vào trò chơi xếp hình cổ điển Tetris. Nếu bạn chưa biết thì đối với trò chơi này, sẽ có 7 loại khối hình: I (thẳng đứng), J, L, O (vuông), S, T, Z. Trong đó mỗi khối hình lại được tạo thành từ 4 hình vuông nhỏ xếp liền lại với nhau. Ta có thể coi các khối hình đó như là những hình chữ nhật có kích thước khác nhau. Nhiệm vụ của người chơi là di chuyển các khối hình đang rơi từ từ xuống để lấp đầy mọi khoảng trống phía dưới. Chỗ nào đã bị chặn rồi thì không di chuyển được tới vị trí đó. Người chơi xếp những khối hình sao cho khối hình lấp đầy 1 hàng ngang để ghi điểm, sau đó hàng ngang ấy sẽ biến mất.
Sơ đồ thí nghiệm BrainNet
Trong phiên bản đặc biệt này, cả 3 người chơi sẽ cùng cộng tác với nhau để chinh phục trò chơi. Họ được chia thành nhóm 2 “người gửi” (senders) và 1 “người nhận” (receiver). “Người nhận” là người chơi duy nhất thực sự có thể điều khiển cách thức các khối hình rơi xuống, tuy nhiên họ sẽ không thể nhìn thấy phần phía dưới màn hình để cho biết các khối hình sẽ cần phải xoay, lật ra sao. Trong khi đó, “người gửi” có thể nhìn thấy phần phía dưới màn hình, nhưng lại không thể điều khiển cách thức các khối hình rơi xuống. Như vậy, người gửi có nhiệm vụ quan sát từng khối hình và sau đó trả lời câu hỏi nên xoay, lật khối hình đó ra sao.
Cách thức tiến hành thử nghiệm
Trên thực tế, con người hoàn toàn không có khả năng “kế thừa suy nghĩ”, tức là truyền suy nghĩ từ người này đến người kia trực tiếp cho nhau thông qua não bộ, đây chính là lý do thúc đẩy các nhà nghiên cứu sáng tạo ra mô hình truyền tin dựa trên sóng não này.
Trở lại với thử nghiệm. Người gửi sẽ được cung cấp 2 tùy chọn là “yes” và “no” ngay trên màn hình, đồng thời được yêu cầu phải thực sự tập trung để chọn ra câu trả lời đúng. Các tùy chọn trên màn hình sẽ xung động với ánh sáng ở nhiều tần số khác nhau. Điều này cho phép một thiết bị tai nghe EEG có thể xác định rõ câu trả lời mà người gửi đang tập trung vào bằng cách đo phản ứng não bộ của họ.
Sau đó, hệ thống sẽ truyền thông tin thu được qua kết nối internet đến một thiết bị có thể lóe lên ánh sáng trong mắt người nhận, cho biết câu trả lời nào đã được chọn. Sau đó, người nhận chọn một câu trả lời cuối cùng bằng cách tập trung vào các tùy chọn “yes” hoặc “no” tương tự như cách mà người gửi đã làm.
Người tham gia sẽ phải chọn “yes” hoặc “no”
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã can thiệp một chút vào thí nghiệm bằng cách đảo ngược một trong những câu trả lời của người gửi để xem liệu người nhận có bắt kịp với sự thay đổi và thực sự nhận ra rằng 1 trong 2 người gửi đã hiểu sai tín hiệu. Các nhà khoa học cho rằng cũng giống như nhiều trang mạng xã hội thông thường, BrainNet cho phép người nhận học cách tin tưởng người gửi thông qua việc xác định xem thông tin từ người gửi nào đáng tin cậy hơn. Trong trường hợp này là chỉ dựa trên thông tin được truyền trực tiếp đến não của họ.
Công trình nghiên cứu này đã mở ra cơ hội ứng dụng vô cùng phong phú trong sử dụng thực tế. Các nhà nghiên cứu cho rằng BrainNet hoàn toàn có thể mở rộng quy mô hơn nữa để tạo ra một mạng lưới kết nối sóng não bộ trên phạm vi toàn cầu. Điều này có thể dẫn đến sự hợp tác và khả năng tương tác gần như không có rào cản giữa con người với con người, giống như một “mạng xã hội dành riêng cho não bộ”.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra giả thuyết rằng con người có thể sử dụng loại giao diện này để học cách lọc những thông tin xấu ảnh hưởng đến tinh thần gây ra bởi các tác nhân tiêu cực - có thể bằng cách phát triển một phương pháp theo bản năng để phát hiện ra rằng thông tin nào là không phù hợp với bản thân.